15 năm thăng trầm của ông Putin

Thứ Ba, 06/01/2015 09:26  | 

|

(CAO) Cách đây 1 tuần, truyền thông quốc tế đồng loạt đưa tin sự kiện Tổng thống Nga Vladimir Putin cầm quyền tròn 15 năm (31-12-1999).

15 năm trước, vào ngày 31-12-1999, trước thềm thiên niên kỉ mới- Tổng thống Nga khi đó là Boris Yeltsin bất ngờ từ chức để trao quyền lại cho Putin. Cựu điệp viên KGB đón lấy một nước Nga sau 8 năm Liên Xô tan rã với bao bộn bề, kiệt quệ: Matxcơva rơi vào giai đoạn suy thoái kinh tế, mất dần vị thế siêu cường trong thế giới đơn cực do Mỹ đứng đầu.

15 năm sau (2014) - nước Nga ở vị thế khác khi trở thành tay chơi đáng gờm trên bàn cờ chính trị. Từ chiến sự tại Syria, Nga đóng vai trò trung gian hòa giải khi cùng Mỹ giải giáp kho vũ khí hóa học của Assad, đến tiếng nói có trọng lượng trên bàn đàm phán P5+1 về vấn đề hạt nhân Iran. Trong các biến động chính trị lớn, Nga trở thành nhân tố không thể thiếu định hình phản ứng quốc tế.

BBC nhìn nhận “Trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2004, nước Nga thoát khỏi khủng hoảng ban đầu với mức tăng trưởng GDP từ 6 đến 7%/năm. Thu nhập người dân tăng 15%/năm. Mức sống của các hộ gia đình, đặc biệt ở khu vực thành thị ngày nay tốt hơn rất nhiều”. 

Vladimir Putin (phải) và cựu Tổng thống Nga Boris Yeltsin- Ảnh:Presidential Press and Information Office

Bên cạnh thành công, cơ cấu kinh tế Nga chưa thật bền vững khi 2/3 giá trị xuất khẩu đến từ dầu khí. Một cựu quan chức cấp cao trong chính quyền Nga nhận định “giá dầu đã cứu người dân”. Nhận định này ứng nghiệm trong đợt biến động giá dầu vừa qua. Từ 115 USD/ thùng vào tháng 6-2014, giá dầu xuống còn 59,3 USD/thùng khiến đồng rúp có lúc rớt giá hơn 50% so với USD. Như vậy, kinh tế Nga có được “diện mạo” như hôm nay nhờ phần lớn vào xuất khẩu dầu.

Thời đại cầm quyền của Putin cũng chứng kiến nhiều biến động trong nội tại nước Nga. Nổi bật là chủ nghĩa ly khai và khủng bố với điểm nóng ở Chechnya. Tháng 9-2004, cả nước Nga chấn động khi 32 tay súng thuộc tiểu đoàn Riyadus-Saikhin thuộc phong trào ly khai Chechnya tấn công vào trường số 1, thị trấn Beslan- nước cộng hoà Ossetia thuộc Nga khiến 334 con tin thiệt mạng. Lời dặn của Yeltsin khi rời điện Kremlin “hãy gìn giữ nước Nga” vì thế trở nên trọng trách nặng nề giữa một thời đại đầy biến động. 15 năm cầm quyền, Putin đã thực hiện rốt ráo lời dặn này.

Khi Mỹ và phương Tây ra sức tạo ảnh hưởng ở những nước từng là “sân sau” của Nga trong thời Xô Viết như Ba Lan hay Ukraine, Putin quyết liệt phản ứng. Hai "công cụ” mà phương Tây dùng là mở rộng phạm vi kết nạp thành viên Liên minh châu Âu (EU) và NATO cùng các hiệp định tự do-thương mại với những lời hứa viện trợ bằng các gói tài chính “khủng”.

Đáp lại, Nga phản ứng nhanh trước các động thái mà họ cho là ảnh hưởng đến quyền lợi của mình. Điển hình gần đây nhất là việc Matxcơva sáp nhập bán đảo Crimea và ủng hộ quân ly khai ở miền đông Ukraine. Nga không muốn Mỹ tạo ảnh hưởng ngay cạnh mình.

Danh sách 5 người quyền lực nhất Thế giới năm 2014 do Forbes bầu chọn- Putin đứng đầu. Ảnh: Forbes - Ảnh: Forbes

Cách thức sử dụng quyền lực cứng rắn của Putin đã khiến nước Nga ổn định và phát triển trong 15 năm ông cầm quyền.

Tạp chí danh tiếng Mỹ- Forbes vừa bầu chọn Putin là người quyền lực nhất Thế giới năm 2014 dựa trên các tiêu chí: nguồn tài chính, cách sử dụng quyền lực và số người chịu ảnh hưởng bởi quyền lực của ông. Dù vấp phải nhiều cáo buộc về vi phạm nhân quyền, dân chủ khi ông cố gắng kiểm soát hệ thống chính trị, phe phái xung quanh mình nhưng không thể phủ nhận những gì Putin làm được cho nước Nga trong thời gian qua. Forbes nhận định “không ai gọi Putin là người tốt- nhưng cũng không ai nói Putin không mạnh”.

Giờ đây, 2 thách thức lớn nhất đối với Putin là giải quyết khủng hoảng tại Ukraine và nguy cơ suy thoái kinh tế do giá dầu thô giảm mạnh. Reuters dẫn lời cựu Thứ trưởng Bộ Năng lượng Nga Vladimir Milov nhận định: “Putin đã xây dựng hình ảnh của mình như một người “sống sót” khi nắm bắt và giải quyết được các vấn đề nảy sinh mặc dù khó khăn bủa vây. Ông ấy xem mình là một người may mắn”. Nhưng, nay nước Nga đang đối mặt với khủng hoảng tồi tệ nhất từ khi Liên Xô sụp đổ.

Quốc tế đang theo dõi sát sao xem lần này Putin có “may mắn” không.

Anh Duy

Bình luận (0)

Lên đầu trang