(CAO) Ngày 7/3, Công ty Cổ phần BT20-Cửu Long cho biết, từ 10 giờ ngày 8/3, các phương tiện cơ giới lưu thông trên QL1, qua nút giao thông Dầu Giây sẽ bắt đầu được phép lưu thông trên cầu vượt Dầu Giây.
Cụ thể, các phương tiện xe cơ giới lưu thông qua nút giao thông Dầu Giây sẽ bắt đầu được phép lưu thông trên cầu vượt Dầu Giây. Riêng xe máy, xe đạp và người đi bộ chưa được phép lên cầu vượt Dầu Giây.
Theo Công ty CP BT20 - Cửu Long, cầu vượt nút giao Dầu Giây đã thi công hoàn chỉnh theo thiết kế, đã được cơ quan kiểm định đánh giá đảm bảo điều kiện khai thác; các công việc còn lại là hoàn chỉnh mặt đường QL1, hai bên cầu vượt, các nhánh rẽ trong phạm vi nút giao, hoàn thiện các đảo giao thông.
Để thi công các hạng mục còn lại, bắt đầu từ 10 giờ ngày 8/3, các phương tiện cơ giới lưu thông qua nút giao hướng Hà Nội - TPHCM và ngược lại được điều tiết lưu thông trên cầu. Riêng xe máy, xe đạp và người đi bộ cấm lưu thông trên cầu.
Cầu vượt Dầu Giây là hạng mục chính trong dự án nút giao thông ngã tư Dầu Giây, H.Thống Nhất.
Dự án xây dựng nút giao ngã tư Dầu Giây do Công ty CP BT 20-Cửu Long làm chủ đầu tư, được khởi công xây dựng từ tháng 3/2017.
Theo kế hoạch, đến tháng 3/2018, công trình sẽ hoàn thành xây dựng đưa vào sử dụng.
Tuy nhiên, do gặp khó khăn về nguồn vốn, công tác giải phóng mặt bằng cũng như ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên dự án liên tục bị chậm tiến độ.
Việc dự án thi công “ì ạch”, kéo dài đã gây ra rất nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trong khu vực, cũng như làm gia tăng nguy cơ mất an toàn giao thông với những vụ TNGT thương tâm đã từng xảy ra tại đây.
Công ty CP BT20-Cửu Long cho biết, sau khi cho phép các phương tiện cơ giới lưu thông trên cầu vượt Dầu Giây, đơn vị sẽ tập trung thi công các hạng mục còn lại để hoàn thành toàn bộ dự án nút giao ngã tư Dầu Giây vào cuối tháng 3, đầu tháng 4/2022.