Úc:

Cụ bà rơi nước mắt bên kệ hàng trống vì dịch Covid-19 gây “bão mạng”

Thứ Bảy, 21/03/2020 16:33  | Anh Duy

|

​(CAO) Những ngày qua, cộng đồng mạng tại Úc cũng như nhiều nước khác đang chia sẻ nhau bức ảnh một cụ bà đứng khóc thẫn thờ bên một kệ hàng ở siêu thị Coles, thành phố Melbourne (Úc) khi trên kệ hàng trống trơn hàng hoá vì dịch Covid-19.

Bức ảnh này lúc đầu được đăng tải trên trang cá nhân Twitter của phóng viên trang tin Nine News - Seb Costello cho thấy cảnh một bà cụ đến mua đồ hộp trong siêu thị thì phát hiện kệ hàng trống trơn. Trước đó người dân ở thành phố đã túa đến đây mua thực phẩm tích trữ phòng diễn biến phức tạp của dịch khiến những kệ hàng trống rỗng. 

Ai cũng thu gom lượng lớn hàng hoá trong siêu thị khiến những người già đến sau như bà cụ trong vụ việc trên không mua được gì. Bà chỉ biết đứng khóc trong bất lực.

Một người bình luận trên mạng khi thấy bức ảnh: “Nó thực sự bóp nát trái tim tôi. Người già thường hay hy sinh cho cộng đồng, tại sao chúng ta không quan tâm gì đến họ?”.

Cụ bà đứng khóc bên kệ hàng chất đồ hộp, nay đã trống trơn trong siêu thị ở thành phố Melbourne (Úc) - Ảnh: Twitter

Một người khác viết những dòng bình luận đau nhói: “Nó thật sự khiến trái tim tôi tan nát. Nếu tôi biết bà sống ở đâu, tôi sẽ giúp bà một số thực phẩm”.

Úc những ngày qua đang chứng kiến làn sóng mua sắm “cuồng nộ” khi người dân túa vào các siêu thị vét sạch các kệ hàng, nhất là giấy vệ sinh tạo ra một cuộc “khủng hoảng”, gây khan hiếm hàng hóa cục bộ.

Các nhà tâm lý học cho rằng đây là biểu hiện của hội chứng tâm lý đám đông, khi họ bị kích động bởi sự hoang mang không biết dịch bệnh sẽ diễn tiến tồi tệ đến mức nào trong những ngày tới, vì vậy nhiều người cố vét hàng được bao nhiêu thì vét vì nó tạo ra tâm lý rằng bản thân “làm chủ được tình hình” trong mùa dịch.

Những kệ hàng siêu thị tại Úc, nhiều kệ trống hàng vì người dân mua tích trữ - Ảnh: Twitter

Ngoài ra hành động “mua sắm ích kỷ” bằng cách gom hàng cũng được tạo ra do tâm lý “sợ bị bỏ lỡ” (FOMO). Theo đó, xung quanh ai cũng mua thì mình cũng phải mua. Tất cả tạo nên một bức tranh hỗn loạn vì trận dịch Covid-19.

Bình luận (0)

Lên đầu trang