Những vụ lừa đảo tài chính tinh vi theo "mô hình Ponzi":

Kỳ 2: Lừa đảo đa cấp tỷ đô ở đất nước tỷ dân

Thứ Ba, 22/10/2024 08:09

|

(CATP) Từng đau đầu vì vấn nạn bán hàng đa cấp biến tướng dưới nhiều hình thức thông qua các trang web tuyển dụng trực tuyến ở khu vực Đông Bắc Trung Quốc (TQ), nhưng chỉ sau cái chết của sinh viên Lý Văn Tinh ở TP. Thiên Tân, cảnh sát nước này mới phát hiện nhiều đường dây lừa đảo hàng trăm người có liên quan đến các tổ chức tội phạm trên.

Nhà ngoại hối lừa với khẩu hiệu "chỉ nằm và đếm tiền"

Lừa đảo đa cấp tiếp tục trở thành vấn nạn nhức nhối ở đất nước tỷ dân. Theo thống kê, chỉ riêng năm 2016 đã xảy ra hơn 5.000 vụ huy động vốn trái phép, trong đó có trên 100 trường hợp với số tiền trên 100 triệu nhân dân tệ (NDT) .

Trung tuần tháng 7, cảnh sát phát hiện thi thể của sinh viên vừa tốt nghiệp Lý Văn Tinh nổi trên hồ nước dọc tuyến cao tốc ở ngoại ô TP.Thiên Tân. Điều tra cho thấy nam thanh niên này đã tự sát sau khi bị lừa làm lập trình viên thông qua 1 trang web tuyển dụng mà thực chất là tổ chức bán hàng đa cấp.

Tháng 7/2017, khoảng 400.000 người ở Trung Quốc đã trở thành nạn nhân của vụ lừa đảo kinh doanh đa cấp sau khi bị cặp vợ chồng lừa "cuỗm" 30 tỷ nhân dân tệ (gần 4,5 tỷ USD) trước khi chạy trốn sang Malaysia chỉ trong vòng nửa năm. Hồ sơ cho thấy, nấp dưới vỏ bọc kinh doanh ngoại tệ quy mô lớn, 2 trùm lừa đảo là cô vợ Trương Tuyết Kiều (26 tuổi, quốc tịch TQ) và người chồng mang quốc tịch Malaysia. Trương là cổ đông lớn của Công ty đầu tư ngoại hối IGOFX đăng ký kinh doanh tại Vanuatu đồng thời là đại diện duy nhất của IGOFX tại TQ với lời kêu gọi đầu tư "Chỉ nằm và đếm tiền", thu hút được hàng trăm người tham gia với khoản huy động gần 4,5 tỷ USD. Lãi được rót liên tục từ người sau cho kẻ trước, cho đến tháng 6/2017 hành vi lừa đảo của IGOFX mới bị phát hiện khi công ty này ngừng chi trả lãi.

Trước đó 1 năm, vào đầu tháng 3/2016 "siêu tập đoàn" đa cấp lừa đảo 1,5 tỷ USD cũng bị một tòa án tại TQ đưa ra xét xử, tuyên án 24 nghi phạm trong vụ lừa đảo theo mô hình đa cấp kéo dài suốt 10 năm với hơn 230.000 nạn nhân, khoản tiền trục lợi lên tới 1,5 tỷ USD.

Một trong những vụ lừa đảo đa cấp bị phanh phui gây chấn động Trung Quốc xảy ra ở tỉnh Hà Nam. Khoảng 200 đối tượng đã bị bắt giữ (hầu hết là nhân viên Công ty Shanxinhui, trụ sở tại Thâm Quyến) do tình nghi công ty này tổ chức đường dây bán hàng đa cấp lừa đảo khách hàng với hơn 2,2 tỷ NDT (khoảng 346 triệu USD). Thành lập vào năm 2013, Shanxinhui tuyên bố hoạt động từ thiện, cam kết hoàn lại cho nhà đầu tư 10% - 30% lợi nhuận chỉ trong vài tuần. Thông qua chiêu thức mời gọi hấp dẫn, công ty này đã thu hút hàng triệu thành viên. Theo SCMP, đây là mô hình quyên góp quỹ đa cấp kiểu Ponzi.

