Kỷ niệm ngày truyền thống lực lượng Công an nhân dân Việt Nam (19/8/1945 – 19/8/2017):

Người thầy thầm lặng

Thứ Sáu, 18/08/2017 21:55

|

(CAO) “Kỹ sư tâm hồn”, “người đưa đò cho phạm nhân đến bến đỗ hoàn lương” là những tên gọi nhân dân dành cho các anh – người cán bộ quản lý trại giam – người thầy thầm lặng.

Ra đời cùng với lực lượng Công an nhân dân, trong những ngày đất nước còn bộn bề khó khăn, đi qua hai cuộc kháng chiến thần thánh, lực lượng Cảnh sát trại giam cùng với các lực lượng khác trong Công an nhân dân tham gia chiến đấu giành độc lập cho tổ quốc, đồng thời hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý, giam giữ và giáo dục phạm nhân.

Hơn 70 năm qua, lực lượng Cảnh sát trại giam không ngừng xây dựng và trưởng thành, giữ vững ý chí cách mạng, không nề hà gian khổ, vượt lên bao khó khăn, âm thầm, lặng lẽ trả lại cho đời những con người đã từng lầm lỗi, giúp họ sớm hòa nhập cộng đồng, trở thành người lương thiện.

Hàng triệu lượt phạm nhân đã được “những người thầy thầm lặng”, quản lý và giáo dục cảm hóa, đã có biết bao máu, mồ hôi và nước mắt của các anh rơi xuống cho những mầm xanh trỗi dậy ở những mảnh đất khô cằn sỏi đá, bao tấm gương anh hùng thầm lặng cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”, cảm hóa những con người lầm lỗi.

Trung tướng Hồ Thanh Đình Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân, Phó Tổng cục trưởng TC VIII, khi còn là giám thị trại giam Thủ Đức trong lần cùng với đơn vị tổ chức phạm nhân chữa cháy rừng đã dũng cảm lao vào đám cháy để đưa phạm nhân bị kẹt trong đám cháy ra ngoài, cứu sống phạm nhân.

Đó là thiếu tá Dương Quang Ánh, bác sỹ phân trại số 3 trại giam Thủ Đức, bị phơi nhiễm HIV trong quá trình chăm sóc sức khỏe cho những phạm nhân bị căn bệnh thế kỷ, vẫn âm thầm ngày đêm quan tâm, chăm sóc sức khỏe cho phạm nhân dù cơ thể đang mang căn bệnh chưa tìm ra thuốc chữa… còn nhiều, còn rất nhiều những “người thầy thầm lặng” ở những nơi thầm lặng, “từng ngày, từng ngày rót mật cho đời”, giáo dục, cảm hóa những con người lầm lỗi, giúp họ sửa sai, giúp họ học nghề, giúp họ nhận ra giá trị cuộc sống, để một ngày họ về lại địa phương, tái hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội.

Công việc của những người thầy thầm lặng, công việc đầy vinh quang, đậm chất nhân văn vẫn diễn ra hằng ngày, hằng giờ dù cho cuộc sống nhiều khó khăn, dù cho mặt trái của kinh tế thị trường diễn biến phức tạp, những thói hư, tật xấu, những biểu hiện của sự tự diễn biến, suy thoái về đạo đức đang là vấn đề gây nhức nhối trong xã hội.

Thì ở đây các anh, các chị những người thầy thầm lặng vẫn giữ nguyên phẩm chất của mình, phẩm chất của người cán bộ quản lý trại giam, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, nói không với cái xấu, cái ác, không ngừng học tập, rèn luyện, xây dựng tổ chức Đảng, xây dựng đơn vị, xây dựng tập thể vững mạnh, làm chổ dựa vững chắc cho những tâm hồn lầm lỡ, làm ngọn lữa sáng rực soi đường, dẫn lối cho những người đã từng phạm tội, cho họ thấy một môi trường trong sạch, một môi trường công bằng, một môi trường đầy nhân văn và nghĩa tình.

Niềm vui ngày đặc xá - Ảnh Internet

Có nhiều phạm nhân sau khi kết thúc thời gian chấp hành án phạt tù, không muốn về xin được ở lại phục vụ trại giam, hay những trường hợp tái hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích về lại trại giam, thăm lại những người Thầy của mình.

Có lẽ không có điều gì hạnh phúc hơn thế, đối với các anh, các chị một người lầm lỡ, trở về với xã hội, làm người có ích là một niềm vui không thể tả, những người thầy thầm lặng, lặng lẽ làm đẹp cho đời, lặng lẽ tô thắm phẩm chất của người chiến sỹ Công an nhân dân, lặng lẽ dâng hiến cuộc đời của mình cho sự nghiệp giáo dục lại, và họ những người thầy thầm lặng làm nên phẩm chất cách mạng của lực lượng Cảnh sát trại giam – trung thành với Đảng, tận hiếu với dân, hy sinh thân mình vì bình yên cuộc sống.

 

Bình luận (0)

Lên đầu trang