Phó đô đốc Anup Singh:

Trung Quốc có thể dùng đảo nhân tạo làm căn cứ quân sự

Thứ Bảy, 25/07/2015 15:36  | Anh Duy

|

(CAO) Đó là lo ngại của Phó đô đốc Anup Singh- Nguyên Tổng tư lệnh lực lượng Hải quân miền Đông Ấn Độ khi trả lời phóng viên bên lề Hội thảo quốc tế về biển Đông tổ chức hôm nay 25-7 tại dinh Thống Nhất (Q.1-TP.HCM)

Đề cập đến những động thái gần đây của Bắc Kinh trên Biển Đông, nổi bật với việc Trung Quốc cho bồi lấp, tôn tạo các bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa –Việt Nam thành đảo nhân tạo, ông Anup Singh nhấn mạnh: Hiện nay, chúng ta thấy Trung Quốc sử dụng các đội tàu hải giám để tuần tiễu quanh các vùng họ tuyên bố chủ quyền phi pháp trên biển Đông. Tuy nhiên, nếu có biến động Bắc Kinh có thể nhanh chóng sử dụng các khu đảo nhân tạo này làm căn cứ quân sự, tàu hải giám có thể được thay bằng tàu quân sự”.

Trung Quốc bằng nhiều phương cách khác nhau: từ việc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa và một số đảo, bãi đá ở quần đảo Trường Sa- Việt Nam, đến việc nước này cố tình diễn giải sai các điều khoản trong công ước Luật biển Liên Hiệp Quốc ( UNCLOS) để đòi chủ quyền lãnh hải quanh các đảo nhân tạo phi pháp vừa xây, cho thấy chính sách “tằm ăn dâu” của nước này, dần dần chiếm trọn Biển Đông.

Phó đô đốc Anup Singh- Nguyên Tổng tư lệnh lực lượng Hải quân miền Đông Ấn Độ trả lời phỏng vấn - Ảnh: Anh Duy

Đề cập đến những động thái hung hăng này của Bắc Kinh, ông Anup Singh nhấn mạnh: “ đối với tôi, Biển Đông là tuyến hàng hải quan trọng nhất Thế giới. Với tình hình hiện nay, tôi nghĩ những cường quốc có lợi ích tại biển Đông như Mỹ cũng cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn để chống lại những đòi hỏi của Trung Quốc. Dĩ nhiên, phương cách tối ưu vẫn là hướng Trung Quốc giải quyết vấn đề biển Đông bằng luật pháp quốc tế”.

Đồng quan điểm trên, Giáo sư Erik Franckx-Trọng tài viên của Tòa Trọng tài thường trực La Haye (Hà Lan) khẳng định luật pháp quốc tế, đặc biệt là công ước Luật biển Liên Hiệp Quốc (UNCLOS) chính là chìa khóa giải quyết các tranh chấp.

Khi được hỏi khả năng Việt Nam có “nối gót” Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa án Trọng tài thường trực của Liên Hiệp Quốc (PCA) về vấn đề biển Đông hay không, ông Erik Franckx cho biết: “ đây cũng là một khả năng Việt Nam cần tiếp cận, tùy vào quyết định của chính phủ các bạn khi thấy cần thiết. Tuy PCA không có quyền buộc Trung Quốc thi hành phán quyết, nhưng phán quyết của PCA có sức nặng- đó là luật pháp quốc tế. Nếu Trung Quốc không thi hành (trong trường hợp Việt Nam thắng kiện), mọi hành động sau này của họ tại đây coi như vi phạm luật pháp quốc tế. Đó sẽ là áp lực rất lớn cho Bắc Kinh”.

Giáo sư Erik Franckx-Trọng tài viên của Tòa Trọng tài thường trực La Haye (Hà Lan) trả lời phỏng vấn - Ảnh: Anh Duy

Trong buổi hội thảo, Tiến sĩ Alena I. Ponkina thuộc Học viện Luật Quốc gia Kutafin- Matxcơva nhấn mạnh mọi hoạt động xây đảo nhân tạo phải tuân thủ các điều khoản quy định trong UNCLOS. Đảo nhân tạo không được cản trở tự do hàng hải, tự do đi lại ( kể cả bằng đường hàng không) và hoạt động đánh bắt thủy sản.

Trong Hội thảo quốc tế “Xây dựng công trình nhân tạo trên Biển Đông và tác động đối với hòa bình, an ninh, kinh tế và thương mại khu vực” do ĐH Luật TP.HCM và Hội Luật gia Việt Nam phối hợp tổ chức tại TP.HCM hôm nay (25-7), các vị học giả đã đem đến nhiều bài tham luận có giá trị vạch rõ mưu đồ của Trung Quốc trên biển Đông.

Tiến sĩ Ngô Hữu Phước- Trưởng Bộ môn Luật Quốc tế ( trường ĐH Luật TP.HCM) khẳng định yêu sách của Bắc Kinh bồi lấp các bãi đá, đảo cưỡng chiếm trái phép từ Việt Nam trên biển Đông thành đảo nhân tạo là vô giá trị về mặt pháp lí.

Ông Phước cho biết vì các đảo nhân tạo không được hưởng quy chế của các đảo tự nhiên, tức không được quốc tế công nhận về lãnh hải nên việc Trung Quốc cố biến các bãi đá ngầm thành đảo để hưởng đặc quyền 12 hải lý xung quanh như các đảo là không thể.

Các học giả cũng nhấn mạnh UNCLOS quy định các nước chỉ có thể xác lập vùng an toàn xung quanh các đảo nhân tạo trong phạm vi 500 mét nên yêu sách xây đảo tạo vùng lãnh hải của Bắc Kinh trên biển Đông là vi phạm nghiêm trọng UNCLOS mà nước này là bên kí kết.

Hơn 20 học giả, chuyên gia về luật quốc tế đến từ nhiều nước như Bỉ, Philippines, Ấn Độ, Indonesia cũng nhất trí khẳng định động thái xây dựng các công trình nhân tạo trên biển Đông của Trung Quốc đã gây ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh, kinh tế, thương mại trong khu vực.

Khả năng Trung Quốc thiết lập Vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Đông cũng được đề cập. Nếu việc này xảy ra sẽ là kịch bản tồi tệ nhất thể hiện việc Bắc Kinh coi thường tận cùng luật quốc tế.

Quang cảnh buổi Hội thảo Biển Đông diễn ra hôm nay - Ảnh: Anh Duy

Giáo sư Erik Franckx nhấn mạnh, không chỉ Việt Nam, Philippines mà các nước khác như Malaysia, Brunei có vùng lãnh hải, đặc quyền kinh tế nằm trong đường 9 đoạn (lưỡi bò) của Trung Quốc cần đồng loạt nộp đơn phản đối lên Liên Hiệp Quốc để gây áp lực lên Bắc Kinh.

Các học giả nhấn mạnh: giải quyết tranh chấp trên biển Đông bằng luật pháp quốc tế theo hướng đa phương hóa là cách giải quyết hữu hiệu nhất trong bối cảnh hiện nay.

Bình luận (0)

Lên đầu trang