Xây dựng mô hình "quản lý giáo dục người chấp hành xong án phạt tù”
Tính đến cuối năm 2023, mô hình "Quản lý giáo dục người chấp hành xong án phạt tù” ở xã Phước Lý, huyện Cần Giuộc, Long An đã phát huy hiệu quả thiết thực, nhờ lồng ghép các hoạt động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, các mô hình tự phòng, tự quản về ANTT, để đưa vào quản lý giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi ở địa phương, theo dõi chặt chẽ tỷ lệ tái phạm tội.
Anh Hồ Đức Linh (ở xã Phước Lý) cho biết, những người thuộc diện tái hòa nhập cộng đồng như anh, điều quan trọng nhất chính là những vòng tay nhân ái của gia đình và cộng đồng mới là sức mạnh để vượt qua mặc cảm, tìm lại chính mình, viết tiếp ước mơ của đời mình là được trở về hòa nhập xã hội.
Theo ông Nguyễn Hoàng Xuân Vũ, Chủ tịch UBND xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc: Để thực hiện hiệu quả công tác tái hòa nhập cộng đồng, chính quyền địa phương chỉ đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội có liên quan đến công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành án hình sự tại cộng đồng và chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, đề ra các giải pháp để hỗ trợ, giúp đỡ họ chấp hành tốt quy định pháp luật, không tái phạm, mạnh dạn hòa nhập cộng đồng. Để tạo việc làm cho người tái hòa nhập cộng đồng, UBND xã ký kết với các công ty, doanh nghiệp sẵn sàng tiếp nhận những trường hợp này vào làm việc, giúp họ có thu nhập, ổn định cuộc sống.
Theo Thượng tá Nguyễn Văn Quân, Trưởng Công an huyện Cần Giuộc: Thời gian tới, Công an huyện sẽ đẩy mạnh thực hiện nhiều giải pháp hơn nữa, nhân rộng, nâng cao chất lượng hoạt động các mô hình về giáo dục, giúp đỡ người tái hòa nhập cộng đồng, giúp họ hoàn lương, sống có ích cho gia đình và xã hội.
Đại diện Hội doanh nghiệp và Công an huyện Bến Lức ký kết hỗ trợ tiếp nhận, giúp đỡ việc làm cho người từng lẫm lỡ
Phát triển mô hình "3 quản, 3 giúp"
Huyện Bến Lức là cửa ngõ khu vực miền Tây Nam bộ, nơi tập trung nhiều công nhân và khu công nghiệp. Nhằm kéo giảm tỷ lệ tái phạm tội, giúp người từng có quá khứ lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ (BCĐ) huyện Bến Lức xây dựng mô hình "3 quản, 3 giúp" triển khai trên địa bàn các xã, thị trấn.
Bà Huỳnh Thị Mộng Tuyền, Chủ tịch UBND thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức cho biết: Để thực hiện hiệu quả mô hình trên, UBND thị trấn Bến Lức xây dựng kế hoạch thành lập BCĐ, đề ra các chương trình công tác, phân công từng thành viên của BCĐ. Nòng cốt là lực lượng công an phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội và các ngành lập danh sách từng trường hợp; trong đó, chú ý phân loại rõ số người đã có việc làm và số người chưa có việc làm. Hàng quý đều tổ chức đối thoại với người mãn hạn tù hiện đang tái hòa nhập cộng đồng để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, có biện pháp giúp đỡ họ hiệu quả hơn.
Anh Nguyễn Hoài Nam (ở khu phố 3, TT.Bến Lức) là một điển hình tiêu biểu cho thấy hiệu quả thiết thực của mô hình trên. Nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, ngoài thời gian lao động, buổi tối, anh tham gia tổ an ninh tự quản và bảo vệ dân phố cùng với lực lượng Công an tuần tra, đảm bảo ANTT. "Ước mơ hoàn lương" của mỗi người tái hòa nhập cộng đồng sẽ dang dở nếu thiếu sự chung tay của các cấp chính quyền cũng như cộng đồng xã hội nơi họ trở về cư trú. Theo chân anh Nam đi tuần tra trong một ngày mưa, mới thấy hết nỗi vất vả của những người đã không vì những lợi ích cá nhân, đem lại sự bình yên và hạnh phúc cho nhân dân.
