(CAO) Liên tiếp các vụ tấn công nhằm vào đội ngũ y bác sĩ Trung Quốc trong thời gian gần đây đã gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng bạo lực tại các bệnh viện.
Mặc dù các ban ngành chính phủ Trung Quốc đã đưa nhiều chính sách và tiến hành nhiều cuộc vận động để hạn chế tình trạng này nhưng bạo lực bệnh viễn vẫn là vấn đề nan giải và gây đau đầu cho ngành y tế Trung Quốc.
Liên tiếp các vụ tấn công nhằm vào đội ngũ y bác sĩ Trung Quốc trong thời gian gần đây đã gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng bạo lực tại các bệnh viện. Mặc dù các ban ngành chính phủ Trung Quốc đã đưa nhiều chính sách và tiến hành nhiều cuộc vận động để hạn chế tình trạng này nhưng bạo lực bệnh viễn vẫn là vấn đề nan giải và gây đau đầu cho ngành y tế Trung Quốc.
Công an tuần tra bên ngoài Bệnh viện tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) trong nỗ lực ngăn ngừa các vụ tấn công nhắm vào y bác sĩ. - Ảnh: Tân Hoa Xã
Tân Hoa Xã đưa tin chỉ trong tháng 6-2015, có 12 vụ tấn công bạo lực nhằm vào y bác sĩ ở các bệnh viện trên cả nước. Trong vụ việc mới nhất ngày 20-7, một nữ y tá của Bệnh viện trung tâm quận Việt Tú ở thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông bị bệnh nhân họ Trương (29 tuổi) ghí dao và cầm giữ làm con tin. Công an đã đến thuyết phục trong hai tiếng đồng hồ, Trương mới đồng ý thả cô y tá. Trương đã bị bắt ngay sau đó. Công an đang làm rõ động cơ của Trương.
Trước đó một ngày, 600.000 bác sĩ Trung Quốc đã ký tên vào một bản kiến nghị trực tuyến kêu gọi chấm dứt các vụ hành hung nhằm vào các nhân viên y tế.
Động thái trên của các bác sĩ Trung Quốc như giọt nước tràn ly khi thông tin về các vụ tấn công y bác sĩ xuất hiện dày đặc, đặc biệt là thông tin về vụ bệnh nhân họ Liệu hành hung nữ bác sĩ Âu Lập Chí tại Bệnh viện nhân dân huyện Long Môn, thành phố Huệ Châu, tỉnh Quảng Đông vào ngày 15-7
Theo điều tra của công an, Liệu đến bệnh viện để gặp bác sĩ Âu Lập Chí (từng khám cho Liệu trước đây) để khám bệnh đau đầu. Bác sĩ Âu bảo Liệu gặp bác sĩ khác vì cô không trực khám trong ngày hôm đó. Liệu bỗng nhiên kích động và rút dao ra đâm liên tiếp khiến bác sĩ Âu bị thương ở tay phải và chân trái.
Khi bị công an bắt giữ và thẩm vấn, Liệu nói anh ta oán hận bác sĩ Âu vì cho rằng đơn thuốc mà bác sĩ Âu đã kê cho anh lần trước đã khiến anh bị đau đầu kinh niên.
Kết quả khảo sát của Hiệp hội bác sĩ y khoa Trung Quốc vào tháng 5-2015 cho thấy khoảng 13% trong số 12.600 bác sĩ được khảo sát cho biết họ từng bị bệnh nhân hành hung vào năm ngoái. 60% nói họ từng bị bệnh nhân chửi bới. Hơn 60% bác sĩ nói họ không muốn con cái theo nghề của họ vì áp lực công việc và thiếu sự bảo vệ.
Từ tháng 12-2013 đến tháng 12-2014, các viện kiểm sát ở Trung Quốc đã truy tố 347 người hành hung nghiêm trọng các y bác sĩ. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc cho biết các vụ hành hung nhằm vào các y bác sĩ đã dẫn đến nhiều trường hợp chấn thương nghiêm trọng và chết người.
Chẳng hạn vụ một nam bệnh nhân đâm chết một bác sĩ và đâm bị thương hai bác sĩ khác tại một bệnh viện ở thành phố Ôn Lĩnh, tỉnh Chiết Giang vào năm 2013 chỉ vì không hài lòng kết quả phẫu thuật mũi.
Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế Trung Quốc, trong năm 2013, có khoảng 70.000 vụ tranh cãi, kiện tụng y tế. Ông Tôn Hải Ba, Cục trưởng Cục Quản lý an ninh công cộng của Bộ Công an Trung Quốc cũng xác nhận các vụ hành hung xuất phát từ tranh cãi về y tế tại các bệnh viện lớn đang tăng nhanh.
Ông cho biết hơn 70% nạn nhân bị tấn công tại bệnh viện là bác sĩ. Số nạn nhân còn lại là y tá. Phần lớn các kẻ hành hung là người nhà của bệnh nhân không hài lòng với kết quả điều trị và dịch vụ. Ông Tôn Hải Ba đã đề xuất lập các chốt công an thí điểm ở cổng chính ở một số bệnh viện trên cả nước.
Ông cũng đề nghị các bệnh viện trang bị máy X-ray tương tự như ở các ga tàu điện ngầm để kiểm tra hành lý và túi xách của những người vào bệnh viện nhằm ngăn ngừa họ mang súng, dao và các vật dụng bị cấm khác vào bệnh viện.
Gần đây, một dự thảo sửa đổi luật hình sự của Trung Quốc đề xuất những người hành hung nhân viên y tế hoặc gây náo loạn tại bệnh viện có thể bị phạt cao nhất đến 7 năm tù. Dự thảo này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc thẩm định vào tháng 6-2015. Dự thảo đang được công bố trên mạng để thu nhận ý kiến đóng góp của công chúng.