(CAO) Hôm 5-3, New York Times đưa tin giới khoa học tiếp tục chấn động khi ghi nhận trường hợp thứ 2 trên thế giới được chữa dứt sự hiện diện của virus HIV, tác nhân gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS).
Các nhà khoa học đã đi một bước dài khi 12 năm trước, một trường hợp được gọi với cái tên “bệnh nhân Berlin” đã được chữa dứt sự hiện diện của HIV trong cơ thể. Tuy nhiên từ đó đến nay, thế giới chưa ghi nhận được trường hợp nào tương tự vì HIV là chủng virus “khôn lanh”, có cơ chế “trốn” các tác động của những liệu pháp chữa trị ở cấp độ tế bào.
Tuy nhiên báo cáo mới đây đăng trên tạp chí khoa học Nature đã ghi nhận trường hợp chữa lành ở một cơ sở chữa trị tại thành phố Seattle (Mỹ). Người ta gọi đây là “bệnh nhân London”.
Các nhà nghiên cứu đi theo hướng ghép tuỷ xương để tạo tế bào máu mới. Tuy nhiên liệu pháp này rất rủi ro so với dùng thuốc kháng virus hiện nay, có thể kiểm soát được lượng HIV trong máu. Trong khi ghép tuỷ có thể khiến bệnh nhân đối mặt với các biến chứng hậu phẫu trong suốt quãng đời còn lại.
Trong trường hợp đầu tiên, bệnh nhân Berlin có tên Timothy Ray Brown đã dùng thuốc kháng virus nhưng sự hiện diện của HIV tiếp tục tăng lên khi ông ngưng dùng thuốc.
Sau đó bệnh nhân này mắc bệnh bạch cầu (máu trắng – một thể ung thư) buộc phải tiến hành ghép tuỷ. Người cho tuỷ lại có một loại protein biến thể có tên CCR5 hiện diện trên bề mặt một số tế bào miễn dịch. HIV dùng loại protein này để bám vào các tế bào miễn dịch và tấn công chúng, nhưng ở người có CCR5 đột biến, HIV không bám vào được.
Virus HIV (màu xanh lá) tấn công một tế bào bạch cầu - Ảnh: NIBSC/Science Source
Dù được chữa khỏi HIV nhưng ông Brown phải dùng các loại thuốc ức chế miễn dịch để chống thải ghép sau hậu phẫu. Ông phải chịu nhiều biến chứng nặng nề, có khi hôn mê và suýt chết trong quá trình điều trị.
Vì các biến chứng trên nên bác sĩ trước nay hầu như không dùng phương pháp ghép tuỷ có chứa đột biến CCR5 để chữa trị HIV.
Nay bệnh nhân ở London phải trả lời một câu hỏi: Một trải nghiệm cận tử không phải là yêu cầu tiên quyết cho quá trình chữa trị, thì phương pháp này mới được áp dụng rộng rãi.
Bệnh nhân London mắc chứng ung thư hạch Hodgkin, chứng ung thư hệ bạch huyết phải ghép tuỷ để chữa trị. Người cho lại có biến thể CCR5.
Ca ghép được tiến hành vào tháng 5-2016. Cũng như ông Brown, bệnh nhân này phải dùng các loại thuốc ức chế miễn dịch nhưng dường như người này ít gặp biến chứng hơn, nằm trong chuẩn cho phép về tác dụng phụ sau khi ghép của các bệnh nhân.
Đến tháng 9-2017, người này ngưng dùng thuốc kháng virus HIV và đến nay, hơn 1 năm ngưng dùng vẫn chưa phát hiện sự hiện diện trở lại của HIV trong cơ thể.
Timothy Ray Brown, người đầu tiên được chữa dứt HIV. Ông suýt chết trong quá trình chữa trị - Ảnh: NYT
Điểm khác biệt ở đây là trước nay mọi người thành kiến rằng muốn chữa dứt HIV bằng ghép tuỷ có biến thể CCR5 thì phải “chết đi sống lại” do các biến chứng hậu phẫu, nhưng nay kết quả từ bệnh nhân London cho thấy điều này có thể sẽ không xảy ra.
Đây là một bước tiến khoa học trong quá trình điều trị HIV, mở ra hy vọng áp dụng được phương cách điều trị, chấm dứt đại dịch AIDS trên toàn cầu.