Giao lưu “Bài ca người chiến sĩ công an nhân dân”:

Giữ mãi ‘lửa’ trong tim

Thứ Hai, 21/08/2017 15:29  | Mai Loan

|

(CAO) Tối 18-8, tại Nhà văn hóa Phụ nữ (PN) TP.HCM, ba tấm gương tiêu biểu trong lực lượng Công an (CA) TP.HCM – những cán bộ, chiến sĩ đã không nề hà việc khó lẫn gian nguy, sống và cống hiến hết mình vì bình yên của nhân dân - đã được giới thiệu trong chương trình giao lưu văn nghệ “Bài ca người chiến sĩ Công an nhân dân”.

Chương trình do Hội PN CA TP.HCM phối hợp Nhà văn hóa PN, Hội PN Cảnh sát (CS) Phòng cháy và Chữa cháy (PC&CC) TP.HCM tổ chức. Tốt nghiệp Trường Đại học CSND năm 2007, đại úy Nguyễn Văn Thông được giữ lại trường giảng dạy trong ba năm, sau đó chuyển công tác về Đội 8, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế và tham nhũng (PC46) CA TP.HCM.

Đại úy Nguyễn Văn Thông nói về những khó khăn trong điều tra phá an kinh tế, tham nhũng

Theo đại úy Thông đa phần đối tượng phạm pháp trong lĩnh vực kinh tế, tham nhũng đều có chức vụ, học vấn, hiểu biết pháp luật và rất tinh vi trong việc lên kế hoạch đối phó với lực lượng chức năng. Do đó, điều tra viên phải cương quyết, khôn khéo khi đấu tranh với tội phạm, đối tượng nghi vấn nhưng cũng luôn trong tâm thế thận trọng hết sức để không làm oan, sai cho người vô tội.

Bảy năm gắn bó với Phòng PC46, anh đã trực tiếp tham gia gỡ nút thắt nhiều vụ án kinh tế lớn, như vụ án buôn lậu hàng điện tử, điện gia dụng đã qua sử dụng tại càng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè, TP.HCM), vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại chi nhánh Công ty SJC Phú Thọ hay vụ cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, lợi dụng chức vụ, quyền hạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Ban bồi thường giải phóng mặt bằng ở một quận thuộc TP.HCM.

Thượng úy Phạm Thị Thu Hằng chia sẻ về công việc đứng chốt điều hòa giao thông

Mấy năm trở lại đây, tội phạm công nghệ cao diễn biến phức tạp, nhiều đối tượng người nước ngoài lợi dụng mạng xã hội facebook, điện thoại để giăng “bẫy tình” từ đó chiếm đoạt tiền của những phụ nữ nhẹ dạ. Giai đoạn 2014-2015, toàn đơn vị của đại úy Thông không có khái niệm ngày nghỉ, ngày cuối tuần cũng không có thời gian dành cho gia đình.

Nhiều đêm, các anh tranh thủ đi xe để sáng hôm sau tiếp cận địa bàn, điều tra truy tìm, truy bắt đối tượng lừa đảo. Sáng 22-5-2015, chị N.T.X.M. (SN 1967, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) đến Phòng PC46 với vẻ mặt lo âu, hoang mang. Chị M cho biết, khoảng tháng 3-2015, thông qua facebook, chị quen một người đàn ông tự giới thiệu là Terry Hammed Williams sống tại Mỹ. Sau đó, người này thông báo gửi tặng nhiều tài sản có giá trị, chị M. cần thanh toán phí vận chuyển 250 USD.

Đại úy Nguyễn Văn Thông (thứ 2 từ phải qua) và thượng úy Phạm Thị Thu Hằng giao lưu với các bạn sinh viên trong chương trình “Bài ca người chiến sĩ Công an nhân dân”.

Tuy nhiên, khi chị M đã chuyển tiền thì có số điện thoại khác gọi đến yêu cầu nộp thêm 2.500 USD nữa mới nhận được “quà” của Terry. Nghi ngờ bị lừa, chị M đến Phòng PC46 trình báo. Tiếp nhận thông tin, đại úy Thông cùng anh em đơn vị nhanh chóng vào cuộc xác minh, phát hiện Terry trên đường Phạm Ngũ Lão (Q1).

Tại cơ quan điều tra, đối tượng này liên tục chối tội. Tuy nhiên, qua cuộc đấu trí căng thẳng cùng những chứng cứ không thể chối cãi, đại úy Thông và đồng đội đã khiến Terry phải cúi đầu nhận tội, khai tên thật là Eluma Francis Chukwubueze (SN 1978, quốc tịch Nigeria). Người này sau đó đã bị cơ quan điều tra ra lệnh bắt, khám xét khẩn cấp về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Thượng úy Phạm Thị Thu Hằng (SN 1989) – cán bộ Đội tuyên truyền, điều tra giải quyết tại nạn và xử lý vi phạm giao thông đường bộ - đường sắt (ĐB-ĐS), Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) ĐB – ĐS (PC67) CA TP.HCM tạo ấn tượng đẹp cho người đối diện bởi cách nói chuyện nhỏ nhẹ, ân cần và nụ cười luôn thường trực trên môi.

