Vụ khiếu kiện Trung Quốc của Philippines

Kết thúc các phiên tranh tụng nói

Thứ Hai, 13/07/2015 09:39  | TS. Nguyễn Ngọc Trường

|

(CAO) Sau một tuần làm việc, ngày hôm qua, 12/7, Tòa án Trọng tài thường trực của Liên Hiệp Quốc (PCA) ở LaHaye, Hà Lan, liên quan đến vụ Philippines khiếu kiện Trung Quốc, đã kết thúc các phiên tranh tụng nói.

5 luận điểm chính của Philippines tại PCA

Trước hội đồng thẩm phán gồm 5 thành viên, do thẩm phán người Ghana Thomas A.Mensah đứng đầu, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đã khẳng định sự tin tưởng tuyệt đối của Manila vào luật lệ và các thể chế do cộng đồng quốc tế tạo ra để điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia. Ông nêu lên 5 luận điểm cơ bản:

Thứ nhất, Trung Quốc không có quyền thực hiện những gì họ gọi là “quyền lịch sử” trên các vùng biển, đáy biển, lòng đất dưới đáy và vượt ra ngoài giới hạn các quyền lợi của mình theo Công ước.

Thứ hai, cái gọi là “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc vin vào để xác định giới hạn yêu sách với “quyền lịch sử” là không có cơ sở nào theo luật quốc tế.

Thứ ba, các thực thể hàng hải khác nhau mà Trung Quốc dựa vào như là cơ sở để để khẳng định yêu sách ở Biển Đông không phải là đảo để mà có thể tạo ra quyền được hưởng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa cho họ. Thay vào đó, một số thực thể đó là “bãi đá” theo ý nghĩa trong Điều 121, khoản 3; số khác bị ngập trong nước khi thủy triều lên; một số khác nữa bị ngập vĩnh viễn.

Kết quả là, không thực thể nào có khả năng tạo ra quyền lợi vượt quá 12 hải lý và có một số còn không tạo ra bất cứ quyền lợi nào. Các hoạt động bồi đắp khai hoang quy mô lớn của Trung Quốc gần đây không thể thay đổi hợp pháp đặc điểm và bản chất tự nhiên nguyên gốc của những thực thể này.

Thứ tư, Trung Quốc đã vi phạm Công ước Luật biển Liên hợp quốc (UNCLOS) khi can thiệp vào việc Philippines thực hiện các quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình. 

Hội đồng thẩm phán PCA gồm 5 thành viên, do thẩm phán người Ghana Thomas A. Mensah đứng đầu - Ảnh: Đồ họa CNN Philippines

Thứ năm, Trung Quốc đã phá hoại môi trường biển trong khu vực đến mức không thể phục hồi được, vi phạm UNCLOS, qua việc phá hủy các rạn san hô ở biển Nam Trung Hoa (Biển Đông), bao gồm cả các khu vực trong EEZ của Philippines, bởi các hoạt động đánh bắt liều lĩnh và mang tính hủy diệt, cũng như việc săn bắt các loài sinh vật có nguy cơ tuyệt chủng của họ”.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Philippines khẳng định, UNCLOS 1982 là bản “Hiến pháp của đại dương”, “là một trong số những thành tựu quan trọng nhất của thế giới trong việc tạo lập các quy định minh bạch về việc sử dụng biển hòa bình, tự do hàng hải, bảo vệ môi trường biển và có lẽ quan trọng hơn cả là xác định rõ ràng giới hạn các vùng hàng hải mà các quốc gia được quyền thực thi quyền chủ quyền và quyền tài phán”.

Phát biểu tại phiên tòa kín, Luật sư đại diện cho Manila Paul Reichler khẳng định: “Philippines tin rằng PCA có quyền tài phán đối với tất cả những tuyên bố mà nước này đưa ra.”

Cách đây gần 2 năm rưỡi, ngày 22-2-2013, Philippines lựa chọn PCA để nộp đơn kiện theo UNCLOS. Một trong động lực của Philippines đưa vụ kiện này ra tòa án trọng tài quốc tế về luật biển là cuộc khủng hoảng năm 2012, diễn ra từ tháng 4 đến tháng 6, tại bãi cạn Scarborough nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Vào thời điểm cao trào, Mỹ đứng ra làm trung gian hòa giải để Philippines và Trung Quốc rút các tàu thuyền khỏi khu vực Scarborough. 

Phái đoàn Philippines ở PCA để theo đuổi vụ khiếu kiện 

Manila và Bắc Kinh đều đồng ý, nhưng trên thực tế, tàu thuyền Philippines rút đi nhưng tàu thuyền Trung Quốc đã trở lại kiểm soát bãi cạn này; tàu đánh cá của Trung Quốc tự do hoạt động tại bãi cạn, nhưng các tàu thuyền Philippines bị xua đuổi, thậm chí bị gây nhiều sự cố.

Điểm ưu việt của PCA là nó được quyền xét xử các vụ kiện ngay cả trong trường hợp bên bị kiện phản đối và từ chối theo kiện. Đây là lần đầu tiên các tranh chấp chủ quyền biển đảo ở Biển Đông được xem xét theo cơ chế trọng tài quốc tế.

Bắc Kinh đã chính thức từ chối tham gia phiên tòa, kịch liệt phản đối, cương quyết bác bỏ đơn kiện này và cho biết sẽ không công nhận quyền tài phán của tòa án. Tuy nhiên, Bắc Kinh vận động hành lang ráo riết để PCA đưa ra phán quyết có lợi hoặc không quá bất lợi cho mình.

Điều gì có thể xảy ra?

Sau 3 tháng nữa, Tòa trọng tài sẽ đưa ra phán quyết về thẩm quyền của mình. Nếu Tòa khẳng định thẩm quyền của mình xét xử vụ khiếu kiện này, công việc có thể kết thúc sớm. Với sự ủng hộ khá trọng lượng của một số thế lực quốc tế, Chính phủ Philippines thúc đẩy nhanh để kết thúc vụ kiện trước khi có sự thay đổi chính phủ ở Manila do cuộc bầu cử tổng thống nước này vào năm 2016.

Theo dự báo của nhiều chuyên gia quốc tế, Tòa trọng tài có thể kết luận rằng, họ không có thẩm quyền để xem xét nó; hoặc chấp nhận các yêu sách của Philippines và đưa ra quyết định có lợi cho Philipines về tất cả các vấn đề pháp lý mà nước này nêu ra. Nhưng nhiều khả năng Tòa sẽ đưa ra quyết định có tính thỏa hiệp với một số vấn đề có lợi Philippines và một số vấn đề khác có lợi hoặc không bất lợi cho Trung Quốc.

Thông cáo ngày 7/7/2015 của PCA cũng cho biết, Tòa cho phép Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Nhật Bản, và Thái Lan, gửi phái đoàn nhỏ đến dự phiên tòa xem xét thẩm quyền xử vụ kiện với tư cách quan sát viên.

Ngày 8/12/2014, Việt Nam gửi một bản tuyên bố lên Tòa trọng tài La Haye nêu quan điểm của Hà Nội gồm 3 điểm chính: Việt Nam bày tỏ sự ủng hộ đối với đơn kiện của Philippines, đặt ra vấn đề về tính hợp lệ của “đường chữ U” và yêu cầu tòa án khi xem xét đơn kiện của Philippines cần chú ý đến các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam.

Một số chuyên gia Việt Nam dự đoán kết quả đối với Philippines là khả quan vì các lập luận hợp lý có giới hạn mà Manila theo đuổi

Bình luận (0)

Lên đầu trang