Phóng sự ảnh:

Theo chân Cảnh sát đường thủy TPHCM bảo đảm an toàn những chuyến đò ngang

Thứ Ba, 14/02/2023 11:35

|

(CAO) Trên địa bàn TPHCM hiện có 22 bến đò ngang, phục vụ khoảng 3 triệu lượt hành khách/năm. Thời gian qua, tình hình hoạt động của các phương tiện tại các bến đò ngang này ổn định, không xảy ra tai nạn. Góp một phần vào giữ bình yên, an toàn trên những tuyến sông chính là sự nỗ lực của các tổ tuần tra của Phòng Cảnh sát đường thủy, Công an TPHCM.

Phóng viên Chuyên đề Công an TPHCM vừa có dịp theo chân một tổ công tác của Đội Xử lý vi phạm, điều tra tai nạn và hướng dẫn tuyên truyền pháp luật giao thông đường thủy, Phòng CSĐT - Công an TPHCM làm nhiệm vụ trên các tuyến sông tập trung nhiều bến đò, phà ngang dân sinh phục vụ người dân TP.  

Sáng 10-2, từ cầu cảng trên bến Bạch Đằng Q.1, Tổ chuyên đề của Đội Xử lý vi phạm, điều tra tai nạn và hướng dẫn tuyên truyền pháp luật giao thông đường thủy do Đại úy Huê Duy Nguyên, Phó Đội trưởng chỉ huy đã xuất bến làm nhiệm vụ
Sau gần 30 phút di chuyển với tốc độ cao trên mặt sông, chiếc xuồng công vụ đã nhanh chóng áp sát khu vực cầu tàu của Bến đò khách Phước Bình Mỹ Long (thuộc HTX đò khách Phước Bình Mỹ Long, P.Long Bình, TP.Thủ Đức). Bến đò này hàng ngày thực hiện hàng trăm lượt di chuyển qua lại, đưa khách từ TPHCM tới lễ chùa Châu Đốc 3 (còn gọi là chùa Phước Long, trên cù lao Ba Sang, TP.Thủ Đức)
Theo Đại úy Huê Duy Nghiêm, tổ công tác sẽ thực hiện kiểm tra toàn diện về các mặt tại bến đò khách này gồm: kiểm tra giấy phép hoạt động; kiểm tra an toàn kỹ thuật, phòng cháy chữa cháy; kiểm tra các phương tiện đang hoạt động tại HTX đò khách  Phước Bình Mỹ Long
Ông Trần Hiếu Hòa (63 tuổi, đại diện HTX Đò khách Phước Bình Long Mỹ) làm việc với tổ công tác. Theo ông Hòa, Bến đò ngang này hoạt động hàng chục năm qua. Đều đặn mỗi năm, ông Hòa luôn thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý để được Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) TPHCM cấp phép hoạt động cho Hợp tác xã
Từ khi xảy ra vụ chìm đò xảy ra vào ngày 05-02-2023 trên sông Đồng Nai, bến đò Phước Bình Mỹ Long (Hợp tác xã Đò khách Phước Bình Mỹ Long, P.Long Bình, TP.Thủ Đức) bỗng trở nên đìu hiu
Phía cầu tàu, hơn 10 chiếc đò ngang nằm bến vì vắng khách. Khung cảnh trái ngược với trước đó một tuần, khiến những người mưu sinh bằng nghề đưa đò không khỏi chạnh lòng
Tâm sự với phóng viên, ông Trần Ngọc Sơn (51 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức), thuyền trưởng đò ngang Thủy Sơn 07 (số hiệu SG 8084, chở tối đa 49 hành khách) cho biết: "Vụ tai nạn xảy ra mấy ngày là sự cố không một ai mong muốn. Vào hôm con thuyền mang số hiệu ĐN 1228  gặp nạn, cả hợp tác xã của ông đều đứng ngồi không yên. Nhiều xã viên còn tính tới chuyện huy động người, thuyền ứng cứu, hỗ trợ người gặp nạn. Tuy nhiên, công tác cứu hộ cứu nạn đã được lực lượng Công an triển khai nhanh chóng"
Thuyền trưởng đò khách Thủy Sơn 07 và vợ cũng khẳng định, ở HTX đò khách Phước Bình Mỹ Long, tất cả các xã viên đều được quán triệt và chấp hành nghiêm chỉnh các quy định an toàn về vận chuyển khách trên sông. “Chúng tôi tâm niệm, mình làm nghề đưa khách sang sông. Mà đặc biệt, khách sang sông để đi chùa, lễ Phật thì bản thân hành nghề phải thật sự trách nhiệm. Hay tin về vụ tai nạn, dù buồn nhưng bản thân tôi mong muốn có cơ hội đính chính, chia sẻ để cộng đồng hiểu hơn về bến đò này. Chúng tôi hoạt động không vì lợi nhuận trước mắt mà chấp nhận bán rẻ mạng sống, sự an toàn của hành khách và bản thân” – ông Sơn chia sẻ
Tổ cảnh sát đường thủy kiểm tra chuyến đò ngang Thủy Sơn 07. Từng chi tiết nhỏ trên đò như: hệ thống đèn báo hiệu, cờ hiệu, số lượng áo phao, bình chữa cháy… đều được tổ công tác kiểm tra kỹ lưỡng. Qua kiểm tra, phương tiện do thuyền trưởng Trần Ngọc Sơn làm chủ đều đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật theo quy định
Tại đò khách Thủy Sơn 06, tổ chuyên đề đã yêu cầu thuyền trưởng phải tháo dây buộc phao, đảm bảo khi xảy ra sự cố, hành khách có thể lấy phao cứu sinh sử dụng một cách dễ dàng và đảm bảo an toàn
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng đã nhắc nhờ thuyền trưởng và thuyền viên cần thương xuyên vệ sinh áo phao, đảm bảo vệ sinh để hành khách có thể an tâm sử dụng
Hành khách trên các chuyến đò ngang chạy từ HTX đò khách Phước Bình Mỹ Long chấp hành nghiêm chỉnh các quy định đảm bảo an toàn đường sông, mặc áo phao đầy đủ