Trở về tái hòa nhập cộng đồng, anh Phạm Thành Tích (ở khu dân cư Thuận Đạo, thuộc KP8) luôn được CSKV là Thượng úy Nguyễn Thành Tài quan tâm, động viên và giới thiệu tìm việc làm. Đáp lại tấm lòng đó, anh Tích đã tham gia Đội Dân phòng xung kích, tuần tra, khép kín địa bàn thị trấn, đảm bảo ANTT mỗi khi đêm về.
Công an huyện tham mưu BCĐ huyện Bến Lức tổ chức đối thoại giữa Lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện với người chấp hành xong án phạt tù, người thi hành án hình sự tại cộng đồng, người nghiện ma túy. Qua đó, lãnh đạo huyện nắm bắt được những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện tái hòa nhập cộng đồng, các chính sách về hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm đối với người chấp hành xong hình phạt tù, người thi hành án hình sự tại cộng đồng, công tác cai nghiện ma túy... Qua đó, có biện pháp quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù, người thi hành án hình sự tại cộng đồng, người nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng.
Chung tay vì cộng đồng
Theo Thượng tá Huỳnh Văn Tét, Phó trưởng Công an huyện Bến Lức cho biết: Để nâng cao hiệu quả công tác tái hòa nhập cộng đồng, Công an huyện ký kết với Hội doanh nghiệp huyện Bến Lức hỗ trợ, tiếp nhận, giúp đỡ việc làm cho người chấp hành án hình sự tại cộng đồng, người chấp hành xong án phạt tù, người nghiện ma túy. Việc dang rộng vòng tay của cộng đồng xã hội, nơi những người trở về tái hòa nhập cộng đồng sinh sống, chính là thể hiện tính nhân văn sâu sắc, nâng đỡ những bước chân đã một thời lầm lỡ, giúp họ quay trở về với "ước mơ hoàn lương".
Thượng tá Trương Quốc Đoàn, Phó Thủ trưởng Cơ quan Thi hành án hình sự Công an tỉnh Long An cho biết: Với vai trò là cơ quan tham mưu về công tác tái hòa nhập cộng đồng ở cấp tỉnh, Phòng Thi hành án hình sự Công an tỉnh Long An đã chủ động xây dựng kế hoạch, chú trọng phân công trách nhiệm của Công an các đơn vị địa phương, cập nhật số liệu theo dõi người tái hòa nhập cộng đồng bằng phần mềm và nhiều giải pháp khác, giúp thực hiện hiệu quả công tác tái hòa nhập cộng đồng.
Nhiều năm qua, Cơ quan thi hành án hình sự của Công an tỉnh Long An đã thực hiện tốt công tác tham mưu cho chính quyền các cấp, cùng các tổ chức chính trị - xã hội, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, giáo dục đối tượng đã chấp hành xong án phạt tù trở về tái hòa nhập cộng đồng. Đặc biệt, quan tâm từng nhóm đối tượng đặc thù, nâng cao nhận thức để họ hiểu rõ chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước về tái hòa nhập cộng đồng, thắp sáng lại ước mơ hướng thiện. Qua đó, chung tay giúp đỡ, dần chuyển hóa nhận thức về công tác tái hòa nhập cộng đồng, xóa bỏ những kỳ thị, giúp họ trở thành người có ích cho xã hội.
(CATP) Câu chuyện thú vị này vừa diễn ra tại TP.Thủ Đức (TPHCM), 200 người dân phấn khởi khi được tặng những món quà đầy ý nghĩa. Sáng kiến tổ chức tuyên truyền kết hợp tặng quà Tết của Hội LHPNVN TP.Thủ Đức thành công ngoài mong đợi. Quần chúng nhân dân tham dự được tiếp thu nhiều kiến thức bổ ích, nhận biết hành vi, thủ đoạn gây án của các loại tội phạm thường sử dụng trong thời điểm gần Tết Nguyên đán.