Dân Anh chuẩn bị bỏ phiếu trưng cầu ở lại hay rời khỏi EU

Thứ Năm, 23/06/2016 10:58  | Anh Duy

|

(CAO) Chỉ còn vài giờ nữa, công dân Anh, Ireland và công dân các nước thuộc khối Thịnh vượng Chung đủ 18 tuổi trở lên sẽ đi bỏ phiếu cho cuộc trưng cầu dân ý lịch sử về vấn đề Anh rời khỏi hay ở lại Liên minh Châu Âu (EU). 

Ảnh hưởng của cuộc trưng cầu này (được gọi là Brexit / Ghép từ hai từ Britain and exit) sẽ tác động sâu rộng đến các mối quan hệ trên bình diện quốc tế.Trước sự kiện này, nước Anh đang hứng chịu làn sóng chia rẽ sâu sắc.

Cuộc trưng cầu Brexit trước đó đã bị gián đoạn vài ngày sau khi nữ nghị sĩ Jo Cox của Công đảng bị một kẻ theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan bắn chết ở thành phố Leeds hôm 16-6, một tuần trước thềm Brexit.

Kẻ tấn công Thomas Mair hô to “nước Anh là trên hết” khi lên án việc bà Cox vận động nước Anh ở lại Liên minh châu Âu (EU) trước khi bắn bà. Không chỉ riêng Mair mà nhiều kẻ cực đoan khác trước nay vẫn “gai mắt” việc Anh là thành viên EU. Họ không chấp nhận một xã hội đa văn hóa mà chỉ thích nghi với một xã hội đơn nhất, xem dân tộc mình là độc tôn, hoàn hả. Một tư tưởng mang hơi hướm phát xít.

Để lý giải việc này, tờ New York Times hôm 14-6 chạy tít “Brexit chuyển tranh luận về lại chính sách chống người nhập cư”. Tờ báo ghi nhận một bộ phận dân Anh hy vọng rời khỏi EU sẽ giúp nước này tránh khỏi làn sóng di cư mới của người Hồi giáo tràn vào mang theo tư tưởng cực đoan”.

Trong khi đó, một bộ phận dân Anh khác lại xem việc rời khỏi EU chỉ đơn giản là không muốn London phải gánh gồng thêm trách nhiệm, như việc phải đóng góp ngân sách cứu các nước bị khủng hoảng tài chính như Hy Lạp. Hay khủng hoảng người di cư cũng là một nguyên nhân khi họ không muốn Anh tiếp nhận thêm người di cư hay góp thêm ngân sách với EU để cứu trợ những người di cư trong thời buổi khó khăn kinh tế.

Một biếm họa của truyền thông châu Âu mô tả Anh đeo áo phao nhảy khỏi “con tàu” sắp chìm EU - Ảnh: Brighty

Dù bản thân thủ tướng Anh David Cameron ủng hộ giải pháp nước này sẽ ở lại EU và chỉ trích phe đối lập dùng trưng cầu Brexit để khuất động bạo lực và chia rẽ, tuy nhiên kết quả thăm dò của nhiều tổ chức cho thấy phe ủng hộ rời khỏi EU và phe phản đối đang so kè nhau sít sao ở tỷ lệ 51% và 49%.

Sau cái chết của nghị sĩ Jo Cox, khảo sát mới nhất của công ty YouGov cho thấy phe phản đối Brexit lại thắng thế trước phe ủng hộ với tỉ lệ 44-43.

Trước thềm trưng cầu Brexit, nhiều cá nhân và tổ chức đã lên tiếng cảnh báo tác hại khi Anh rời EU.

Đơn cử là tỷ phú Mỹ Bill Gates – nhà sáng lập công ty phần mềm Microsoft. Bill Gates nhận định Anh sẽ kém hấp dẫn hơn khi rời EU. Trong bức thư gửi tờ The Times, Bill Gates nhấn mạnh: “Dù đây là quyết định của người Anh, tôi thấy rõ ràng là nếu họ chọn đứng ngoài EU, Anh sẽ kém hấp dẫn hơn đáng kể ở vai trò là địa điểm kinh doanh và đầu tư. Anh sẽ khó tìm kiếm và tuyển dụng nhân tài từ khắp châu Âu. Đó cũng chính là những người sẽ tạo ra công ăn việc làm cho người dân Anh”.

Với EU, sự ra đi của Anh cũng là một tổn thất lớn khi London là bên đóng góp ngân sách cho EU lớn thứ hai (sau Đức). Anh ra đi cũng gây ảnh hưởng đến thanh danh của tổ chức này khi trước nay quốc tế vẫn nhìn vào liên minh này với tư cách là một mô hình thành công, đoàn kết và thịnh vượng.

Một bức biếm họa khác lại thể hiện Anh là bên thiệt hại nhiều nhất khi ví họ như con tàu chìm Titanic khi rời khỏi EU

Tiếp theo là thiệt hại của các nhà đầu tư khi đã trót chọn Anh làm nơi rót vốn. Nay London đứng bên ngoài dòng chảy của EU khiến họ thêm khó khăn trong vấn đề lưu thông nguồn vốn, tìm kiếm nhân lực và rào cản di chuyển “không biên giới” giữa các nước. "Một thị trường" cho phép hàng hóa và người dân trong khối được tự do di chuyển nay sẽ không còn được áp dụng với Anh.

Một cuộc chia ly đau khổ mà không bên nào có lợi sắp diễn ra.

 

Bình luận (0)

Lên đầu trang