(CAO) Việc thành lập Ban Chỉ đạo triển khai các giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh sẽ theo hướng Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban; các Phó Trưởng ban gồm: 1 Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; các thành viên gồm lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có ý kiến chỉ đạo về việc thành lập Ban Chỉ đạo triển khai các giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, vấn đề ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay đã trở nên vô cùng cấp bách, đòi hỏi cần có giải pháp đồng bộ về quy hoạch, giao thông, xây dựng, y tế, giáo dục và đào tạo... cũng như nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 6731/VPCP-CN ngày 29/6/2017 của Văn phòng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo triển khai các giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh theo hướng Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban; các Phó Trưởng ban gồm: 1 Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; các thành viên gồm lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan.
Ngày 20-7, khu vực các tuyến đường xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất bị ùn tắc nhiều giờ liền dù nơi đây đưa vào sử dụng cầu vượt bằng thép giải cứu kẹt xe - Ảnh: Tiến Mạnh.
Trước đó, vào cuối tháng 6-2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo triển khai các giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội và TP.HCM và giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Bộ Nội vụ, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng để xây dựng đề án thành lập Ban Chỉ đạo theo quy định, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7-2017.
Theo số liệu thống kê trong năm 2016, TP Hà Nội phát sinh thêm 17 điểm ùn tắc giao thông (4 điểm cũ và 13 điểm mới) nâng tổng số điểm ùn tắc giao thông ở địa bàn thủ đô lên 41. Một số tuyến đường hướng tâm, vành đai, xung quanh khu vực bến xe, nhà ga, các tuyến đường đang thi công… có lưu lượng giao thông lớn, thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm và khi có sự cố.
Phương tiện giao thông tại Hà Nội tăng nhanh, hiện có khoảng trên 5 triệu xe mô tô (tăng 7,66%/năm giai đoạn 2010-2015); 540 nghìn xe ô tô các loại (tăng 12,9%/năm); trên 10 nghìn xe đạp điện. Trong khi đó, tốc độ phát triển hạ tầng giao thông chỉ đạt 3,9%/năm gây mất cân đối dẫn đến ùn tắc.
Tại TP.HCM tong năm 2016 có 37 điểm ùn tắc, phân bố ở 5 khu vực gồm: Trung tâm thành phố 6 điểm; sân bay Tân Sơn Nhất 6 điểm; Cát Lái 3 điểm; cửa ngõ thành phố 8 điểm; khu vực khác 14 điểm. Trong số 37 này, thì có 25 điểm đang chuyển biến tích cực, 2 điểm ít chuyển biến và còn 10 điểm phức tạp.
Về nguyên nhân ùn tắc chủ yếu do quy hoạch và phát triển đô thị chưa đồng bộ, bên cạnh đó, lượng phương tiện giao thông cá nhân tiếp tục gia tăng nhưng chưa có chính sách kiềm chế… Đặc biệt, năm 2017, TP.HCM triển khai rất nhiều công trình, số rào chắn công trường lên tới 131, nhiều nhất từ trước tới nay. Đây cũng là một trong nguyên nhân khiến đường sá bị thu hẹp dẫn đến ùn tắc. Sở GTVT TP.HCM cũng phối hợp với các sở ngành liên quan có những giải pháp đồng bộ để kéo giảm tình trạng ùn tắc tại các điểm nói trên.