Đinh Ninh (dấu x) cầm đầu đường dây lừa đảo góp quỹ đa cấp Ezubao Ảnh: THX

Nạn nhân của bẫy lừa đa cấp ở nhiều độ tuổi khác nhau, bao gồm sinh viên chưa ra trường và mới tốt nghiệp, kéo theo nhiều gia đình rơi vào bẫy nợ nần hoặc dẫn đến những cái chết thương tâm. Ở quốc gia đông dân này, rất nhiều người trẻ dễ dàng rơi vào hoàn cảnh như Lý Văn Tinh. Họ cần công việc, thu nhập và trở thành miếng mồi ngon cho các nhóm lừa đảo đa cấp. Thậm chí, nhiều đường dây còn dùng bạo lực để ép buộc nạn nhân tham gia.

Câu nhử thông qua công nghệ mạng

Công nghệ phát triển khiến các đường dây tội phạm nhanh chóng lợi dụng để lừa đảo vì rất khó kiểm soát. Năm 2017, dư luận TQ xôn xao khi Ezubao - trang mạng cho vay tiền P2P lớn nhất nước này (được hiểu là mô hình cung cấp thông tin kết nối người vay tiền và người cho vay phù hợp) vào thời điểm trên do Đinh Ninh (34 tuổi) phụ trách bị đưa vào vòng điều tra. Chỉ trong vòng 18 tháng, Ezubao trục lợi khoảng 50 tỷ NDT (tương đương 7,4 tỷ USD) của gần 1 triệu người bằng cách huy động trực tuyến để cho vay các doanh nghiệp và dự án "ma", trong khi họ Đinh chẳng có chút vốn lận lưng về tài chính.

Thành lập trang mạng dịch vụ tài chính Ezubao trước đó 3 năm, họ Đinh từng cam kết các nhà đầu tư sẽ nhận được mức lãi suất 9% - 14,6%/năm chỉ thông qua các buổi diễn thuyết mời chào góp vốn và đã chi gần 22 triệu USD cho chiến dịch quảng cáo trên hầu hết các kênh truyền hình TQ. Hành vi lừa đảo của Ezubao bị giám sát vào tháng 12/2015, các lãnh đạo của Ezubao thậm chí còn lập mưu gom toàn bộ 1.200 sổ kế toán bỏ vào 80 túi nhựa đem chôn ở ngoại ô TP. An Huy. Cảnh sát đã mất hơn 20 tiếng đồng hồ và đào sâu hơn 6m mới thu thập được chứng cứ. Đinh Ninh đã bị kết án tù chung thân.

Một tòa án ở TP.Thiên Tân (TQ) đầu tháng 01/2020 đã tuyên án 9 năm tù đối với người sáng lập kiêm Chủ tịch Tập đoàn dược Quyền Kiện - Thúc Ngọc Huy (51 tuổi) về hành vi kinh doanh đa cấp, thu về hàng tỉ NDT. Bị cáo này còn phải đóng phạt 50 triệu NDT và tập đoàn nộp phạt 100 triệu NDT. Họ Thúc bị bắt sau cái chết của bé gái 4 tuổi điều trị ung thư bằng sản phẩm được quảng cáo sai sự thật của tập đoàn. Vụ việc gây phẫn nộ trong cộng đồng mạng, buộc chính quyền địa phương phải vào cuộc điều tra.

Nếu năm 2016, Cảnh sát TQ điều tra 2.800 vụ án có liên quan đến lừa đảo đa cấp, tăng 20% so với năm trước thì sang năm 2017, số tiền lừa đảo của các đường dây đa cấp mà cảnh sát nước này triệt phá lên tới gần 10 tỷ USD, làm đảo lộn trật tự kinh tế và gây bất ổn xã hội. Nguyên nhân, theo các chuyên gia kinh tế TQ, do luật tài chính lỏng lẻo ở quốc gia này đã dẫn đến tình trạng các chương trình đầu tư phi pháp nhanh chóng lan rộng. Bộ Công an TQ khuyến cáo, những chiêu trò "thương mại điện tử", "WeChat marketing"... chính là bẫy lừa mà các đối tượng lừa đảo giăng ra để dụ dỗ những người nhẹ dạ sa chân vào hoạt động bán hàng đa cấp.

Kỳ 1: Cú lừa đa cấp dẫn đến nội chiến
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang