Nghệ An:

Xưởng đóng tàu tạo việc làm cho nhiều lao động nghèo

Thứ Hai, 25/09/2017 15:49  | Nguyên Thi

|

(CAO) Với suy nghĩ “thất bại là mẹ của thành công”, hai ngư dân đã thành lập ra xưởng sửa chữa và đóng mới tàu.

Hai ngư dân đó là Nguyễn Văn Xang (SN 1971) ở xã Quỳnh Thọ và anh Đặng Đức Tiến (SN 1968) xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đã thành lập ra xưởng sửa chữa và đóng mới tàu thuyền Tiến Xang, tạo việc làm cho hàng chục lao động nghèo ở địa phương.

Làng nổi tiếng với nghề đóng tàu

Về xã Quỳnh Thọ, huyện Quỳnh Lưu nhắc tới xưởng sửa chữa và đóng mới tàu thuyền Tiến Xang, người dân vùng biển nơi đây không ai là không biết đến tên tuổi của anh Tiến và anh Xang. Một phần bởi vì đó là một xưởng đóng tàu lớn và có “tiếng” ở địa phương, phần khác là vì hai anh là những người dám nghĩ dám làm trong thời buổi thị trường đóng tàu cá đi biển gần như đóng băng.

Một con tàu 67 đang trong quá trình hoàn thiện ở xưởng

Nằm bên mép sông, xưởng đóng tàu Tiến Xang là bãi đất rộng lớn. Tuy là xưởng sửa chữa, đóng mới tàu thuyền có quy mô thuộc loại lớn nhất nhì trong xã, tuy nhiên phía ngoài xưởng không có biển hiệu, không lối chỉ dẫn. Phần lớn các khách hàng tìm tới xưởng để đóng mới hay sửa chữa tàu thuyền đều nhờ việc đảm bảo uy tín và chất lượng gây dựng nên.

Đưa mắt nhìn xung quanh xưởng là ngổn ngang những khối gỗ to nhỏ đủ kích cỡ, đây là vật liệu chính để đóng nên những con tàu. Hàng chục công nhân đang miệt mài làm việc bất chấp cái nắng oi bức của những ngày đầu tháng 9. Cứ vậy, người cưa gỗ, người khoan, người đục, người đo đạc,… không khí nơi đây khẩn trương nhộn nhịp như một đại công trường.

Ở phía mép sông, một con tàu to lớn lực lưỡng mà theo lời các công nhân đó là một “tàu 67” vỏ gỗ xưởng của hai anh đang đóng mới cho khách hàng, xung quang là những chiếc tàu gỗ loại nhỏ và vừa của ngư dân đang chờ được sửa chữa để có thể tiếp tục ra khơi.

Anh Tiến (bên trái) và anh Xang bên con tàu xưởng của mình đang đóng

Hướng mắt theo dõi các công nhân làm việc, chia sẻ với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Xang cho biết: “Bây giờ công việc đã dần đi vào ổn định nên chú nhìn mới được vậy, chứ lúc mới bắt tay xây dựng nên cơ sở này hai anh em chúng tôi (anh Xang và anh Tiến - PV), gặp nhiều khó khăn lắm, có những lúc tưởng như phải bỏ giữa chừng”.

Anh Xang sinh ra trong một gia đình có 5 anh em có truyền thống đóng tàu ở nơi đây. Trong số 5 anh em thì có 3 anh em là vẫn theo nghề đóng tàu. Trước kia, cha anh là một trong những người đóng tàu có “thương hiệu” trong nghề đóng tàu biển nơi đây. Vốn con nhà “nòi” nên anh Xang cũng nhanh chóng tiếp thu được những kiến thức, kinh nghiệm, cũng như học hỏi được các công đoạn trong việc đóng tàu của cha mình.

Xưởng sửa chữa đóng tàu của gia đình anh Xang trước nằm kia ở xóm Thọ Thành, là xóm được Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An công nhận làng nghề đóng tàu năm 2009. Tuy nhiên do nơi cũ đất chật, những chiếc tàu được đóng mới mỗi khi đi ra biển phải chui qua cầu Sơn Thọ vừa thấp vừa hẹp nên gặp nhiều khó khăn. Trong khi nhu cầu đóng những con tàu ngày càng to lớn hơn khiến anh và gia đình hết sức trăn trở.

