Nén lại những tình cảm riêng tư, xông pha nơi tuyến đầu diệt "giặc COVID-19”

Thứ Bảy, 03/07/2021 11:11

|

(CATP) Giữa làn sóng dịch bệnh, trong khi nhiều người tìm chốn yên bình để tránh thì nơi tuyến đầu, đội ngũ y tế (YT), các chiến sĩ công an (CA), dân quân tự vệ, các đoàn viên thanh niên... phải ngày đêm ngày đương đầu, chung tay chống dịch.

Gác lại hạnh phúc gia đình

Mới đây, hình ảnh anh L.M - chiến sĩ Công an TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương - ôm hôn con gái vừa tròn 1 tuổi qua tấm kính chắn đã gây xúc động mạnh cho những người chứng kiến. Trong đợt dịch này, anh luôn ở tuyến đầu, xung phong tham gia công tác phòng chống, nằm trong tổ truy vết và đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) tại địa bàn tỉnh.

Chia sẻ về hành động đầy cảm xúc giữa mình và con gái, anh M. nhớ lại: "Từ ngày nhận nhiệm vụ, tôi chưa về nhà thăm vợ và con gái. Hôm đó là ngày thôi nôi của bé, tôi tranh thủ xong việc chạy về, nhưng chỉ dám ôm con qua tấm kính, chưa đầy 5 phút là tôi phải đi liền".

Nhìn những hành động, cử chỉ đáng yêu của con gái, anh M. không cầm được nước mắt. Trước đây ở nhà, anh là người gần gũi, hướng dẫn cho con từng cử chỉ, lúc anh về chỉ cần ra tín hiệu là bé sẽ làm theo ngay.

Những lúc nhớ con và gia đình, tranh thủ lúc nghỉ ngơi, anh sẽ gọi video về, nhìn cả nhà qua màn hình điện thoại. "Thương Tổ quốc, con ở nhà hãy đợi, hết dịch rồi ba sẽ về lại thôi" là câu thơ của người bố nơi tuyến đầu chống dịch gửi cho con gái.

Chị Trần Thị Hoa - vợ anh M. - chia sẻ: "Thấu hiểu được công việc cũng như trách nhiệm của chồng nơi tuyến đầu, chị ở nhà cố gắng chăm sóc con thật tốt để anh an tâm cùng đồng đội hoàn thành nhiệm vụ.

Anh L.M đón sinh nhật cùng con gái qua tấm kính chắn

Những câu nói "Con đi trực", "Mẹ ơi, giữ cháu giúp con, chắc vài hôm con mới về được", "Tối nay ba không về"... của anh Trần Văn Thọ (34 tuổi) - Trưởng Trung tâm YT phường 4, Q.Tân Bình - đã trở nên quen thuộc với gia đình.

Đợt bùng phát Covid-19 trong cộng đồng lớn nhất từ trước đến nay, hơn tháng qua, cán bộ, công chức, viên chức, các nhân viên YT cùng lực lượng tham gia PC dịch của Trung tâm YT phường 4 không một ngày được nghỉ ngơi khi các ca nhiễm, nghi nhiễm trong cộng đồng ngày càng tăng.

"Tôi và vợ đều làm trong ngành Y, dịch quay trở lại, hai vợ chồng phải gửi con cho ông bà nội ngoại chăm sóc, để an tâm thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Đã lựa chọn theo ngành y, tôi không thể bỏ ngang công việc, phải cố gắng hết sức để nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh", anh tâm sự.

Dịch bệnh xảy ra, không phân biệt già trẻ, mọi người cùng chung tay đẩy lùi. Ông Nguyễn Nghiêm Quang (58 tuổi), Trưởng ban bảo vệ dân phố KP3, P4Q.Tân Bình, dù tuổi đã cao nhưng vẫn xung phong vào mặt trận PC dịch, với công việc thường ngày là phối hợp cùng cơ quan phường trực ở các chốt phong tỏa, tuần tra bảo vệ ANTT.

