Ngôi sao Pakistan bị em trai giết vì phản đối quan niệm cổ hủ

Thứ Hai, 18/07/2016 04:53  | Minh Phương

|

(CAO) Em trai ngôi sao trên mạng xã hội ở Pakistan - Qandeel Baloch đã bị bắt ở Dera Ghazi Khan hôm 17-7 về tội giết chị ruột.

Tờ Dawn đưa tin Waseem Baloch, 25 tuổi, đã thú nhận tội giết người và khai rằng mình đã chuốc thuốc mê cho chị gái rồi bóp cổ cô vì “tội làm mất danh dự dòng họ Baloch.”

Qandeel Baloch, 26 tuổi, bị em trai bóp cổ chết khi về thăm cha mẹ nhân dịp lễ Eid al – Fitr của địa phương. Sống tại thành phố cảng Karachi, miền nam Pakistan, cô bắt đầu nổi tiếng từ năm 2014 khi một video quay cảnh cô đang bĩu môi trước ống kính và hỏi “ Tôi nom thế nào?” gây sốt trên mạng.

Tuy nhiên, tên cô chỉ được nhắc đến ở khắp nơi trên đất nước này từ sau khi cô dám đứng lên bảo vệ những quan điểm tiến bộ và phản đối những quan niệm cổ hủ, lạc hậu tại quốc gia mình. Quan điểm tự do của cô được giới trẻ Pakistan ca ngợi và coi cô là một biểu tượng văn hoá. Nhưng điều đó làm phe bảo thủ ở Pakistan vô cùng bực bội, trong đó có cả em trai cô.

Qandeel Baloch đầu tiên nổi tiếng trên mạng xã hội - Ảnh: BBC

Cô ngày càng khiến những người theo chủ nghĩa bảo thủ khó chịu khi gần đây tung lên những bức hình cô chụp cùng một giáo sĩ Hồi giáo. Dawn dẫn lời một cảnh sát nói việc Qandeel Baloch chụp hình “tự sướng” với giáo sĩ Mufti Qavi là một trong những lý do khiến em trai cô hết chịu nổi.

Tờ báo dẫn lời khai của Waseem Baloch cho biết: “Chị ấy không biết tôi đang giết chuẩn bị giết chị ấy. Tôi cho chị ấy uống một viên thuốc và sau đó tôi siết cổ chị ấy.”

BBC dẫn lời cảnh sát cho biết, sau khi giết chị ở khu vực Multan, Karimabadd sáng 16-7, Waseem Baloch đã trốn tới Dera Ghazi Khan cùng hai người bạn. Hai người này hiện đang bị cảnh sát truy lùng.

Baloch gây ồn ào khi tung hình “tự sướng” cùng một giáo sí Hồi giáo - Ảnh: BBC

Theo Dawn, cảm thấy bị nguy hiểm Qandeel Baloch đã nhiều lần yêu cầu nhà chức trách bảo vệ, nhưng lần nào cũng bị phớt lờ. Cách đây ba tuần cô cũng lặp lại thỉnh cầu tới Bộ trưởng Nội vụ và nhiều quan chức khác.

Hàng trăm phụ nữ ở Pakistan bị giết mỗi năm trong cái gọi là những vụ án mạng vì danh dự.

Bình luận (0)

Lên đầu trang