Sau nhiều đêm bắt tay lên trán suy nghĩ về những dự định sắp tới của mình, đó là sẽ đi thuê một khoanh đất mới rộng lớn, hơn để phát triển nghề đóng tàu. Dù biết, số vốn để đầu tư cho một xưởng mới về máy móc, xây dựng nhà ở, tiền thuê mặt bằng không phải là ít. Và đã nhiều lần gia đình phản đối với ý tưởng của anh, bởi đó là một ý tưởng táo bạo và có phần mạo hiểm, cuối cùng anh cũng được gia đình và người vợ hết lòng ủng hộ.

Tạo việc làm cho nhiều lao động nghèo

Năm 2014 xưởng đóng mới và sửa chữa tàu thuyền Tiến Xang ra đời. Đó là sự chung tay, góp sức góp của và cùng tư tưởng “dám nghĩ dám làm” của hai anh Nguyễn Văn Xang và Đặng Đức Tiến. Việc lập xưởng đóng mới của hai anh giữa thời điểm đánh bắt cá của ngư dân gặp rất nhiều khó khăn.

Khác hẳn với những ông chủ khác, hai ông chủ xưởng đóng tàu luôn gần gũi, thân thiện với mọi người

Thời gian đó không có nhiều người mặn mà với nghề đi biển nữa, nên nhu cầu đóng tàu thuyền cũng không nhiều như trước. Nhiều người thấy vậy cũng lấy làm lo lắng cho hai anh, có người lại cho là hai anh “gàn dở” khi bỏ ra cả chục tỷ lập xưởng vào thời điểm này. Thế nhưng với quyết tâm của mình, hai người đàn ông vẫn cố gắng, và tiếp tục với công việc đóng tàu của mình.

“Kế hoạch thì như vậy nhưng lúc bắt tay vào làm mới thấy có nhiều khó khăn. Việc khó khăn đầu tiên là đi thuê mặt bằng, vì để tìm được một vị trí thuận lợi không phải là dễ. Khu vực làm xưởng bây giờ trước kia là một vùng sình lầy, nhếch nhác. Để được như ngày hôm nay chúng tôi đã đầu tư hết 500-600 triệu tiền đất đá đổ xuống đây và còn rất nhiều những khó khăn khác không thể nói hết được” – anh Tiến tâm sự.

Giờ đây xưởng của hai anh đã dần đi vào ổn định, nhờ uy tín và chất lượng nên được nhiều chủ tàu biết đến. Không chỉ vậy, xưởng còn tạo công ăn việc làm cho khoảng 50 lao động ở địa phương, trong đó có những hoàn cảnh gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhưng nhờ có hai anh tạo việc làm, nên giờ đây đã có tiền cất nhà mới, cho con cái ăn học đàng hoàng. Nhiều người thay vì đi làm thợ xây, hay đi vào miền Nam, Tây Nguyên để hái cà phê thì giờ nguyện gắn bó với xưởng lâu dài.

Những con tàu bị hỏng đang nằm ven sông chờ xưởng sửa chữa

Không dấu sự phấn khởi vui mừng, anh Xang cho biết: “Từ năm 2014 đến nay, xưởng đã đóng cho khách hàng 10 con tàu 67, và các tàu khác được khoảng 20 chiếc. Nhiều ngư dân ở mãi tận tỉnh Quãng Bình, Hà Tĩnh, hay các xã lân cận như xã Sơn Hải, xã Quỳnh Long,… cũng tìm đến đây để đóng tàu. Nhờ công việc ổn định nên xưởng trả lương bình quân cho công nhân ở đây là 8 triệu đồng/người/ tháng. Có nhiều người có tay nghề nên lương 15 -20 triệu/ tháng”.

Do đóng mới và sửa chữa đảm bảo uy tín và chất lượng nên xưởng của hai anh ngày càng “ăn nên làm ra”. Tuy nhiên vẫn còn đó nhiều điều khiến hai anh lo lắng, đó là nguồn nguyên liệu gỗ ngày càng khan hiếm, khi thị trường gỗ Lào ngày càng khó về Việt Nam. Gỗ ở trong nước cũng được quản lý chặt chẽ hơn trước kia rất nhiều. Cùng với đó là khó khăn về nguồn vốn để có thể đầu tư máy móc, cũng như phát triển xưởng rộng lớn hơn nữa.

Ông Nguyễn Văn Khanh - Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thọ cho biết: “Nhờ có xưởng đóng tàu Tiến Xang mà nhiều lao động của địa phương có việc làm ổn định, nhiều người tránh xa các tệ nạn xã hội, tu chí làm ăn hơn. Vì thế cuộc sống của người dân ngày càng đi lên. Địa phương luôn tạo điều kiện cho các cá nhân, doanh nghiệp được phát triển với ngành nghề truyền thống của mình. Đó là niềm vinh dự lớn của địa phương chúng tôi”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang