(CAO) Sau gần 1 tuần xảy ra tình trạng sạt lở tại tuyến kè Thanh Đa (đoạn dọc theo chiều dài hẻm 886 Xô Viết Nghệ Tĩnh, P.25, Q.Bình Thạnh), phóng viên Chuyên đề Công an TPHCM đã quay lại hiện trường để ghi nhận tình hình thực tế.
Ghi nhận của phóng viên trong chiều ngày 3 và sáng 4/7, tại khu vực xung yếu của tuyến kè Thanh Đa. Đến thời điểm hiện tại, toàn bộ các hộ dân sinh sống tại khu vực nguy hiểm đều đã được di dời đến nơi an toàn. Chính quyền địa phương và lực lượng CAQ.Bình Thạnh đã tổ chức treo biển báo nguy hiểm, cử bảo vệ dân phố (BVDP) liên tục có mặt để theo dõi tình hình, ngăn không cho người dân quay trở lại khu vực nguy hiểm, có nguy cơ sập, đổ bất kỳ lúc nào.
Ngay tại lối vào hẻm 886 XVNT, lực lượng chức năng đã treo thông báo nguy hiểm, cử BVDP có mặt để giám sát tình hình. Ông Đoàn Văn Quan, BVDP thuộc P.25 cho biết: "Hàng ngày, chúng tôi cùng với CAP.25 đều trực tại đây, đảm bảo không cho người dân bước vào khu vực sạt lở, nguy hiểm đến tính mạng. Bên cạnh đó, chính quyền và đoàn thể P.25 cũng liên tục tổ chức hỗ trợ người dân đã được di dời, đảm bảo cho người dân an tâm sinh sống tại nơi ở mới"
Hình ảnh phóng viên Chuyên đề Công an TPHCM ghi nhận trong chiều ngày 3/7. Tình trạng triều cường dâng cao khiến nước sông tràn qua khỏi bờ kè, nước ngập qua mắt cá chân người lớn. Khu vực này chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của tình trạng sạt, lở, xuất hiện nhiều hố sâu và là nơi nguy hiểm nhất ở hẻm 886 XVNT
Cầm trên tay đoạn gỗ dài 2 mét được ông Quan sử dụng để đo mực nước bên trong các hố sụt trên tuyến đường này. Theo ghi nhận của BVDP này, ghi nhận có hố nước sâu hơn 1 mét, người dân chỉ cần bất cẩn rớt vào sẽ nguy hiểm đến tính mạng
Một ngôi miếu bên trong con hẻm 886 XVNT xuất hiện tình trạng "hở hàm ếch". Với hiện trạng này, ngôi miếu có thể đổ bất kỳ lúc nào. Kể lại ký ức kinh hoàng xảy ra trong đêm 25 ngày 26/6, bà Hồ Thị Na (61 tuổi), sống đối diện ngôi miếu cho biết: "Đêm hôm đó tôi cứ tưởng miếu đã sập rồi. Phần móng xuất hiện một lỗ to, rộng hơn nửa mét. Bây giờ tôi không dám bước vào vì sợ nó sẽ sập”
Lo sợ căn nhà của mình có thể sập xuống, nhiều hộ dân tại hẻm 886 đã sử dụng đá, bao cát để chèn dưới phần lỗ "hàm ếch" ở móng nhà. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế. Nếu tình trạng vẫn tiếp tục xảy ra trong nhiều ngày tới, việc đổ sập có thể xảy ra
Trong ảnh là khu nhà của bà Nguyễn Thị Hồng Nga (61 tuổi). Tình trạng sụt, lún xảy ra khiến ngôi nhà của bà bị đội cao hơn các căn còn lại gần 30 cm. Thậm chí, bên trong sân chung còn xuất hiện đất nền bị xẻ đôi, đứt đoạn. Ghi nhận trên tường các căn nhà tại đây đều có vết nứt, có nơi vết nứt rộng tới 0,5 cm
“Trước kia, căn nhà ngoài bìa có nền cao hơn các căn nhà phía trong 3 tấc (khoảng 30cm), bây giờ lún xuống hơn 5-6 tấc (khoảng 60cm)” - bà Nga nói
