Người rừng K’ Ten
Sinh ra và lớn lên tại thôn Bông Liêng, thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng), năm 17 tuổi ông K’ Ten sớm giác ngộ cách mạng. Năm 20 tuổi K’ Ten lập gia đình và chuyển về thôn Ka Long, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng sinh sống. Thời gian này, ông K’ Ten nằm vùng, hoạt động tại khu vực núi Voi, trực tiếp tham gia nhiều trận chiến đấu tiêu diệt bọn Fulro hoạt động trong vùng rừng núi Voi.
Ông K’ Ten là tổ trưởng lực lượng vũ trang chống Fulro. Thời điểm đó, lượng lượng của ông hoạt động mạnh mẽ, can đảm chiến đấu, một sống một còn với bọn Fulro. Ông K’ Ten trực tiếp tham gia tiêu diệt nhiều căn cứ của bọn này đóng trên địa bàn huyện Đức Trọng và đã lập nhiều thành tích. Năm 1981 trong một lần chiến đấu với 5 tên Fulro tại suối đá Tà Rèn gần khu vực thác Prenn, ông K’ Ten không may bị thương (thương binh loại A, thương tật hạng V-V).
"Người rừng" K’ Ten (trái) bên góc thông đỏ ở núi Voi
Sau khi căn cứ của bọn Fulro bị tiêu diệt hoàn toàn, ông K’ Ten chuyển về trông coi cây thông đỏ tại khu vực núi Voi, thuộc huyện Đức Trọng. Cũng từ đó đã hơn 10 năm nay, ông len lỏi qua những cách rừng, leo dốc, vượt suối... đi tuần tra để trông coi, bảo vệ một quần thể thông đỏ đặc biệt quý hiếm khỏi bị khai thác trái phép, để rồi cái tên “người rừng” K’ Ten đã ra đời.
Theo người rừng, hiện ông đang bảo vệ cho 57 cây thông đỏ (trước đây là 59 cây, sau đó bị đổ ngã 2 cây) nằm trong cách rừng nguyên sinh có tổng diện tích 32ha thuộc các tiểu khu: 268, 277 thuộc xã Hiệp An, huyện Đức Trọng được UBND tỉnh Lâm Đồng giao cho Doanh nghiệp tư nhân Trần Lê Gia Trang quản lý, khai thác phục vụ du lịch sinh thái.
57 cây thông đỏ quý hiếm
Để nắm rõ công việc của “người rừng” và tìm hiểu về quần thể cây thông đỏ quý hiếm tại khu vực núi Voi, chúng tôi mỗi người một chiếc xe máy cùng ông men theo con đường rừng dốc thẳng đứng. Vượt hơn 30 phút, chúng tôi đến được cây thông đỏ đầu tiên đánh số 213. Cây có đường kính gốc khoảng 1,5m, thân cây to lớn, vươn thẳng, cao vút nổi trội giữa cánh rừng già nguyên sinh, bộ rễ chắc khỏe quanh gốc nổi cộm lên mặt đất.
Tại đây, ông K’ Ten ra hiệu cho xe tấp vào vách núi và cho biết, xe máy không đủ sức để leo dốc vào rừng sâu tới vị trí những cây thông đỏ cổ thụ hàng nghìn năm tuổi, có đừng kính gấp 5 đến 6 lần cây 213. Giữa ánh nắng gay gắt, phản xuống cách rừng núi Voi, chúng tôi tiếp tục hành trình. Ông K’ Ten ở tuổi lục tuần, thân hình nhỏ thó, mồ hôi làm ướt quần áo để lộ ra cơ bắp chắc nịch thoăn thoắt băng núi.
“Người rừng” cười to cho biết: “một tuần ít nhất 4 đến 5 ngày tôi vượt hàng chục km đường rừng để tuần tra, tôi không thấy mệt mỏi mà đổi lại sức khỏe càng tốt, vì thế mọi người mới gọi tôi là người rừng chứ!”.
Hơn 10 năm gắn bó với cách rừng núi Voi, người rừng K’ Ten nắm rõ từng vị trí có cây thông đỏ như trên lòng bàn tay. Sau gần 1 giờ đồng hồ leo rừng, chúng tôi ai cũng thở dài vì mệt.
"Người rừng" K’ Ten chỉ vị trí cây thông đỏ trên bản đồ - Ảnh: Kim Đồng
Lát sau, chúng tôi đứng trước một cây thông đỏ có đường kính thân đến 3 đến 4 người ôm không xuể, có độ cao trên 30 mét. Nhìn cây, chúng tôi như không tin vào mắt mình, mải mê ngắm cây mà quên đi mệt nhọc từ lúc nào. Đây là cây thông rất lớn, ngự trị, nổi bật nhất khu rừng già mà chúng tôi được gặp.
Đang định thần lại, chúng tôi giật mình khi người rừng thốt lên: “ Chưa ăn thua gì đâu, đây không phải là cây lớn nhất, các anh cứ theo tôi, ở đây còn có hàng chục cây thông đỏ to gấp đôi cây này đó là cây thông đỏ ở độ cao gần 1.900m và cây đánh số 100 nằm ở độ cao gần 2.000m. Tuy nhiên, đường rừng khó đi, sợ các anh đi nổi thôi!”.
Chúng tôi cùng người rừng tiếp tục băng rừng, trên đường đi không ít lần bắt gặp những gốc thông , bìa gỗ vẫn còn nằm ngổn ngang trên mặt đất. Đây là số cây thông đỏ cổ thụ đã bị lâm tặc chặt hạ, cưa xẻ cách đây hơn 15 năm. .