Rời trường Đại học CSND (năm 2012), chị bắt đầu dấn thân trên lĩnh vực tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, trực chốt chỉ huy điều hòa giao thông tại hai giao lộ Trần Hưng Đạo – Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Văn Cừ - Nguyễn Trãi từ 6 giờ 30 – 8 giờ sáng và 16 giờ 30 – 18 giờ tối. Thêm vào đó, từ ngày 1-8, Phòng PC67 triển khai thí điểm phát loa tuyên truyền vận động người dân chấp hành Luật Giao thông đường bộ tại hai giao lộ Trần Hưng Đạo – Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Văn Cừ - Nguyễn Trãi, thượng úy Hằng cũng là một trong những nữ CSGT tích cực thực hiện mô hình này.

Thượng úy Hằng cho biết: “Hiện, chúng tôi tập trung tuyên truyền, nhắc nhở người dân chấp hành hiệu lệnh của vạch kẻ đường. Qua thời gian ngắn triển khai, điều đáng mừng là có nhiều người đã chủ động lùi xe về phía sau vạch dừng khi đứng chờ tín hiệu đèn giao thông”.

Quê Thái Bình, có cha công tác trong ngành CA nên từ nhỏ Hằng đã mơ ước được khoác lên mình sắc phục CAND. Ngoài công tác chuyên môn, chị còn cùng cán bộ, chiến sĩ đơn vị tổ chức nhiều buổi tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ tại trường học, khu dân cư. Chỉ riêng hai năm 2015-2016, chị đã góp mặt trong 60 đợt tuyên truyền, thu hút hơn 50.800 học sinh, người dân tham dự. Thượng úy Hằng tâm tình: “Đứng chốt chỉ huy ngoài giao lộ, đôi khi chúng tôi còn có thể giúp các cụ lớn tuổi qua đường, chỉ đường cho người dân hoặc hỗ trợ kịp thời nạn nhân bị tai nạn giao thông. Trải qua 5 năm gắn bó với ngành, tôi cảm thấy vui và hạnh phúc vì công việc mình làm đang góp phần kéo giảm tai nạn, đem lại niềm vui, sự an tâm cho người dân”.

Tôi có dịp tiếp xúc với thiếu tá Huỳnh Văn Tuấn – Phó trưởng phòng Cứu nạn – Cứu hộ (CN – CH), CS PC&CC TPHCM khi anh còn là đội trưởng Đội CN - CH của phòng. Qua bao năm, Tuấn vẫn vậy, thẳng thắn, bộc trực mà đầy nhiệt thành. Và, dường như “lửa” trong trái tim người lính CN – CH này chưa giờ vơi bớt.

Sinh năm 1980, anh đã có thâm niên 16 năm dấn thân trong nghiệp CN – CH. Sau khi tốt nghiệp Trường Bồi dưỡng nghiệp vụ CA TPHCM, Tuấn được phân công về tiểu đội chiến thuật chữa cháy, Đội PCCC trung tâm Q1. Trưa 29-10-2002, lửa bao trùm lên Trung tâm thượng mai quốc tế (ITC, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q1).

Tuấn có mặt trong lực lượng chữa cháy, CN – CH ở đây. Báo, đài đăng tin, cha mẹ anh ngờ ngợ: “ủa, chú lính cứu hỏa trong hình sao giống thằng Tuấn nhà mình quá”. Đó là lần đầu tiên người thân biết Tuấn lựa chọn dấn thân vào nghề nguy hiểm này.

Thiếu tá Huỳnh Văn Tuấn kể lại những kỷ niệm khó quên trong những lần tham gia CN-CH

Giai đoạn 2012-2015, thiếu tá Huỳnh Văn Tuấn đã cùng đồng đội trực tiếp tham gia CN – CH trên 410 vụ, cứu sống 20 người đang trong tình trạng nguy hiểm tính mạng, lặn tìm 37 mảnh xương người rồi bàn giao cho cơ quan Cảnh sát điều tra CA huyện Bình Chánh (TPHCM), lặn tìm được 8 viên đạn ký hiệu PDM – 75 bàn giao cơ quan Cảnh sát điều tra CA huyện Nhà Bè (TPHCM) và C45B – Bộ Công an thụ lý...

Là người ham học hỏi, tìm tòi cái mới nên khi đảm nhận ví trí Phó trưởng phòng phụ trách công tác huấn luyện, chiến đấu, anh đã tổ chức nghiên cứu và sáng lập đội hình cứu người bằng cán trượt trên dây nhằm triển khai cứu nạn nhân trong không gian hẹp, trên cao mà các thiết bị cơ giới chuyên dùng không thể áp dụng. Ngoài ra, anh cũng chủ động nghiên cứu, học tập tính năng của thiết bị dò tìm nạn nhân trong đống đổ nát, camera dò nhiệt độ đám cháy, máy dò khói khí độc, bộ đàm liên lạc dưới nước, đội hình cứu người bằng ròng rọc điện,... để huấn luyện cho chiến sĩ.

Mặc dù đã 2 lần phải nhập viện điều trị chấn thương khi làm nhiệm vụ, nhưng mỗi khi nghe nhắc đến công việc của mình, thiếu tá Tuấn đều cười hiền: “Cứu người quan trọng hơn, mình bị thương rồi cũng sẽ lành thôi”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang