Hơn 29 triệu người nhiễm, gần 1 triệu người chết vì Covid-19

Chủ Nhật, 13/09/2020 21:19

|

(CAO) Thế giới hiện ghi nhận hơn 29 triệu trường hợp nhiễm nCoV, trong đó có 925.963 người chết và gần 21 triệu ca hồi phục.

Mỹ hiện vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới, với ghi nhận hơn 6,6 triệu trường hợp nhiễm nCoV, trong đó có 198.167 người chết, và gần 4 triệu ca hồi phục. Dù số trường hợp nhiễm và tử vong vẫn không có xu hướng suy giảm, tuy nhiên, giới chức y tế cảnh báo, đó có thể chưa phải là "đỉnh dịch".

Lấy mẫu xét nghiệm nCoV cho người vô gia cư tại sở cứu hỏa Los Angeles, Mỹ - Ảnh: RT

Vì trong thời gian sắp tới, nhất là vào mùa thu khả năng lây lan sẽ cao hơn hiện tại. Trong khi mức trung bình của các trường hợp nhiễm mới tại nước này mỗi ngày lên tới hơn 40.000 trường hợp. Bất chấp các số liệu thống kê, Tổng thống Mỹ Donald Trum vẫn cho rằng mọi thứ "đang đi đúng hướng". 

Ấn Độ chấp nhận "mở cửa" trở lại để cứu lấy nền kinh tế

Vùng dịch lớn thứ hai thế giới là Ấn Độ nhưng hiện đang gây lo ngại nhất, với số trường hợp nhiễm mới mỗi ngày lên tới hơn 97.000 trường hợp, cao gấp đôi số ca nhiễm mới ở Mỹ. Điều đáng nói là các chuyên gia y tế tin rằng con số thực sự còn cao hơn rất nhiều so với thống kê.

Một số khu vực ở Ấn Độ thậm chí đã có thể đạt tới tiêu chí miễn dịch cộng đồng khi hầu hết dân cư đều nhiễm bệnh và những người còn sống sót được xem là nhờ đã vượt qua được bệnh. Dù Ấn Độ trước đây được xem là có các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt nhất thế giới. Nhưng trước áp lực đè nặng của kinh tế, nước này cũng phải tiến hành mở cửa gần như hoàn toàn. 

Giới chức tiến hành khử trùng một số khu vực tại Ấn Độ - Ảnh: RT

Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, với tổng số trường hợp nhiễm bệnh lên tới hơn 4,3 triệu trường hợp, trong đó có 131.274 người chết và gần 3,6 triệu ca hồi phục. Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro nhiều lần gây tranh cãi vì tỏ ra xem nhẹ dịch bệnh và phớt lờ các biện pháp giãn cách xã hội.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo tình hình dịch ở Brazil có thể trở nên nghiêm trọng nếu chính quyền địa phương cho phép mở cửa trở lại nền kinh tế quá sớm, trong khi tiếp tục xem nhẹ các biện pháp phòng ngừa.

Trong khi nhóm các nước Mỹ Latinh như: Peru, Colombia và Mexico hiện cũng đang "gồng mình" chống dịch, với tổng số ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ của mỗi nước đều trên 5.000 trường hợp. Mexico có tỷ lệ tử vong cao nhất, với gần 70.000 người chết, tỷ lệ tử vong này, được xem là đang đứng thứ tư trên thế giới.

Khu vực Mỹ Latinh đang phải "gồng minh" chống dịch - Ảnh: AFP

Nam Phi, vùng dịch lớn thứ tám thế giới và là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch tại châu Phi. Dù tình hình dịch đang giảm bớt nhưng các chuyên gia y tế nước này tin rằng "làn sóng thứ hai" vẫn đang tới và có thể còn nguy hiểm hơn. Nước này hiện ghi nhận tổng số trường hợp nhiễm lên tới hơn 646.000 trường hợp, trong đó có 15.378 người chết và gần 575.000 ca hồi phục.

Bình luận (0)

Lên đầu trang