Nữ già làng dẫn dắt người dân bước qua hủ tục man rợ

Thứ Sáu, 25/06/2021 11:10  | Chí Dũng

|

(CATP) Từ lúc già làng cũ về với Yàng (Thần linh), dân làng Krông (xã biên giới Ia Mơ, huyện Chư Prông, Gia Lai) đã phá vỡ tục lệ tồn tại lâu đời, bầu một nữ cựu chiến binh lên làm thủ lĩnh - đó là bà Ksor HLâm.

Nữ già làng đặc biệt

Từ đầu ngõ, bà Ksor HLâm ra chào khách trong trang phục truyền thống của người Jrai với đầy những huân, huy chương. Mặc dù năm nay đã trải qua 75 mùa rẫy, bà HLâm vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Thấy khách đến, bà HLâm nở nụ cười đôn hậu, mời khách vào nhà.

Rót nước mời khách, bà kể cho chúng tôi nghe về kí ức xưa cũ của mình: Chưa đầy 16 tuổi, bà HLâm đã viết đơn tình nguyện được đi theo cách mạng. Do thông thạo địa hình và nhanh nhẹn, HLâm được giao làm liên lạc. Đến tuổi thanh niên, HLâm chuyển sang hậu cần, vận chuyển thuốc men, thực phẩm cho bộ đội. Sau một thời gian dài hoạt động, Hlâm được cử ra miền Bắc học văn hóa rồi trở lại chiến trường.

Năm 1998, già làng Krông về với Yàng. Khuyết vị trí quan trọng nhất trong làng, người dân họp lại tìm vị "thủ lĩnh" mới. Trong mỗi cuộc họp, một số người được giới thiệu làm già làng, tuy nhiên, dân làng vẫn chưa vừa tai, vừa mắt. Nhiều người trong làng "ưng cái bụng" bà HLâm nhưng không dám nói. Vì xưa nay, già làng đã mặc định là nam làm. Họ chỉ dám nói nhỏ cho nhau nghe: "Bụng HLâm tốt, hay giúp đỡ dân làng, chỉ nó mới xứng làm già làng". Người này kể người kia, thì ra cả làng đều "ưng cái bụng" HLâm nhưng không ai giám làm trái lệ làng.

Tục lệ là vậy nhưng sau nhiều lần nghị sự, 100% dân làng đồng tình để bà HLâm làm già làng. Dân đã thuận, các chức sắc trong làng làm lễ xin ý kiến Yàng. Một sự phá lệ có một không hai ở các cộng đồng người dân tộc thiểu số trên mảnh đất đại ngàn Tây nguyên. "Già làng phải là người đàn ông có kinh nghiệm, quyền uy, kiến thức uyên thâm để điều hành việc làng và bảo vệ được người dân. Khi nghe mọi người bàn chuyện bầu làm già làng, mình đâu dám nhận. Làm già làng đâu ai muốn là làm được, đặc biệt là đối với nữ. Nhiều lần những người lớn tuổi đến thuyết phục, ý Yàng đã quyết nên mình phải nhận", bà HLâm nhớ lại.

Già HLâm cùng bộ đội đến từng nhà vận động người dân bảo vệ biên giới

Tuyên chiến với hủ tục

Mảnh đất biên giới lâu nay chỉ nắng và gió, người dân chỉ quanh quẩn với cây sắn, cây ngô bằng phương pháp chọc tỉa, cái bụng chưa được no. Từ khi trở về lại với làng, bà HLâm đã dành dụm những đồng tiền lương của mình giúp bà con. Nay với cương vị già làng, bà HLâm lại phải tìm sinh kế lâu dài cho người dân. Muốn dân làng tin và làm theo, bà HLâm phải xây dựng mô hình cho cá nhân mình trước. Nhiều đêm thức trắng, bà HLâm băn khoăn nuôi con gì, trồng cây gì cho phù hợp. Bà HLâm quyết tâm tìm hướng đột phá từ chăn nuôi bò. "Chỉ có con bò mới chịu được vùng nắng cháy, khô hạn này", bà HLâm chia sẻ.

