Nghệ An:

Ký ức của cựu binh về một thời hoa lửa

Thứ Tư, 26/07/2017 00:19  | Nguyên Thi

|

(CAO) Vào những ngày cuối tháng 7, người lính già Nguyễn Quang Phiệt (86 tuổi, ở xóm 1 xã Diễn Hoa, Diễn Châu, Nghệ An) lại thấy ngậm ngùi, xúc động nhớ về năm tháng hào hùng cùng với đồng đội ở chiến dịch Điện Biên Phủ năm nào.

Cũng như bao thế hệ thanh niên lúc bấy giờ, khi cuộc chiến chống Pháp đang vào hồi quyết liệt nhất, năm 1953 lúc đó đang còn đi học lớp phổ thông, Nguyễn Quang Phiệt đã trốn cha mẹ mình tự nguyện đăng kí tham gia nghĩa vụ, lên đường đi bộ đội phục vụ cho Tổ quốc.

Trúng tuyển nghĩa vụ, chàng trai Phiệt lập tức lên đường cùng với những người lính mới nhập môn khác. Sau 3 tháng huấn luyện tân binh ở Thanh Hóa, Nguyễn Quang Phiệt được bổ sung vào Trung đoàn 57, sư đoàn 304 nhận lệnh đánh cứ điểm Hồng Cúm, đây là phân khu phía Nam trung tâm Mường Thanh 3 cây số.

Dù tuổi đã cao nhưng ông Phiệt vẫn ham mê đọc sách, báo và tham gia phong trào văn nghệ, thể thao của xã nhà

Nhớ lại thời khắc khi sắp tham gia trận chiến có ý nghĩa lịch sử này, cựu binh Phiệt giọng hào hứng nói: “Lúc bấy giờ, những người lính trẻ như chúng tôi cũng chưa hình dung ra được cuộc chiến đấu khốc liệt phía trước, chỉ biết rằng lúc đó anh em trong đơn vị ai ai cũng sung sục sức chiến đấu, chỉ mong đến giờ ra trận địa để tiêu diệt kẻ thù”.

Sau 20 ngày đêm hành quân trên con đường đầy nắng gió nơi miền Tây Bắc, đơn vị của ông đến Tuần Giáo và được nghỉ lại một ngày để lấy sức ngày mai lên Điện Biên. “Tuần Giáo lúc bấy giờ đã nghe thấy tiếng phi cơ gầm rú và tiếng đại bác rít lên liên hồi, khiến mọi người ai nấy đều hồi hộp. Niềm khao khát được cầm súng chiến đấu trong những ngày ở đơn vị vận tải đã hiện dần trước mắt đối với những người lính trẻ”, ông Phiệt cho hay.

Ông Nguyễn Quang Phiệt (thứ 2 từ phải qua) cùng các cựu chiến binh ở Nghệ An trong một lần thăm lại chiến trường xưa

Chiều ngày 6-5-1954, Tổng tư lệnh quân đội Đại tướng Võ Nguyễn Giáp tới thăm đơn vị và có thông báo, tối cùng ngày vào giờ “G” sẽ có tiếng nổ long trời, đó là lệnh tổng công kích trên toàn chiến trường, ai cũng biết rằng chiến dịch đã đi đến hồi quyết định.

Khí thế toàn quân đã sẳn sàng, đúng như tin báo, khoảng 8h đêm ngày 6-5, từ trong lòng đất trên đồi A1 phát ra tiếng nổ long trời của khối bộc phá gần 1.000kg. Bị tấn công bất ngờ nên quân địch từ trong hầm trú ẩn bị tử vong nhiều do sức ép quá lớn.

“Trận chiến đó khiến nhiều đồng đội của tôi ngã xuống, còn tôi bị thương ở tay và được đưa về bệnh xá quân y để chữa vết thương. Nhưng sau đó, tôi lại trốn bệnh xá để tiếp tục trở lại đơn vị cầm súng chiến đấu”, ông Phiệt kể lại.

Chiều ngày 7-5-1954, từ bên Hồng Cúm nhìn qua khu đồi A1, địch lũ lượt kéo cờ trắng xin hàng. Mường Thanh đã thất thủ, Tướng Đờ-Cát xin đầu hàng, niềm vui sướng vỡ òa trong lòng mỗi chiến sỹ.

Ông Phiệt (hàng 3, thứ 6 từ trái qua) cùng các cựu chiến binh trong buổi gặp mặt kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ ở Nghệ An

Ở trung tâm là vậy, thế nhưng tại cứ điểm Hồng Cúm địch vẫn im lìm mặc dù quân ta đã buộc tướng Đờ Cát điện cho chỉ huy địch ở Hồng Cúm đầu hàng. Đến 5h chiều, trung đội trưởng trung đội 55 bắc loa kêu gọi địch đầu hàng bằng tiếng Pháp, nhưng chúng điên cuồng dùng súng cối chống trả. Ngay lập tức chúng ta đã dùng pháo bắn cấp tập vào cứ điểm của địch.

Sau nhiều ngày vất vả áp giải số binh lính để đưa tới trại Kim Tân (Thanh Hóa) bàn giao, ông Phiệt cùng đơn vị được lệnh hành quân tham gia bảo vệ và tiếp quản thủ đô. Sau đó ông tiếp tục được đi học hết chương trình phổ thông rồi được cử đi học lái xe tăng ở Giang Tô (Trung Quốc) trong 3 năm.

Đến 1963 vì vết thương tái phát, sức khỏe không đảm bảo nên ông xin chuyển ngành.

Cuộc đời quân ngũ 10 năm (năm 1963 ông chuyển ngành) đã để lại trong ông những ký ức đẹp đẽ của một thời tuổi trẻ, với những năm tháng được sát cánh bên những đồng đội của mình mà ông không thể nào quên được. Trở về với cuộc sống đời thường ở quê nhà, ông luôn tích cực tham gia các hoạt động phong trào văn nghệ, thể dục thể thao tại địa phương.

Bình luận (0)

Lên đầu trang