(CAO) Hôm 24/12, BBC đưa tin một tàu vũ trụ của Cơ quan Hàng không, vũ trụ Mỹ (NASA) đang cố gắng tạo nên lịch sử với lần tiếp cận ở khoảng cách gần nhất từ trước đến nay đối với Mặt trời.
Con tàu này có tên tàu thăm dò Mặt trời Parker đang lao vào bầu khí quyển bên ngoài Mặt trời, chịu đựng nhiệt độ khắc nghiệt và lượng bức xạ cực độ.
Nó đã mất liên lạc trong nhiều ngày trong chuyến bay ngang qua ngôi sao nóng bỏng này và các nhà khoa học sẽ chờ tín hiệu, dự kiến vào ngày 27/12, để xem liệu nó có sống sót hay không.
Tàu thăm dò này là hy vọng giúp chúng ta hiểu rõ hơn về cách Mặt trời hoạt động.
BBC dẫn lời Tiến sĩ Nicola Fox - Giám đốc khoa học tại NASA nhấn mạnh: "Trong nhiều thế kỷ, con người đã nghiên cứu Mặt trời, nhưng bạn không thể trải nghiệm bầu khí quyển của một nơi cho đến khi bạn thực sự đến thăm nơi đó. Vì vậy, chúng ta không thể thực sự trải nghiệm bầu khí quyển của ngôi sao của mình trừ khi chúng ta bay qua nó".
Tàu thăm dò Mặt trời Parker được phóng vào năm 2018, hướng đến trung tâm Hệ Mặt trời của chúng ta. Nó đã lướt qua Mặt trời 21 lần, với khoảng cách ngày càng gần hơn.
Tàu Parker đi ngang Mặt trời ở khoảng cách gần nhất từ trước đến nay - Ảnh: NASA
Ở lần tiếp cận gần nhất, tàu thăm dò cách bề mặt ngôi sao của chúng ta 3,8 triệu dặm (6,2 triệu km).
Điều này có vẻ không gần lắm, nhưng Nicola Fox của NASA đã đưa ra quan điểm: "Chúng ta cách Mặt trời 93 triệu dặm, vì vậy nếu tôi đặt Mặt trời và Trái đất cách nhau một mét, thì tàu thăm dò Mặt trời Parker cách Mặt trời chỉ còn 4 cm, vì vậy, khoảng cách đó là khá gần".
Tàu thăm dò sẽ phải chịu nhiệt độ 1.400 độ C và bức xạ có thể làm hỏng các thiết bị điện tử trên tàu.
Nó được bảo vệ bởi lớp chắn carbon-composite dày 11,5 cm nhưng chiến thuật của tàu vũ trụ là vào và ra thật nhanh.
Trên thực tế, nó sẽ di chuyển nhanh hơn bất kỳ vật thể nào do con người tạo ra, lao vút với tốc độ 430.000 dặm/giờ - tương đương với việc bay từ London đến New York trong vòng chưa đầy 30 giây.