(CAO) Trong thời điểm hiện tại, vận tốc tàu cao tốc lớn nhất thuộc về Shanghai Maglev, ở Thượng Hải, Trung Quốc, có vận tốc lên tới 431 km/h. Tuy nhiên vào năm 2035, vận tốc của hệ thống tàu tại Trung Quốc sẽ lên tới 600km/h.
Trung Quốc đã công bố các kế hoạch đầy tham vọng nhằm thúc đẩy ngành đường sắt của mình trong 15 năm tới, một đoàn tàu nguyên mẫu gần đây đã được phê duyệt để tiến hành thử nghiệm. Bắc Kinh cũng có kế hoạch xây dựng khoảng 200.000 km đường sắt mới trong vòng 15 năm.
Trung Quốc sẽ hoàn thành dự án
tàu cao tốc 600km/h vào năm 2035
Bản thiết kế do Tập đoàn Đường sắt Nhà nước Trung Quốc cũng được công bố hôm 12-8. Tính đến tháng 7, mạng lưới đường sắt quốc gia có tổng chiều dài là 141.400 km. Theo các chuyên gia, mục tiêu của kế hoạch nhằm giảm thời gian đi lại cho người đi làm và hành khách đi lại giữa các thành phố lớn.
Các chuyến đi trong thành phố dự kiến sẽ kéo dài không quá 1 giờ vào thời hạn cuối năm 2035, trong khi các thủ phủ và cụm thành phố lân cận sẽ kéo dài trong vòng 3 giờ. Trung Quốc muốn có khoảng 70.000 km đường ray có tốc độ 600 km/h (sử dụng công nghệ đệm từ trường) trong 15 năm, tăng gần gấp đôi so với cơ sở hạ tầng hiện có, cũng như tăng tốc độ phục vụ của toàn bộ tàu cao tốc trung bình khi đó lên khoảng 400 km/h.
Một mẫu tàu Maglev từng được phía Trung Quốc công bố
Tuần trước, Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc đã "bật đèn xanh" cho việc thử nghiệm một nguyên mẫu tàu Maglev (có khả năng chạy với vận tốc 600km/h), và có thể được phê duyệt để sản xuất thương mại vào năm sau. Nếu chúng đi vào hoạt động, những đoàn tàu siêu cao tốc này sẽ giúp kết nối các thành phố lớn với nhau như: Bắc Kinh, Thượng Hải, Thành Đô và Trùng Khánh.
Công nghệ mà tàu Maglev sử dụng đã được phát triển trong nhiều thập kỷ, nhưng chỉ có một số dự án thương mại quy mô tương đối nhỏ đi vào hoạt động, do chi phí đầu tư cao. Trung Quốc hiện sở hữu một trong những tuyến Maglev nhanh nhất thế giới, nối Thượng Hải với Sân bay Quốc tế Phố Đông Thượng Hải, được khai trương vào năm 2004 với sự giúp đỡ của Đức.