(CAO) Cuối cùng vào sáng nay 13-12 (giờ VN), 195 quốc gia đã đạt được đồng thuận về thỏa thuận chống biến đổi khí hậu ở Hội nghị thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21).
Theo đó, các quốc gia nhất trí sẽ thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ để giữ nhiệt độ toàn cầu tăng dưới mức 2 độ C. Để đạt được sự đồng thuận này là gần hai tuần ròng rã đàm phán giữa phái đoàn các nước tại Paris từ ngày 30-11.
Tất cả các nước đều đồng thuận cắt giảm khí thải carbon. Các quốc gia phát triển và cả Trung Quốc, Ấn Độ đều ủng hộ thỏa thuận này.
Tổng thống Mỹ Obama hoan nghênh thỏa thuận: “ Cùng nhau chúng ta đã cho thấy những điều thế giới có thể làm được khi đứng chung một hướng” và nhấn mạnh: “thỏa thuận tuy không hoàn hảo nhưng đã là một sự thay đổi tốt nhất để cứu một hành tinh mà chúng ta có”.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-Moon và tổng thống Pháp Hollande vui mừng khi đạt được thỏa thuận. - Ảnh: Reuters
Các điểm chính của thảo thuận:
Giữ nhiệt độ toàn cầu tăng ở dưới mức 2 độ C và theo đuổi nỗ lực giới hạn ở mức 1.5 độ C.
Cứ mỗi 5 năm xem xét lại các tiến bộ một lần.
Tài trợ 100 tỷ/ năm về các vấn đề biến đối khí hậu cho các nước phát triển từ nay tới năm 2020, đi kèm với các cam kết thêm tài chính trong tương lai.
Tuy nhiên bên cạnh những lạc quan về thỏa thuận này vẫn còn nhiều ý kiến hoài nghi. BBC dẫn lời Helen Szoke- Giám đốc điều hành của tổ chức Oxfam (Anh) nhận định: “thỏa thuận khí hậu tại COP 21 chỉ đạt được một lời hứa mơ hồ về mục tiêu tài chính trong tương lai cho lĩnh vực biến đổi khí hậu trong khi đó thỏa thuận này lại không buộc các quốc gia phải cắt giảm khí thải đủ nhanh để ngăn chặn một thảm họa về biến đổi khí hậu”.