(CAO) Nhiều lô thịt dán mác ngoại bán tràn lan ở các nước châu Á cũng có thể xuất phát từ đường dây buôn lậu thịt mà Reuters vừa phanh phui.
Tại một nơi bụi bặm ở Sheung Shui, phía bắc Hồng Kông gần biên giới với đất liền, một nhóm khoảng 40 lữ khách hối hả nhét vải cùng giỏ cũ vào trong thùng xốp để bảo vệ một lô "hàng quý" : thịt buôn lậu. Họ sắp mang lô thịt bò đông lạnh từ Brazil vào Trung Quốc;
Những kẻ buôn lậu bán thời gian này, trong giới gọi là “bàn chân”, là một phần của ngành kinh doanh ngầm phất lên từ khi Bắc Kinh ra tay truy quét tệ buôn lậu thịt hồi năm ngoái. Thâm nhập sâu vào đường dây này, phóng viên Reuters phát hiện ra xuất xứ các lô thịt ngoại đến từ Nhật, New Zealand và có thể cả Mỹ.
Một tay buôn lậu tên Alan Wong, 36 tuổi giải thích với Reuters rằng mỗi chuyến hàng những người như Wong kiếm được từ 200-300 nhân dân tệ (30-50 USD). Wong tiết lộ số thịt sắp được vận chuyển qua biên giới là loại chất lượng kém.
Các sĩ quan rưới xăng đốt số thịt buôn lậu tịch thu được ở Vân Nam, Trung Quốc hôm 8-7-2015 - Ảnh: Reuters/China Daily
Câu chuyện của Wong, cùng với nhiều cuộc phỏng vấn hàng chục nhân viên hải quan, quan chức chống buôn lậu và những tay buôn, vẽ ra một bức tranh kinh khủng về ngành kinh doanh trái phép dọc các đường biên giữa Trung Quốc đại lục với đặc khu Hồng Kông và Trung Quốc với Việt Nam, nơi bọn buôn lậu bất chấp an toàn thực phẩm và chấp nhận rủi ro lớn hơn khi các cuộc truy quét đẩy chúng sâu hơn vào thế giới ngầm.
Quy mô lớn của ngành buôn lậu thịt đang làm các nhà xuất khẩu hợp pháp từ những nước như Úc tức giận. Họ nói thịt từ thị trường đen rẻ hơn từ 30-60% do không chịu thuế nhập khẩu cao, nhưng các biện pháp đóng gói, bảo quản và vận chuyển, kể cả hạn sử dụng là vấn đề thực sự đáng lo ngại.
Một cố vấn về ngành công nghiệp thịt ở Thượng Hải nói với Reuters rằng một số người đưa những tảng thịt lớn qua biên giới Việt Nam nhưng không bán được và “họ lấy thịt ra, nhúng xuống sông để làm tan đá rồi chặt nhỏ cho dễ bán.” Ông này kết luận “càng hoạt động ngầm càng nguy hiểm.”
Trung Quốc là thị trường tiêu thụ thịt hàng đầu thế giới, nhưng đại lục từ lâu duy trì các quy định nhập khẩu ngặt nghèo, thường là do lo ngại về an toàn. Do vậy, sản xuất trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu, tạo cơ hội cho bọn buôn lậu.
Số lượng thịt buôn lậu tịch thu được đã tăng vọt gần gấp ba lần năm nay tỉ lệ thuận cùng các bài viết cảnh báo người tiêu dùng. Truyền thông địa phương hồi tháng 6 nói nhà chức trách đã tịch thu 100.000 tấn thịt đông lạnh buôn lậu, trong đó có một số lô “thịt thối” có ngày sản xuất cách đây gần… 40 năm.
Các quan chức hải quan và cảnh sát mà Reuters gặp đều nói hạn sử dụng thịt cũ nhất mà họ phát hiện trong năm nay là từ 4 đến 5 năm, nhưng khối lượng lớn chân gà họ tịch thu năm 2013 có hạn sử dụng từ năm 1967.
Ở Hồng Kông, phóng viên Reuters phát hiện nhiều người đang đóng gói lại các hộp thịt dán nhãn “Boi Brasil” và “Cargill”. Một phát ngôn viên của Boi Brazil nói công ty Brazil này không hề biết việc sản phẩm của họ bị buôn lậu vào Trung Quốc và không bình luận gì thêm.
Phát ngôn viên Cargill, Mike Martin, thì nói nhà khổng lồ nông nghiệp của Mỹ này bán thịt bò tới cho những nhà cung cấp hợp pháp ở Hồng Kông và “không quản lý việc bán lẻ sau đó…”
Trong một trong loạt cuộc đột kích gần đây, các sĩ quan chống buôn lậu đã bao vây một container 20 tấn ở tỉnh Hồ Nam. Những gì họ phát hiện khiến ai biết cũng phải quặn đau bụng - thịt bò quá hạn sử dụng đang thối rữa, có nguồn gốc từ Ấn Độ và đã được chia nhỏ ra để vận chuyển qua đường cửa khẩu Móng Cái- Việt Nam để đến Trung Quốc.
Khi thịt đã vào được Trung Quốc, nó được vận chuyển trong những xe tải không đông lạnh tới những chuỗi bán buôn khổng lồ khắp miền nam nước này, nơi cuối cùng chúng lại được cất vào kho đông lạnh và tung ra các siêu thị trên cả nước.
Một loạt các vụ bê bối thực phẩm bị phát hiện trong những năm gần đây, từ sữa công thức nhiễm độc tới thịt cáo giả làm thịt lừa, đã khiến các nhà buôn và người tiêu dùng lo lắng. Tang Ming, 23 tuổi, một sinh viên từ tỉnh Quý Châu, tây nam Trung Quốc, nói giờ cô tránh xa “việc mua thịt đông lạnh ” vì “không biết chúng được bảo quản bao lâu.”.