Nguyên do khiến dân Anh "dứt áo" rời EU

Thứ Bảy, 25/06/2016 08:08  | Anh Duy

|

(CAO) Bảng Anh rớt giá, chứng khoán lao dốc từ Á sang Âu – thế giới đã lâm cơn sốc nặng khi dân Anh quyết định rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU).

Đầu giờ chiều 24-6 (giờ VN), thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố ông sẽ từ chức trong vài tháng tới, một động thái cộng hưởng vào “cơn sóng” sửng sốt lan ra toàn cầu.

Vì sao Anh đòi chia tay EU – một mô hình liên minh được đánh giá thành công và thịnh vượng nhất Thế giới kể từ sau Thế chiến thứ hai? Câu trả lời đến từ nội tại đời sống chính trị của Anh, từ khủng hoảng di cư và hệ lụy từ khủng hoảng nợ công của Hy Lạp.

Thuật ngữ Brexit (ghép từ hai từ Britain và Exit) bắt đầu trở thành một phong trào lớn mạnh dần từ năm 2012. Khi dòng người di cư tràn qua châu Âu, EU thể hiện một vai trò mờ nhạt khi không điều phối kiềm chế hiện trạng này. Trong bối cảnh đó, đảng độc lập Anh (UKIP) nổi lên thành một thế lực chính trị mới khi theo khuynh hướng cực hữu chống làn sóng người nhập cư và muốn Anh rời khỏi EU lập tức.

UKIP dần lớn mạnh qua những kỳ bầu cử khi tháng 1-2013 giành được ¼ số phiếu bầu cấp địa phương. Năm 2015 họ cũng giành được một lượng lớn phiếu. Nước Anh chìm dần trong làn sóng cựu hữu nổi dậy nhấn chìm cả châu Âu. Nhìn sang Pháp, quốc gia bên kia eo biển Manche cũng đang vật vã trước sự trỗi dậy của Đảng Mặt trận quốc gia (FN) với chủ trương bài ngoại chống người nhập cư.

Tranh biếm họa việc Anh cố tìm cách "nhảy dù" thoát khỏi EU 

Trước áp lực của UKIP và các phong trào cực hữu, thủ tướng Anh Cameron đã phải cam kết mở cuộc trưng cầu dân ý Brexit để người Anh quyết định ra đi hay ở lại EU.

Dòng người nhập cư tạo ra nỗi nghi ngại lớn nhất cho cử tri Anh và cũng là nguyên nhân chính yếu gây ra cuộc chia ly hôm nay. Có 3 nguyên do:

1/ Dân Anh lo ngại làn sóng nhập cư làm xáo trộn không gian văn hóa của họ, khi họ phải tiếp nhận những cộng đồng mới đem đến trào lưu văn hóa mới. Xen kẽ trong đó là nỗi lo về việc lan truyền chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan theo dòng người di cư tràn qua gây bất ổn an ninh trong đời sống thường nhật.

2/ Tỷ lệ người thất nghiệp tăng cao khiến cử tri lo ngại người di cư sẽ chiếm chỗ việc làm của người bản xứ.

3/ Lo ngại ngân sách đóng góp chung cho EU sẽ tăng trong thời gian tới để chi trả cho chi phí tiếp nhận dòng người di cư, cứu trợ khủng hoảng tài chính ở Hy Lạp... Đơn giản, người dân ủng hộ Brexit không muốn London phải gồng gánh thêm gánh nặng chi ngân sách trong thời buổi kinh tế khó khăn.

Cũng cần phải kể đến chủ nghĩa dân tộc cực đoan len lỏi vào đất nước này. Cuộc trưng cầu Brexit trước đó đã bị gián đoạn vài ngày sau khi nữ nghị sĩ Jo Cox của Công đảng bị một kẻ theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan bắn chết ở thành phố Leeds hôm 16-6, một tuần trước thềm Brexit.

