(CAO) UBND TP.HCM vừa có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất cho phép TP triển khai thí điểm phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện.
Trước đó, Tập đoàn Vingroup - Công ty cổ phần có đề xuất cho phép thực hiện đề án gồm 5 tuyến buýt điện ở TP gồm Tuyến 1: VinHome Grand Park (khu đô thị ở quận 9) - Trung tâm thương mại Emart, quận Gò Vấp (bình quân 27 km); Tuyến 2: VinHome Grand Park - Sân bay Tân Sơn Nhất (30 km); Tuyến 3: VinHome Grand Park - Bến xe buýt Sài Gòn (29 km); Tuyến 4: VinHome Grand Park – Bến xe Miền Đông mới (8,5 km); Tuyến 5: Bến xe Miền Đông mới - Khu đô thị Đại học Quốc Gia (10 km).
TP.HCM xin Thủ tướng cho phép triển khai thí điểm xe buýt chạy bằng điện
Đơn vị này đề xuất sẽ đầu tư 77 xe buýt điện cao cấp với công nghệ tiên tiến có sức chứa từ 65 đến 70 chỗ ngồi bao gồm cả đứng và ngồi. Đồng thời cam kết sẽ đầu tư trung tâm quản lý vận hành xe buýt thông minh, trạm sạc pin, bãi đỗ để vận hành.
Đánh giá về đề xuất này, UBND TP.HCM cho rằng việc phát triển xe buýt điện là phù hợp chủ trương, chiến lược phát triển dịch vụ vận tải của Chính phủ, Bộ GTVT và mục tiêu phát triển đô thị bền vững, hướng đến phương tiện thân thiện với môi trường, hiện đại của TP.HCM.
Tuy nhiên, do xe buýt điện là loại hình phương tiện vận tải hành khách công cộng mới, chưa có định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá. Do đó, để có cơ sở triển khai đề án tổ chức vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện tại TP.HCM, UBND TP kiến nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận chủ trương đưa xe buýt điện vào hoạt động thí điểm trên địa bàn TP.HCM trong 24 tháng, kể từ ngày bắt đầu hoạt động.
Đồng thời, cho phép áp dụng định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá đã được ban hành đối với loại xe buýt CNG đang hoạt động trên địa bàn TPHCM để thực hiện theo phương thức đặt hàng cung ứng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện. Sau thời gian thí điểm, TP.HCM sẽ tổ chức đánh giá, tổng kết tính hiệu quả, qua đó làm cơ sở để tiến tới đấu thầu, đặt hàng theo quy định.