TPHCM: Vướng mặt bằng, nhiều cây cầu huyết mạch bị "đứng hình"

Thứ Ba, 13/06/2023 18:36  | Hải Văn

|

(CATP) Bên cạnh xây dựng đường sá, những năm qua, TPHCM tăng tốc xây dựng hàng loạt cây cầu huyết mạch có vai trò quan trọng trong việc đi lại, tăng năng lực giao thông vận tải. Tuy nhiên, do vướng công tác giải phóng mặt bằng, nhiều cây cầu thi công ì ạch, chậm tiến độ, thậm chí "đắp chiếu" khiến giao thông ùn tắc, kẹt xe, gây lãng phí tiền của Nhà nước, người dân bức xúc.

"Đắp chiếu" gần 5 năm vì vướng mặt bằng

Được xem là một trong những "cửa ngõ” của quận Bình Tân với Quốc lộ 1A và các quận, huyện lân cận như: quận 12, Bình Chánh, Hóc Môn... cầu Tân Kỳ - Tân Quý có vai trò rất quan trọng đối với việc giải tỏa ách tắc giao thông, rút ngắn thời gian đi lại và phát triển kinh tế. Cầu được khởi công từ đầu năm 2018, dài 83m, rộng 16m, đoạn dẫn dài 225m bắc qua kênh Tham Lương - Bến Cát (Q.Tân Bình), vốn đầu tư 312 tỷ đồng, sau đó nâng lên 668 tỷ đồng, theo hình thức đối tác công - tư (PPP), hợp đồng BOT giữa thành phố và Công ty cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng (IDICO), dự kiến cuối năm 2018 hoàn thành. Sau khi hoàn thành, nhà đầu tư sẽ thu phí tại trạm thu phí An Sương - An Lạc trên Quốc lộ 1A.

Cầu đã hoàn thành 70% khối lượng công việc nhưng bị ngưng thi công từ tháng 12/2018 đến nay do chưa hoàn tất bồi thường giải phóng mặt bằng. Cây cầu cũng bị Kiểm toán Nhà nước "tuýt còi" vì việc xây dựng cầu Tân Kỳ - Tân Quý để thu phí trên Quốc lộ 1A không thích hợp nên TPHCM đã dừng hợp đồng BOT với nhà đầu tư. Mặt khác, dự án đường bộ đầu tư hình thức BOT chỉ áp dụng cho các tuyến đường xây mới.

Vướng mặt bằng, cầu Tân Kỳ - Tân Quý ngưng thi công từ tháng 12/2018 đến nay

Tháng 10/2022, UBND TPHCM đề xuất chi hơn 491 tỷ đồng từ ngân sách để hoàn thiện cầu Tân Kỳ - Tân Quý, trong đó có khoảng 230 tỷ đồng để trả chi phí nhà đầu tư đã bỏ ra làm cầu và khoảng 261 tỷ đồng đầu tư hoàn thành các hạng mục còn lại, dự kiến hoàn thành dự án vào năm 2025, đề xuất này được HĐND TPHCM thông qua.

Gần 4 năm nay, cầu Tân Kỳ - Tân Quý gần như bỏ hoang, trên công trình không còn máy móc thiết bị và công nhân xây dựng. Văn phòng làm việc của công trình không còn, rào chắn xung quanh công trình bị rỉ sét, xiêu vẹo, bị viết vẽ bậy lem nhem. Gạch đá, bê-tông, phơi nắng mưa ngã màu bạc phếch; sắt thép bị rỉ sét nằm ngổn ngang. Do công trình bị "trùm mền", buộc người dân phải đi qua 2 cầu sắt bắc tạm hai bên. Cầu sắt được làm tạm bợ, ọp ẹp nhưng phải gồng gánh một lượng xe cộ nườm nượp qua lại khiến giao thông thường xuyên ùn ứ.

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TPCHM Bùi Xuân Cường ký công văn khẩn gửi các sở, ban, ngành liên quan về đẩy nhanh dự án cầu Tân Kỳ - Tân Quý. Theo đó, UBND thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tham mưu, đề xuất các nội dung liên quan đến kế hoạch bố trí vốn bổ sung năm 2023, nhằm hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và thanh toán nhà đầu tư. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (chủ đầu tư) khẩn trương phối hợp với nhà đầu tư và các đơn vị liên quan rà soát, xác định phần khối lượng, chi phí đã thực hiện để thanh toán. Khẩn trương tổ chức thi công các hạng mục, gói thầu của dự án và các dự án khác trong khu vực, đảm bảo tính kết nối, tránh chồng chéo, thất thoát, lãng phí. Theo dự kiến, công trình sẽ hoàn thành vào năm 2025. Người dân kỳ vọng cây cầu sớm được đưa vào sử dụng để giảm kẹt xe, rút ngắn thời gian đi lại.