Kẻ tấn công Thomas Mair hô to “nước Anh là trên hết” khi lên án việc bà Cox vận động nước Anh ở lại Liên minh châu Âu (EU) trước khi bắn bà. Không chỉ riêng Mair mà nhiều kẻ cực đoan khác trước nay vẫn “gai mắt” việc Anh là thành viên EU. Họ không chấp nhận một xã hội đa văn hóa mà chỉ thích nghi với một xã hội đơn nhất, xem dân tộc mình là độc tôn, hoàn hảo. Một tư tưởng mang hơi hướm phát xít. Dù hiện trạng này chỉ tồn tại ở một bộ phận dân chúng.

Việc rời khỏi EU cũng bắt nguồn từ ngay chính trong đảng Bảo thủ cầm quyền khi những đảng viên cánh hữu của đảng này gia tăng nhanh chóng trong thời gian qua.Hai nhân vật điển hình ủng hộ Brexit của đảng Bảo thủ là cựu thị trưởng London Boris Johnson và Bộ trưởng tư pháp Michael Gove.

Họ không chấp nhận chung chạ với EU, phải đóng góp ngân sách cho EU, chịu các mệnh lệnh từ EU. Với các nghị sĩ được xem là thứ yếu trong đảng này, họ coi đó là “sự thống trị của Brussels" và đã đồng loạt tạo phe gây sức ép lên Cameron khiến ông phải cam kết mở cuộc trưng cầu Brexit.

Như vậy, gọng kìm 3 chân: đảng cực hữu như UKIP, đảng viên phe cánh hữu của đảng Bảo thủ và từ chính một bộ phận người dân Anh đã đưa đến cuộc chia ly đau khổ hôm nay

Điểm chung của 3 luồng áp lực này tựu chung về 1 điểm: nỗi nghi ngại EU đang dần chiếm mất, tước đoạt những đặc quyền đặc lợi của nước Anh.

Bộ trưởng Tư pháp Anh Michael Gove nhận định các quy định phiền hà của EU khiến Anh thiệt hại kinh tế 880 triệu USD mỗi tuần.

Theo trang Vox, các chính sách chung của EU như chính sách bản quyền và cấp bằng sáng chế, cạnh tranh hay nông nghiệp… của EU đã dần lấn át các quy định luật pháp của Anh. Điều này chính là mắc míu lớn nhất khi cử tri Anh cho rằng họ dần mất đi tính tự quyết và bản sắc của mình khi bị “Brussels cai trị”.

Đôi khi những quy định của EU phiền hà đến độ nó quy định tiểu tiết đến cả việc trẻ em không được thổi bong bóng dưới 8 tuổi hay quy định không được tái chế túi lọc trà theo chuẩn chung của EU. Những điều khoản quy định này thu hẹp không gian chính trị của Anh, can thiệp sâu vào quy định pháp luật của Anh khiến nhiều cử tri và cả các chính trị gia bất mãn, đồng thời cũng gây thiệt hại lớn cho kinh tế Anh.

Tiếp đó là làn sóng người nhập cư từ các nước thành viên EU khác trong thời buổi kinh tế khó khăn đã tràn sang Anh tìm cơ hội làm việc, đe dọa trực tiếp đến công ăn việc làm của người bản địa. Thêm “cú bồi” làn sóng người di cư tràn sang từ các nước Bắc Phi và Trung Đông do chiến sự đã khiến cử tri Anh ngán ngẩm khi không gian sống của họ bị xáo trộn.

Suy nghĩ này đã lên đến đỉnh điểm tiêu cực khi kẻ tấn công Thomas Mair hô to “nước Anh là trên hết” khi lên án việc bà Cox vận động nước Anh ở lại Liên minh châu Âu (EU) trước khi bắn bà.

Cuối cùng là ngân sách đóng góp của Anh cho EU lên đến 19 tỉ USD/ năm khiến nhiều cử tri ngán ngẩm. Họ muốn tách khỏi EU để giữ lại khoản ngân sách này.

Tất cả các nguyên nhân trên đã tạo nên một cuộc chia ly đầy đau khổ. Một ngày buồn cho Anh và cho cả châu Âu.

Bình luận (0)

Lên đầu trang