Một mảng tường nhà bà Nga bị nghiêng, phần nền nhà bị rạn, nứt nghiêm trọng
“Trước khi các ngôi nhà tại đây lún như hiện nay, trên nền có dấu hiệu rạn. Vết rạn ngày một to dần" - bà Nga nói tiếp. Bên cạnh đó, bà cũng cho biết, cách ngôi nhà bà đang sinh sống không xa có một công trình xây dựng đang thi công. Người này cho rằng, mỗi khi công nhân tiến hành xây dựng, nền nhà bà lại xuất hiện vết nứt và lún xuống
Một vết nứt, hở sâu khoảng 40 cm, rộng khoảng 30 cm xuất hiện tại khu nhà bà Nga đang sinh sống. Để khắc phục tình trạng này, một số người đã thử thuê người đổ đất, đá và xà bần xây dựng song vẫn không thể khắc phục được
Cận cảnh tan hoang bên trong các căn nhà chịu ảnh hưởng của sạt, lở ở P.25 của Q.Bình Thạnh
Mới đây, TPHCM vừa ra cảnh báo về 32 vị trí sạt lở bờ sông, kênh rạch nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm. Trong đó có 8 vị trí đặc biệt nguy hiểm và 24 vị trí nguy hiểm gây ảnh hưởng đến 1.328 nhà dân. Tuy nhiên, hiện nay chỉ 23/32 vị trí có chủ trương đầu tư dự án kè chống sạt lở (tổng số vốn đầu tư là 3.474 tỉ đồng). Trong ảnh là một căn nhà trên đường Giồng Ông Tố (TP.Thủ Đức) có dấu hiệu sụt lún và có thể đổ, sập.
Trao đổi với phóng viên Chuyên đề Công an TPHCM, đại diện chính quyền P.25 cho biết, ngay khi ghi nhận tình trạng sạt, lở nguy hiểm xảy ra tại khu vực này, chính quyền phường và UBND Q.Bình Thạnh đã khẩn trương phối hợp cùng lực lượng Công an tổ chức di dời khẩn cấp các hộ dân đang ở tại khu vực nguy hiểm này. Các hộ dân được di dời đến các khu vực an toàn khác ở P.12 của Q.Bình Thạnh. Để ổn định đời sống người dân, P.25 đã tổ chức trao các phần quà dân sinh, nhu yếu phẩm cần thiết để hỗ trợ người dân.
Trao quà hỗ trợ người dân gặp sự cố sạt, lở ở P.25, Q.Bình Thạnh
Cụ thể, đoàn công tác của Quận uỷ, UBND, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Q.Bình Thạnh đã thăm hỏi, hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng sạt lở mỗi hộ 02 triệu đồng, động viên người dân vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống. Về chính quyền địa phương, Đảng ủy, UBND Phường 25 và KP.5 đã hỗ trợ mỗi hộ 01 triệu đồng và trao tặng 15 phần quà gồm nhu yếu phẩm, đồ dùng cá nhân, mỗi suất trị giá 450 ngàn đồng.
Trước đó, UBND Q.Bình Thạnh đã rà soát nhân khẩu và thực hiện các biện pháp di dời để người dân khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn. Qua rà soát, nhân khẩu trong khu vực sạt lở bao gồm: 15 hộ dân 79 nhân khẩu, trong đó có 7 căn 35 nhân khẩu di dời theo sự chỉ đạo và 8 căn 44 nhân khẩu tự di dời theo nguyện vọng cá nhân.
(CAO) Phóng viên Chuyên đề Công an TPHCM đã có một buổi trắng đêm theo chân lực lượng Công an, bảo vệ dân phố tuần tra, bảo vệ an toàn và hỗ trợ người dân khi có sự cố xảy ra.