Nhà khoa học Nhật đạt Nobel Y sinh nhờ nghiên cứu về quá trình tự thực của tế bào

Thứ Hai, 03/10/2016 19:49  | Anh Duy

|

(CAO) Hôm 3-10, Viện Karolinska ở Stockholm (Thụy Điển) đã trao giải Nobel Y học cho nhà khoa học người Nhật Bản Yoshinori Ohsumi nhờ công trình khám phá cơ chế phân tách và tái tạo tế bào, còn gọi là quá trình tự thực. Đây là cơ chế vận hành quan trọng của mỗi tế bào. 

Quá trình tự thực (autophagy) được các nhà khoa học bắt đầu chú tâm vào nghiên cứu từ thập niên 1960 khi được người đoạt giải Nobel Y học 1974 Christian de Duve đưa ra vào năm 1963. Đó là cơ chế tự thân của các tế bào cho phép chúng tái chế các thành phần của mình theo cơ chế bọc các thành phần thải ra trong một lớp màng rồi vận chuyển chúng đến một trung tâm tái chế ở nội bào. 

Sau quá trình tái chế tự thân, một nguồn nhiên liệu và năng lượng mới cũng được sinh ra để cung cấp cho quá trình tạo nên các thành tố mới của tế bào. 

Để nghiên cứu, ông Ohsumi đã sử dụng nấm men bánh mì để xác định các gen đóng vai trò vận hành quá trình tự thực. Ông đã xác định được 15 gen tham gia vào quá trình này. 

Nhà khoa học người Nhật Bản Yoshinori Ohsumi- Ảnh: asianscientist.com

Quá trình tự thực đóng vai trò quan trọng vì việc đột biến trong các cơ chế này có thể gây ra bệnh tật, đặc biệt là các bệnh như ung thư và thần kinh. Thông cáo của hội đồng Nobel ở Viện Karolinska nhấn mạnh: "Các khám phá của Ohsumi đưa đến tư duy mới trong hiểu biết về quá trình tự thực của tế bào cũng như cách chúng thích ứng với cái đói hoặc phản ứng trước hiện tượng viêm nhiễm". 

Với giải thưởng này, ông Ohsumi là nhà khoa học Nhật Bản thứ 23 đạt giải Nobel. Ông sẽ nhận được phần thưởng trị giá 933.000 USD. 

Ông Ohsumi cho biết mình "rất vinh dự" khi đạt được giải thưởng. 

Ohsumi  sinh năm 1945 ở Fukuoka (Nhật Bản). Ông hiện là giáo sư của Viện Công nghệ Tokyo.

Bình luận (0)

Lên đầu trang