(CAO) Với bản án 12 năm tù giam về tội giết người, cuộc đời của người đàn ông nguyên là bị can, bị cáo ấy tưởng như đen tối, nhưng với nghị lực của bản thân và sự giúp đỡ của các cấp chính quyền địa phương, Tạ Văn Hoàn (SN 1970), trú xã Hòa Bắc, huyện Di Linh (Lâm Đồng) đã quyết tâm làm lại cuộc đời.
Không chỉ giúp mình, anh còn giúp những người cùng cảnh ngộ, cùng làm ăn phát triển kinh tế và trở thành tấm gương sáng trong phong trào tái hòa nhập cộng đồng ở xã Hòa Bắc. Sinh ra ở mảnh đất Tuyên Quang, từ nhỏ Tạ Văn Hoàn đã phải bươn chải để phụ giúp gia đình. Cuộc sống cứ bình lặng, nếu không có biến cố.
Công an xã, cán bộ địa phương đến tham quan hồ nuôi cá của gia đình anh Hoàn
Một lần theo đám bạn, Hoàn đã vướng vòng lao lý và nhận bản án 12 năm tù giam. Ban đầu vào trại, Hoàn cũng bất cần đời, không chấp hành nội quy. Nhưng được sự giáo dục, cảm hóa của cán bộ quản giáo và rồi Hoàn đã nhận thức được lầm lỡ và quyết tâm cải tạo tốt. Chỉ sau 6 năm chấp hành án phạt tù, xét thành tích cải tạo tốt, Hoàn được đặc xá tha tù trước thời hạn.
Trở về với 2 bàn tay trắng, Hoàn tự nhủ phải làm lại cuộc đời, để mọi người không xa lánh, khinh rẻ mình. Anh tâm sự: “Vào trại, tôi được cán bộ trong trại quan tâm và bản thân được đặc xá trở về địa phương sớm với xã hội, bắt đầu cuộc sống mới. Trước khi trở về, tôi cũng bị mặc cảm nhưng được chính quyền địa phương rất quan tâm giúp đỡ, đến tận nhà động viên, khích lệ, tôi thấy yên tâm, chuyển biến tư tưởng. Tôi trở lại làm ăn bình thường”.
Người thân, gia đình và bạn bè, đặc biệt là các cấp chính quyền của xã Hòa Bắc luôn gần gũi, động viên để Hoàn xóa đi mặc cảm, tự ti. Bằng những việc làm cụ thể, anh vay ngân hàng 100 triệu đồng đầu tư mua lưới thả cá tại hồ Hàm Thuận Đa Mi. Năm đầu bị thất bại vì chưa có kinh nghiệm, không nản lòng anh tiếp tục tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ bạn bè nên năm thứ hai anh đã thu được trên 2,5 tấn cá bán được trên 100 triệu đồng.
Song song với việc nuôi cá, vợ chồng anh còn hợp đồng với Ban quản lý rừng Hòa Bắc – Hòa Nam nhận quản lý và bảo vệ 60 ha rừng với hình thức vừa trồng rừng vừa trồng cà phê và tận dụng mặt nước nuôi cá. Đến nay thu nhập hàng năm từ cà phê và bảo vệ rừng, thu nhập bình quân 150 triệu đồng/năm. Nhờ bàn tay khéo léo, anh có thêm nghề đi đắp hòn non bộ và uốn cây cảnh cho các chùa và các công sở, tư nhân, ai có nhu cầu đặt anh làm.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Hoàn còn tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội của địa phương như nhận đỡ đầu giúp 2 cháu nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, tạo công ăn việc làm cho 20 lao động, trong đó có 8 lao động cùng làm và ăn ở với gia đình, đa số những lao động này đều là những người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương.
Anh Hoàn đang chăm sóc vườn cà phê của gia đình
Hoàn tâm sự với chúng tôi, có được kết quả như ngày hôm nay, là nhờ chính quyền địa phương, các ban ngành đoàn thể của xã, đặc biệt là gia đình và người thân đã giúp đỡ rất nhiều, từ đó anh đã từ bỏ được mặc cảm, vươn lên làm giàu chính đáng. Ông Trần Ngọc Phát - Chủ Tịch UBND xã Hòa Bắc, huyện Di Linh cho biết: "Xã đã tạo mọi điều kiện để cho anh Hoàn được thực hiện vay vốn tại ngân hàng chính sách xã hội, rồi vay vốn từ ngân hàng nông nghiệp phát triển nông thôn để đầu tư vào sản xuất. Với tính cần cù chịu khó, anh Hoàn đã vươn lên, trở thành người làm kinh tế giỏi. Việc tái hòa nhập cộng đồng của anh thật sự xứng đáng để được nêu gương và để các cá nhân học tập noi theo".