(CATP) Thường người ngành ngoài (không được đào tạo trong hệ thống các trường trực thuộc ngành công an) được tuyển vào ngành từ khá sớm. Riêng thượng tá Lê Thị Mỹ Phượng - Phó giám đốc Bệnh viện Công an TPHCM thì vào ngành khi con trai lớn của chị đã bước chân vào đại học. Cơ duyên để chị khoác thêm bộ quân phục màu xanh trong chiếc áo blouse trắng kể ra cũng khá bất ngờ.
Năm 2009, khi cậu con trai cả của chị nhận giấy báo trúng tuyển trường Đại học Y dược TPHCM. Lúc đó, chị Phượng đã công tác tại bệnh viện Đa khoa Trung tâm tỉnh Tiền Giang được 17 - 18 năm và rất có uy tín với đồng nghiệp, với bệnh nhân; nhưng để con một mình lên thành phố, chị không mấy yên tâm. Đang hết sức phân vân thì chị Phượng biết bệnh viện Công an TPHCM cần tuyển bác sĩ và chị đáp ứng được các tiêu chí tuyển dụng. Không chút ngần ngại, chị nộp đơn ứng tuyển và được duyệt ngay lập tức.
Với tấm bằng sau đại học, chị Phượng không phải trải qua thời gian tạm tuyển mà được phong luôn quân hàm đại úy. Đi học 6 tháng nghiệp vụ theo quy định, quay trở về bệnh viện, chị Phượng được bổ nhiệm làm Phó khoa Khám bệnh và Hồi sức cấp cứu. Được đào tạo chuyên khoa tim mạch lão khoa nên chị còn đảm nhiệm thêm việc chăm sóc các mẹ VNAH thuộc gia đình chính sách của lực lượng.
Yêu nghề, vững vàng trong chuyên môn và tận tình với người bệnh, chỉ một thời gian ngắn chị ở phòng khám, lượng bệnh nhân đến khám ở Bệnh viện công an TP đã tăng từ vài chục lên đến hàng trăm bệnh. Công việc của chị bắt đầu từ sáng tới tận chiều muộn. Chồng ở xa, con gái út còn bé, một mình chị xoay như chong chóng, những hôm trực đêm, chị phải mang theo cả con gái nhỏ vào bệnh viện.
Bác sĩ Lê Thị Mỹ Phượng trong một buổi họp chuyên môn
Khó khăn vất vả không làm người phụ kiên cường ấy nản lòng, chị tập trung gần như tuyệt đối cho chuyên môn. Được bổ nhiệm trưởng khoa rồi Phó giám đốc phụ trách chuyên môn của bệnh viện, công việc ngày càng nhiều khi chị kiêm luôn việc chăm sóc sức khỏe cho Ban Giám đốc Công an TPHCM và xét tiêu chuẩn Chiến sĩ khỏe hàng năm cho toàn lực lượng. Bận rộn như thế nhưng không bằng lòng với trình độ chuyên môn hiện tại, chị Phượng xin đi học thêm 2 năm bác sĩ chuyên khoa 2 để nâng cao trình độ.
Năm 2018, một số phòng của Công an TPHCM sáp nhập, chị được bổ nhiệm thêm chức vụ Phó trưởng Phòng Hậu cần Công an TP. Trách nhiệm nặng nề hơn, chị đi về như còn thoi giữa 3 nơi mình phụ trách. Với tính cách không làm thì thôi, đã làm là phải quyết liệt, phải hoàn thành thật tốt, chị lên kế hoạch đại tu khu nghỉ dưỡng của Công an TPHCM tại TP.Vũng Tàu. Đôi lúc sáng lên xe từ TPHCM xuống Vũng Tàu để giám sát công việc, chiều tối chị đã phải có mặt ở TP để hôm sau xuống bệnh viện trực tiếp khám chữa bệnh tại phòng khám hoặc sinh hoạt chuyên môn cho cán bộ công nhân viên.
Người phụ nữ nhỏ nhắn mang trên người hai màu áo chỉ dành được rất ít thời gian cho gia đình và bản thân, nhưng chị chưa bao giờ kêu ca hay phàn nàn về công việc. Trực tiếp chăm sóc sức khỏe cho các bà mẹ VNAH cụm An ninh T4, khi chưa kiêm nhiệm nhiều công việc, tháng nào chị cũng đến khám bệnh và mua quà riêng biếu các mẹ. Từ khi nhiều việc, chị phân công cho các bác sĩ trong bệnh viện phụ thêm, nhưng cứ thu xếp được chút thời gian là chị đến thăm mẹ ngay bởi như chị chia sẻ thì "Lâu lâu không thấy chị xuống là mẹ nhắc liền".
Dịch Covid-19 bùng phát, quân số Công an TPHCM đông, chị Phượng rất lo lắng. Khẩu trang không đủ cho CBCS sử dụng, chị chạy tới lui xin khẩu trang, cồn sát khuẩn từ các đơn vị Mạnh Thường Quân để cấp phát, đảm bảo cho CBCS yên tâm công tác. Cán bộ chiến sĩ có quân hàm lương còn đỡ, nhân viên hợp đồng lương thấp, gặp dịch Covid không thể làm thêm. Vậy là chị lại xất bất xang bang xin dầu ăn, gạo để hỗ trợ dù đó không phải là việc bắt buộc chị phải làm. Suốt mấy đợt dịch, rất may là toàn lực lượng không có trường hợp nào nhiễm, chị mới bớt phần nào lo lắng, căng thẳng.
Bác sĩ Phượng đang thăm khám cho Mẹ Việt Nam Anh hùng
Gặp chị Phượng không phải trong màu áo blouse trắng mà trong màu xanh áo lính, chúng tôi ngồi trò chuyện trong căn phòng làm việc nhỏ của chị ở tầng 12 trụ sở Công an TPHCM. Chị đùa: "Mình chị mà có tới 3 phòng làm việc ở 3 nơi lận". Chị nói vậy chớ tôi biết chị mong lắm được về lại nơi cũ ở bệnh viện Công an TP để chuyên tâm làm công tác chuyên môn bởi với chị chắc không gì hơn là được trực tiếp làm nghề, được toàn tâm toàn ý với công việc mình yêu thích.
Với vai trò là Phó giám đốc phụ trách chuyên môn của Bệnh viện Công an TPHCM, cứ 2 năm 1 lần, bác sĩ Lê Thị Mỹ Phượng lại đưa quân đi thi Hội thi điều dưỡng viên CAND giỏi và năm nào chị cùng các đồng nghiệp, đồng đội của mình cũng ẵm giải về cho đơn vị. Cuộc thi Điều dưỡng viên CAND giỏi 2020 được tổ chức vào những ngày đầu năm 2021, có tới 165 thí sinh thuộc 55 bệnh viện, bệnh xá của Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Học viện, Trường CAND, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động tham dự nhưng Đội tuyển Công an Thành phố Hồ Chí Minh do chị làm trưởng đoàn vẫn xuất sắc đạt Giải Nhì toàn đoàn; 03 điều dưỡng viên Bệnh viện CATP được Bộ Công an trao Giấy chứng nhận điều dưỡng viên CAND giỏi năm 2020.