(CAO) Hôm nay 16-7, bất chấp phản đối từ một bộ phận dân chúng và các nghị sĩ đối lập, Hạ viện Nhật đã thông qua các dự luật gây tranh cãi cho phép Nhật mở rộng vai trò của quân đội.
BBC đưa tin, dự luật mới được thông qua hôm nay cho phép quân đội Nhật được tham chiến ở nước ngoài- lần đầu tiên kể từ sau Thế chiến thứ hai.
Các dự luật này còn phải thông qua Thượng viện. Tuy nhiên các chuyên gia nhận định ở cửa Thượng viện chúng vẫn cầm chắc vé được thông qua do liên minh cầm quyền của Thủ tướng Abe chiếm đa số ghế ở cơ quan này.
Dự luật phòng vệ tập thể mở đường cho Nhật đưa quân qua nước ngoài tham chiến nếu cần thiết- Ảnh: AFP
Có 3 điều kiện được quy định trong dự luật phòng vệ tập thể lần này để Nhật điều quân tham chiến ở nước ngoài :
Một là Nhật bị tấn công, hoặc đồng minh thân cận của Nhật bị tấn công và mối đe dọa tấn công này ảnh hưởng đến sự sống còn an ninh của Nhật cũng như cuộc sống của người dân.
Hai là tình hình diễn biến buộc Nhật phải động quân trợ giúp các đồng minh (phòng vệ tập thể) khi không còn biện pháp thích hợp nào khác để đẩy lui những đợt tấn công nhằm bảo vệ sự tồn vong của đất nước và an toàn của người dân.
Ba là việc điều quân ra nước ngoài được hạn chế ở mức tối thiểu khi cần thiết
Những cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy hơn 50% dân Nhật phản đối dự luật này. Họ cho rằng mở rộng vai trò của quân đội, chuyển từ việc chỉ “ sử dụng vũ lực để tự vệ” sang “ tham chiến ở nước ngoài với các đồng minh thân cận khi cần thiết” có thể đẩy Nhật vào các xung đột quân sự trong khu vực.
Tuy nhiên, những người ủng hộ lại cho rằng dự luật phòng vệ tập thể giúp Nhật chủ động hơn trong đối phó với những biến động của khu vực.