Cầu Phước Long lắp ghép được 2 nhịp thì "đứng hình", xe cộ chật vật qua cầu cũ

Thêm nhiều cây cầu cùng cảnh ngộ

Nhằm thúc đẩy phát triển giao thương, nâng cao năng lực vận tải, giảm kẹt xe, góp phần chỉnh trang đô thị, năm 2017, dự án cầu Tăng Long bắc qua rạch Trau Trảu nằm trên đường Lã Xuân Oai (P.Trường Thạnh, TP.Thủ Đức) được phê duyệt và xây dựng. Đây là một trong những dự án được Ban Đô thị, HĐND TPHCM giám sát.

Theo thiết kế, cầu dài 231m, tổng chiều dài toàn tuyến 790m, đáp ứng 4 làn xe và có lề bộ hành 2 bên. Dưới cầu có đường chui, đường dân sinh, đáp ứng đầy đủ giao thông đường thủy lẫn đường bộ. Thi công được hơn 30% tổng khối lượng công trình, đến tháng 9/2019 dự án này đã tạm dừng khiến mức đầu tư cho cây cầu đã đội từ 448,898 tỷ đồng thành 688,071 tỷ đồng. Nguyên nhân khiến cầu cây cầu bị "trùm mền" là do vướng tiến độ giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật. TP.Thủ Đức đang phối hợp với UBND các phường: Long Trường và Trường Thạnh kiểm tra nguồn gốc đất với 43 hộ dân.

Sở Giao thông vận tải TPHCM đề nghị giao Ban Giao thông thẩm định lại công trình nhằm đảm bảo chính xác tổng mức đầu tư cho cây cầu. Ban Giao thông phối hợp với Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng của TP.Thủ Đức và các đơn vị liên quan thực hiện dứt điểm công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ chủ đầu tư tiếp tục triển khai thực hiện dự án. Trên cơ sở có mặt bằng, Ban Giao thông tổ chức lập kế hoạch chi tiết thực hiện thi công các hạng mục còn lại. Cầu dự kiến hoàn thành năm 2024.

Sau 6 năm khởi công, cầu Tăng Long chỉ thi công được hơn 30% khối lượng

Là một trong 23 cây cầu nằm trong dự án nâng cấp, mở rộng, xây mới tại TPHCM, cầu Phước Long bắc qua rạch Phú Xuân, nối quận 7 và huyện Nhà Bè được xây dựng từ tháng 02/2020 cũng bị "đứng hình" từ tháng 01/2021 do vướng mặt bằng. Cầu Phước Long mới dài 380m, rộng 10,5m, đường dẫn 2 bên cầu dài 120m, rộng 30m, tổng vốn đầu tư 738 tỷ đồng bằng vốn ngân sách Nhà nước. Sau khi hoàn thành, cầu mới giúp giảm tải cho cầu Phú Xuân 2 trên đường Huỳnh Tấn Phát, giải quyết một trong bốn điểm ùn tắc giao thông trên địa bàn quận 7 và huyện Nhà Bè gồm: cầu Kênh Tẻ, ngã tư Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh, ngã ba Huỳnh Tấn Phát - Bùi Văn Ba và cầu Phước Long, rút ngắn thời gian di chuyển từ huyện Nhà Bè sang quận 7 và ngược lại xuống còn 2 phút.

Hiện công trình đã thi công được 3 trụ cầu và lắp ghép được 2 nhịp ở giữa sông, khu vực không bị vướng giải tỏa thì ngưng thi công. Công trình dang dở buộc người dân phải chen chúc nhau đi qua cây cầu cũ. Do bề mặt cầu cũ hiện hữu chỉ rộng từ 3,2 - 4,2m, đủ cho một làn xe ôtô lưu thông nên xe cộ ùn tắc triền miên. Vào giờ cao điểm, có lúc xe cộ rồng rắn nối đuôi nhau xếp hàng cả cây số kéo từ ngã tư Nguyễn Lương Bằng - Phạm Hữu Lầu chờ qua cầu. Nhiều người cố gắng luồn lách ở 2 bên vỉa hè để chen chúc qua cầu cũ, nhưng xe này vừa nhích lên chút xíu đã có xe khác chen vào lấp chỗ trống.

Nhằm tái khởi động lại việc xây dựng lại Phước Long, sáng 08/4, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường cùng đoàn kiểm tra đi khảo sát, kiểm tra một số dự án trọng điểm chậm tiến độ: cầu Long Kiểng, hầm chui giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, mở rộng Quốc lộ 50, nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng và cầu Phước Long. Phó chủ tịch UBND TPHCM lưu ý phía UBND quận 7 và huyện Nhà Bè sớm bàn giao mặt bằng trong tháng 6/2023. Tiến hành thi công lại gói thầu xây lắp phần cầu và khởi công gói thầu công trình xây lắp vào tháng 7/2023. Dự kiến, công trình hoàn thành đưa vào khai thác và tháng 12/2024.

Trước thực trạng nhiều cây cầu huyết mạch đang "đắp chiếu", người dân thành phố rất mong các cơ quan, ban ngành sớm nối lại việc thi công này, góp phần giảm ùn tắc giao thông, thuận lợi cho việc đi lại.

Bình luận (0)

Lên đầu trang