Vốn ít, bà HLâm ban đầu nuôi bò lấy sức kéo và bò sinh sản. Những gia đình nào cần, bà cho mượn bò tăng gia sản xuất, lấy sức kéo. Ngoài ra, bà cho các hộ trong và ngoài làng mượn bò về nuôi. Đến khi đẻ, bà sẽ lấy lại bò mẹ để người khác mượn, còn bò con thì cho gia đình đó nuôi lấy vốn. Không chỉ vậy, bà còn chỉ dạy cho bà con biết cách trồng cây gì để phù hợp với mảnh đất nhà mình đang sản xuất. Nhiều gia đình thiếu vốn làm ăn, tiền đi viện... bà đều cho mượn. Những gia đình khó khăn quá, bà HLâm không lấy nợ.

Ngoài phát triển kinh tế, bà HLâm quyết xóa bỏ các tục lệ lạc hậu tồn tại lâu đời nay. Mở màn "chiến dịch" là "trận đánh" vào hủ tục phụ nữ "sinh đôi, phải giết một". Chuyện là cách đây hơn chục năm, vừa trên rẫy về, có tiếng gọi thất thanh của đứa em nhà bên: "Già HLâm mau ra xem. Nhà HLuynh sinh đôi, làng đòi chôn sống 1 đứa. Chạy nhanh lên, già ra còn kịp". Vứt ngay cán cuốc xuống sân, bà HLâm chạy một mạch đến nhà HLuynh.

Theo quan niệm, những người mẹ sinh đôi, thì phải trả 1 đứa con về cho Yàng (nuôi 1, giết 1). Từ xa xưa, người trong làng cho rằng sinh đôi là điềm xấu, sẽ bị Yàng trách phạt. Tục lệ lâu nay thế rồi, nhiều đứa trẻ lọt lòng mẹ đã bị cướp đi quyền được sống. Giữa lúc cả làng đã tập hợp đông đủ để làm lễ cúng, trả lại đứa con cho Yàng, bà HLâm xông vào bế 2 đứa bé và tuyên bố: "Tôi sẽ nuôi cả 2 đứa. Tội vạ đâu, tôi xin chịu với làng, với Yàng".

Dân làng thuyết phục bà HLâm phải tuân theo tục lệ xưa, không sẽ bị Yàng trách phạt, nhưng già làng "gân" vẫn giữ khư khư 2 đứa bé. Một lúc sau, khi các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng và chính quyền địa phương xuống vận động, thuyết phục mãi, mọi người mới chịu. Tuy nhiên, làng vẫn ra điều kiện: "Yàng mà trách phạt, già HLâm phải chịu tội thay làng. Giờ muốn bế đứa bé về, phạt già phải mổ bò, lợn cúng". Sau này, 2 đứa bé lớn lên khỏe mạnh, dân làng không xảy ra chuyện gì nên cha mẹ chúng đưa về nuôi. Hai đứa được đặt tên là Rơ Châm Phót và Phét (năm nay 17 tuổi). Thỉnh thoảng, 2 đứa vẫn đến trò chuyện với người mẹ thứ 2 của chúng là bà HLâm. Cũng từ đó, hủ tục "sinh đôi giết một" bị xóa.

Tiếp đến, bà HLâm xóa ngay hủ tục chôn chung (người chết trước chôn cùng người chết sau vào một quan tài đến khi đầy). Xóa được hủ tục ghê rợn này, nơi đây ít ô nhiễm hơn, người dân cũng ít bị mắc các bệnh truyền nhiễm.

Xã Ia Mơ có 31,5km đường biên, giáp với Campuchia. Bà Ksor HLâm thường phối hợp với các Đồn Biên phòng tại đây vận động người dân không nghe lời kẻ xấu vượt biên trái phép, làm những việc trái pháp luật. Hễ người làng thấy điều gì khả nghi là đến tìm bà kể ngay. Cũng nhờ vậy mà bọn Fulro không còn đất sống ở đây.

Bình luận (0)

Lên đầu trang