Nhiều hôm về nhà, thấy sức khỏe ông không tốt, các con khuyên nên ở nhà, nhưng ông bảo: "Bố còn sức, bố sẽ làm, bố làm nhiệm vụ không chỉ riêng cho bố, bố làm cho mọi người".

Xuất phát điểm là Bí thư đoàn CSGT, Phó trưởng ban Thanh niên thành phố, sau khi xin xuất ngũ về công tác tại địa phương, ông không thể ngồi yên khi nhìn những người như mình đang lăn xả vì nhiệm vụ.

"Anh Nguyễn Trung Thành - Chủ tịch UBND phường - có con nhỏ mới 2 tháng tuổi mà cũng xông pha vào các vị trí như vậy, tôi rất khâm phục! Vì thế, tuy mang trong người bệnh huyết áp cao, nhưng nó vẫn không làm mất đi ngọn lửa nhiệt huyết của tôi...".

Ông Quang tại chốt phong tỏa ở KP3, P4Q.Tân Bình

Xông pha nơi tuyến đầu chống dịch

Đợt dịch thứ 4 diễn biến phức tạp, số ca nhiễm hàng ngày tăng kỷ lục ở nhiều tỉnh thành. Trong lúc này, các nhân viên YT, lực lượng PC dịch vẫn miệt mài xuyên đêm, ăn không đúng bữa, ngủ tính từng giây để nỗ lực chiến đấu với "giặc dịch".

Giữa cái nắng oi bức của Sài Gòn, tận mắt chứng kiến các nhân viên YT đứng lấy mẫu, người ướt đẫm mồ hôi trong bộ đồ bảo hộ, chúng tôi mới thấu cảm được những cố gắng và hy sinh của các nhân viên YT trong cuộc chiến chống dịch.

Ông Nguyễn Như Hùng - Phó chủ tịch P4Q.Tân Bình - cho biết: "Phường 4 là địa phương có yếu tố dịch bệnh phức tạp nhất của Q.Tân Bình. Tính đến hiện tại, phường có 2 ca dương tính nhưng số trường hợp liên quan rất lớn, với 6 nhân viên YT vừa lấy mẫu, nhập số liệu và báo cáo kết quả xét nghiệm cho người dân thực sự là quá tải, có ngày mọi người làm đến 1 - 2 giờ sáng mới nghỉ”.

Khối lượng công việc quá tải, mọi người ai cũng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất và luôn trong tâm thế sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi thành phố ghi nhận ca nhiễm mới.

Sáng tinh mơ, quá trưa, hay thậm chí nửa đêm bật dậy truy vết, lấy mẫu xét nghiệm đã trở nên quen thuộc với nhân viên YT và các chiến sĩ CA. Trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4 này, diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho tổ truy vết và lực lượng phong tỏa, nhưng tất cả đều nỗ lực hơn 100% công sức của mình.

Do đặc thù công việc nên mọi người phải ở lại cơ quan, đôi khi nhớ nhà, chỉ biết động viên nhau sớm hoàn thành nhiệm vụ, đẩy lùi dịch bệnh để có thời gian bên cạnh gia đình nhiều hơn. Họ như những tấm chắn thép, đội nắng dầm mưa tại các chốt, đảm bảo an toàn cho cộng đồng.

Dịch bệnh xảy ra là điều chẳng ai mong muốn, những người nơi tuyến đầu đang cố gắng từng giây, từng phút sớm đẩy lùi dịch bệnh. Họ - những người chiến sĩ đã gói ghém tâm tư tình cảm, tạm gác lại cuộc sống thường nhật, xa gia đình, người thân để cùng nhau hoàn thành sứ mệnh của mình. Gia đình chính là động lực lớn nhất để họ thêm sức mạnh vượt qua những vất vả, khó khăn...

Bình luận (0)

Lên đầu trang