(CAO) Trong động thái nhằm gửi thông điệp phản đối mạnh mẽ đến Bắc Kinh, hôm 23-6 tổng thống Indonesia Joko "Jokowi" Widodo đã đích thân đến kiểm tra tàu cá Trung Quốc bị hải quân Indonesia bắt ở quần đảo Natuna do đánh bắt trái phép trong vùng biển thuộc chủ quyền nước này.
Tờ Straits Times (Singapore) và Jakarta Post (Indonesia) đã đưa tin đậm nét sự kiện này.
Chiếc tàu cá của Trung Quốc có tên Yueyandong Yu 19038, đã bị hải quân Indonesia chặn lại và bắt giữ vào ngày 17-6 khi đang đánh bắt trái phép trên vùng biển gần quần đảo Natuna nằm trên Biển Đông. Thủy thủ đoàn gồm 7 người trên tàu này cũng bị bắt để điều tra. Hiện tàu Yueyandong Yu 19038 đang được neo tại căn cứ hải quân Ranai, thủ phủ của quần đảo Natuna thuộc tỉnh Riau, là nơi ông Widodo đến thăm hôm nay.
Tháp tùng trong phái đoàn của tổng thống còn có Bộ trưởng an ninh và Bộ trưởng ngoại giao Indonesia.
Tàu chiến KRI Imam Bonjol 383 của Hải quân Indonesia kiểm tra tàu đánh cá Trung Quốc Yueyandong Yu 19038 bị bắt giữ trong vùng biển Natuna ngày 17-6-2016. Ảnh: Antara
Tờ Jakarta Post dẫn lời Bộ trưởng an ninh Indonesia Luhut Pandjaitan nhận định: “Trong lịch sử của Indonesia, chúng tôi chưa từng thấy có động thái nghiêm khắc nào như vậy đối với Trung Quốc. Điều này cho thấy tổng thống không hề xem nhẹ vấn đề này”.
Hồi tháng 11-2015, Indonesia cũng từng nổi đóa với Trung Quốc khi yêu sách “đường chín đoạn” đòi chủ quyền phi pháp trên Biển Đông của Bắc Kinh đã gom cả quần đảo Natuna trên Biển Đông của Indonesia vào chủ quyền của Trung Quốc.
Khi đó, tờ Jakarta Post dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia Armanatha Nasir nhấn mạnh nước này “không công nhận đường 9 đoạn” vì nó không dựa trên bất cứ cơ sở pháp lý nào.
Ông Nasir phát đi đòi hỏi của Indonesia đối với Trung Quốc: “Chúng tôi yêu cầu Trung Quốc đề cập rõ ràng đến điều họ muốn và ý định khi vạch ra đường 9 đoạn. Đường 9 đoạn là yêu sách chưa rõ ràng”.
Còn Bộ trưởng An ninh Indonesia Luhut Panjaitan khi đó cũng khẳng định nếu không thể giải quyết được tranh chấp với Trung Quốc xung quanh vấn đề chủ quyền ở đảo Natuna trên Biển Đông, Jakarta sẽ kiện Bắc Kinh ra Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC).
Vị trí quần đảo Natuna trên Biển Đông của Indonesia - Ảnh: đồ họa của tờ Straits Times
Trước phản ứng quyết liệt của Indonesia, mấy ngày sau Trung Quốc đã tuyên bố họ không tranh chấp chủ quyền quần đảo Natuna với Jakarta.
Tuy nhiên bước sang năm 2016, đội tàu cá Trung Quốc lại bắt đầu tăng cường hoạt động ở vùng biển ngư trường ngoài khơi quần đảo này, nằm trong vùng biển chủ quyền của Indonesia.
Tính đến vụ tàu Yueyandong Yu 19038 của Trung Quốc bị giới chức Indonesia bắt giữ hôm 17-6 thì đã 3 lần tàu Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Indonesia kể từ tháng 3-2016.
“Tức nước vỡ bờ”, chính quyền Indonesia đã dồn tất cả bực tức vào chuyến thăm lần này của tổng thống Widodo đích thân kiểm tra tàu cá Trung Quốc bị bắt. Một thông điệp gửi đi đã quá rõ ràng cho chính quyền Bắc Kinh.
Tàu tuần duyên 3303 của Trung Quốc lởn vởn trước mũi tàu chiến Imam Bonjol 383 của hải quân Indonesia - ở vùng biển gần quần đảo Natuna Ảnh: Antara