Người rừng tự hào cho biết: “trước đây, khi tôi chưa làm bảo vệ rừng núi Voi, những gốc thông đỏ cổ thụ bị lâm tặc chặt hạ, có cây to 5 đến 6 người ôm đã bị chúng nó chặt lấy gỗ nhưng kể từ ngày tôi nhận bảo vệ rừng núi Voi, lâm tặc không còn khai thác nữa”.
"Người rừng" K’ Ten (phải) cùng tác giả bên cây thông đỏ gần 2500 tuổi
Khoảng 11 giờ trưa, chúng tôi mới đặt chân tới gốc cây thông được gắn số 143 ở độ cao gần 1.900m so với mặt nước biển. Theo ông K’ Ten, đây là cây thông đỏ được cho là to lớn, cao và có độ tuổi 2.500 tuổi, lớn bậc nhất khu vực núi Voi. Để xác định tuổi của cây thông đỏ này người rừng cho biết cách đây ít năm, ông dẫn đoàn nhà khoa học nước ngoài và Việt Nam tới khảo sát, đánh giá thông đỏ trong khu vực, đoàn đã dùng các thiết bị đo độ tuổi, xác định cây thông đỏ này đường kính gốc gần 3m, cao hơn 30m, rễ to lớn nổi lên mặt đất, vươn ra xa trong vòng 1.000m².
Người rừng cho biết thêm, ngoài 57 cây thông đỏ ông đang bảo vệ được đánh số và gắn chíp theo dõi, hiện tại khu vực rừng núi Voi có khoảng 400 cây thông đỏ to nhỏ khác.
Gian nan giữ cây thông đỏ
Trước năm 2005, lâm tặc thường xuyên tàn phá, khai thác rừng thông đỏ cổ thụ ở núi Voi để lấy gỗ, rất nhiều cây thông đỏ có đường kính gốc lên tới 2 đến 3 mét, tuổi hàng nghìn năm tuổi đã phải ngã xuống, thân ứa ra rừng giọt tinh dầu, bị chặt hạ không thương tiếc. Rất may, chính quyền địa phương đã sớm phát hiện, các cơ quan chức năng đã vào cuộc, ngăn chặn.
Để giữ được cây thông đỏ, ông K’ Ten được chủ rừng mời về trông coi với lương 2 triệu đồng/tháng. Theo người rừng, để bảo vệ cây thông đỏ không đơn giản, chỉ có những người cứng đầu và “không sợ cái chết” như ông mới đủ dũng khí để đối đầu với lâm tặc.
Đối với người rừng, mỗi tuần gần trọn vẹn 7 ngày ông dành thời gian để leo rừng đi tuần tra, giám sát cây thông đỏ, dù mệt nhọc nhưng ông không hề than vãn, ông chỉ phiền hà vì rất nhiều lần, người rừng bị kẻ xấu khủng bố, đe dọa đến mất ăn mất ngủ.
Người rừng nhớ lại: “có lần tôi chở vợ đi khám bệnh thì bị chúng chặn đường gây sự, đe dọa đánh tôi bị thương… và nói không được coi rừng thông tại núi Voi. Về nhà vợ con sợ nên bảo tôi bỏ việc nhưng tôi vẫn không sợ. Và mới đây nhất, nhà tôi có đào một cái ao nhỏ và nuôi nhiều cá lắm nhưng chúng bỏ thuốc sâu xuống khiến cá chết hết...”.
Mặc dù bị đe dọa, khủng bố... nhưng người rừng vẫn quyết tâm giữ rừng thông. Để bây giờ từ ngày được giao nhiệm vụ bảo vệ quần thể thông đỏ tại khu vực rừng núi Voi chưa một cây thông quý nào bị lâm tặc khai thác. Người rừng thật thà: “cây thông đỏ là một người bạn thân thiết, tri kỷ, nó che chở cho tôi, cho cách mạng”.
Một cây thông đỏ khác trong rừng núi Voi - Ảnh: Kim Đồng
Ngày 1-8.1986 ông K’Ten nhận được bằng khen Trinh sát vũ trang Công an huyện Đức Trọng có thành tích suất sắc trong trận chiến đấu tiêu diệt căn cứ bọn Fulro trên địa bàn huyện Đức Trọng và đặt được nhiều thành tích khác trong quá trình tham gia chiến đấu góp phần làm nên hòa bình đất nước.
Hiện nay, ông K’Ten là thương binh (thương binh loại A, thương tật hạng V-V), tuy nhiên theo ông vẫn chưa được nhận ưu ái để hưởng các chế độ theo chính sách.
"Người rừng" K’ Ten bên gốc một cây thông đỏ - Ảnh: Kim Đồng
Theo số tài liệu Phân viện sinh học Tây Nguyên, cây thông đỏ núi Voi có tên khoa học là Taxus wallichiana Zucc, thuộc họ thanh tùng (Taxaceae), là loài thực vật rất quý hiếm, có giá trị lớn về đa dạng sinh học và đặc biệt lá và vỏ của thông đỏ chứa hoạt chất taxol với hàm lượng rất cao, đây là dược chất quí và hữu hiệu nhất cho đến hiện nay thế giới dùng để bào chế thuốc chữa trị các loại ung thư. Cây thông đỏ được y học dân gian dùng để trị hen, suyễn, viêm phế quản, nấc, tiêu hóa; trị bệnh thực tích, giun đũa hay trị bệnh đau đầu. |