Nhiều hành khách bên trong khoang thuyền lộ rõ vẻ lo lắng khi có sự xuất hiện bất ngờ của những vị khách đặc biệt. 

Kết thúc quá trình kiểm tra hành chính phương tiện, Đại uý Huê Duy Nguyên tiếp tục hướng tới vị trí của hành khách và bắt đầu có những nhắc nhở, lưu ý tới khách đi đò.

Những quy tắc sử dụng áo phao an toàn, xử trí tình huống khẩn cấp khi xảy ra tai nạn trên sông đều được Đại uý Nguyên truyền đạt đến với hành khách trên đò.

Thấy cách chia sẻ giản dị và hết sức vui nhộn của anh CSGT đường thủy, sự căng thẳng trên khuôn mặt của hành khách nhanh chóng được xoa dịu. Ai nấy cũng tỏ ra an tâm khi chứng kiến có sự hiện diện, tuần tra của lực lượng chức năng trên vùng sông nước
Sau buổi kiểm tra đột xuất trên, phóng viên Chuyên đề Công an TPHCM tiếp tục theo chân tổ công tác làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên toàn tuyến. Chiếc ca nô nhanh chóng quay đầu, hướng về bến phà Bình Khánh, H.Nhà Bè
Cảnh sát đường thủy phất cờ hiệu kiểm tra một phà ngang chở khách hoạt động gần với phà Bình Khánh, H.Nhà Bè
Tại bến phà Phú Xuân do ông Trần Từ Tâm làm chủ, lực lượng chức năng đã vận động ông ký vào bản cam kết thực hiện các quy định về đảm bảo an toàn trong quá trình đưa, đón khách.
Làm việc với thuyền trưởng của phà khách hoạt động ở bến ngang Phú Xuân, H.Nhà Bè
Kiểm tra các thiết bị PCCC và CHCN
Nhắc nhở chủ bến cần trang bị đúng loại áo phao, cần loại bỏ những áo phao hư hỏng, không đảm bảo chất lượng
Kiểm tra toàn diện bến phà Phú Xuân

Hiện trên toàn địa bàn TPHCM có 22 bến đò ngang phục vụ khoảng 3 triệu lượt hành khách/năm. Thời gian qua, tình hình hoạt động của các phương tiện tại các bến đò ngang này ổn định, không xảy ra tai nạn. Tuy nhiên, đại diện Sở GTVT TP thừa nhận, có tình trạng hành khách đi đò ngang chủ quan, ít mặc áo phao dù trên đò có trang bị áo phao. 

Trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 lực lượng Cảnh sát đường thủy TPHCM đã xử lý 2885 trường hợp vi phạm với số tiền phạt ước khoảng 900 triệu đồng. Theo đơn vị này, các lỗi vi phạm chủ yếu là lỗi “chở hàng hóa quá vạch dấu mớn nước an toàn” với 2081 trường hợp. Vi phạm của phương tiện chở khách là 14 trường hợp (với số tiền phạt ước hơn 54 triệu đồng)

Bình luận (0)

Lên đầu trang