Nghiên cứu mới nhất: Coronavirus tàn phá “lục phủ ngũ tạng” của bệnh nhân

Thứ Bảy, 11/07/2020 19:50  | Anh Duy

|

​(CAO) Hôm 11-7, CNN dẫn một nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học cho thấy coronavirus chủng mới (nCoV) không chỉ tấn công phổi của bệnh nhân mà còn gây “tổn thất” cho hàng loạt cơ quan khác của cơ thể từ thận, gan, tim, não, hệ thần kinh, da, cho đến hệ tiêu hoá. 

Báo cáo ghi nhận này được đội ngũ đến từ trung tâm y khoa Irving trực thuộc Đại học Columbia, thành phố New York, Mỹ báo cáo. Trung tâm này là nơi đã tiếp nhận “làn sóng” bệng nhân Covid-19 đổ về vào mùa xuân năm nay để điều trị trong bối cảnh New York khi đó là thành phố tâm dịch của nước Mỹ. Bao cáo này còn tổng hợp ghi nhận từ các nhóm chuyên viên y khoa khác từ khắp nơi trên Thế giới.

Bức tranh toàn diện được nhóm nghiên cứu tổng hợp lại cho thấy coronavirus chủng mới (nCoV) tấn công hầu như mọi hệ thống chính trong cơ thể của bệnh nhân, trực tiếp tấn công các cơ quan và khiến máu vón cục, khiến tim không còn đập khoẻ, thận rỉ máu, da nứt nẻ, gây đau đầu, chóng mặt, đau cơ, đau dạ dày và hàng loạt triệu chứng khác bên cạnh các triệu chứng về hô hấp như ho, kèm theo sốt toàn thân.

Bác sĩ Aakriti Gupta – một chuyên gia tim mạch đến từ trường Đại học Columbia cảnh báo: “Những nhà trị liệu cầm xem Covid-19 là căn bệnh tấn công vào đa hệ thống của cơ thể. Có rất nhiều thông tin cho thấy căn bệnh gây ra tình trạng máu vón cục, ngoài ra còn một tỷ lệ đáng kể các bệnh nhân bị tổn thương thận, tim và não. Các bác sĩ vì vậy cần điều trị những tổn thương ở các cơ quan đó bên cạnh việc điều trị các triệu chứng về hô hấp.

Một bệnh nhân Covid-19 điều trị trong phòng hồi sức tích cực (ICU) ở  bệnh viện dã chiến tại Guarulhos, bang Sao Paulo, Brazil - Ảnh: Reuters

Nhóm nghiên cứu nhận định: Phần lớn tổn thất do virus gây ra dường như là do mối quan hệ của nó với một thụ thể được gọi là ACE2. Các tế bào lót (tế bào niêm mạc) của các mạch máu, thận, ống gan, tuyến tụy, đường ruột và niêm mạc đường hô hấp đều được bao phủ bởi các thụ thể ACE2, được virus dùng để gắn vào nhằm lây nhiễm cho các tế bào. "Những phát hiện này cho thấy tổn thương đa cơ quan có thể xảy ra ít nhất một phần do tổn thương mô do virus trực tiếp gây ra.

Ngoài ra, nhiễm coronavirus cũng kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể. Một phần của phản ứng đó bao gồm việc hệ miễn dịch sản xuất các protein gây viêm được gọi là cytokine. Tình trạng viêm này có thể làm hỏng các tế bào và các cơ quan, hiện tượng được gọi là “cơn bão cytokine”. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra các triệu chứng nghiêm trọng với bản chất là do cơ địa của một số người có phản ứng miễn dịch quá mức trước virus.

Ngoài ra nCoV khi gây ra biến chứng viêm phổi sẽ khiến lượng oxi trong máu thấp dẫn đến hiện tượng máu vón cục trong các ống mạch. Những cục máu đông này có thể gây ra đột quỵ và đau tim hoặc có thể gây tắc nghẽn các mạch máu ở phổi hoặc chân.

Các nhân viên y tế kiểm tra bệnh tình của một bệnh nhân Covid-19 bên trong phòng ICU thuộc bệnh viện Các bệnh truyền nhiễm và bệnh nhiệt đới ở Belgrade, Serbia -  Ảnh: Reuters

Trong khi đó, tổn thương tuyến tụy gây ra bởi virus có thể diễn biến nặng hơn nếu bệnh nhân có bệnh nền là tiểu đường. Bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường được chứng minh là có nguy cơ diễn biến bệnh nặng hơn và tỷ lệ tử vong cao hơn những trường hợp khác.

Virus tác động còn gây ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, làm suy giảm số lượng các tế bào T mà cơ thể thường dùng để chống lại virus. "Giảm bạch huyết, một dấu hiệu của khả năng miễn dịch tế bào bị suy yếu, là hiện tượng được báo cáo ở 67-90% bệnh nhân mắc COVID-19” - nhóm nghiên cứu cho biết.

Các bác sĩ cần điều trị tất cả những triệu chứng này một khi bệnh nhân nhập viện – báo cáo kết luận.

Chùm ảnh giữa lằn ranh sinh tử trong phòng ICU ở Ý
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang