Trung Quốc xây đập thuỷ điện trên sông Mekong, ngư dân Campuchia điêu đứng

Thứ Hai, 08/01/2018 23:26

|

(CAO) Bài viết được hãng thông tấn AFP ngày 8-1 đăng tải cho thấy thực trạng những ngư dân người Campuchia như Sles Hiet, sống dựa vào nguồn lợi thuỷ sản của sông Mekong đang bị các đập thuỷ điện Trung Quốc xây cùng cách thức ngoại giao kiểm soát của Bắc Kinh làm cho điêu đứng.

Theo AFP, điển hình nhất là Hiet – ngư dân 32 tuổi thuộc cộng đồng người Chăm theo đạo Hồi sống trên những nhà bè dọc con sông này ở tỉnh Kandal – Campuchia. Hiet cho biết lượng thuỷ sản mình bắt mỗi ngày vơi đi nhanh chóng theo từng năm . “Tôi không hiểu vì sao cá ngày càng ít đi như vậy”. Đó là bí ẩn khiến những cộng đồng nghèo này càng nghèo thêm.

Với độ dài 4.800km, Mekong là một trong những con sông cung cấp nguồn lợi thuỷ sản nước ngọt lớn nhất trên Thế giới, có lẽ chỉ thua sông Amazon về tính đa dạng sinh học.

Khoảng 60 triệu người sống dựa vào nguồn lợi từ Mekong.

Tuy nhiên những năm qua, Trung Quốc không ngừng xây những con đập trên dòng sông này và đang đầu tư xây hơn một nửa trong tổng số 11 con đập được lên kế hoạch xây dựng trên Mekong.

Các nhóm vận động môi trường cảnh báo các con đập sẽ đe doạ tập tính sinh hoạt của các loài cá, dòng nước mạnh cuốn trôi những chất dinh dưỡng dành cho thuỷ sản và khiến hàng chục ngàn người sống chung với dòng lũ mỗi khi xả đập.

Ngư dân Campuchia đánh bắt cá tôm trên sông Mekong - Ảnh: AFP

Cộng đồng cư dân ở khu vực hạ lưu Mekong những năm qua đã phản ánh thực trạng nguồn cá tôm giảm dần. Trong khi đó mỗi khi xây đập, các công trình này lại thiếu tính khách quan trong đánh giá môi trường.

AFP dẫn lời một chuyên gia chính trị quốc tế tên Thitinan Pongsudhirak đến từ Đại học Chulalongkron (Thái Lan) nhận định “Các nước khu vực hạ Mekong sẽ không thể đối đầu với sách địa chính trị của Trung Quốc”.

Các nước khu vực hạ Mekong đang nhóm họp cùng nhau để đối phó với hệ thống đập này. Những công trình đem tiền và lợi ích kinh doanh đến một bộ phận nhưng tác động môi trường thì cả cộng đồng một lưu vực sông phải hứng chịu.

Khi được hỏi về tương lai, ngư dân Sles Hiet ở Campuchia cho biết: “Cuộc sống của chúng tôi phụ thuộc vào sông Mekong. Thậm chí dù ít cá hơn chúng tôi vẫn đang cố kiếm vì chúng tôi không có bất kỳ nghề nghiệp nào cũng như không có đất để canh tác”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang