Thỏa thuận giữa Hàn quốc và Nhật Bản, do Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Yun Byung-Se và người đồng cấp Nhật Bản Fumio Kishida ký vào ngày 28-12 tại thủ đô Séoul (Hàn Quốc). Trong bản thỏa thuận vào ngày 28-12, Nhật đã « xin lỗi chân thành » và đề nghị bồi thường 7,5 triệu euro (1 tỷ yen Nhật) cho 46 nạn nhân nô lệ tình dục còn sống sót tại Hàn Quốc.
Ông Fumio Kishida tuyên bố « Thủ tướng Nhật gửi đến những nạn nhân lời xin lỗi và niềm ân hận sâu thẳm nhất từ trái tim. Chính sách « phụ nữ mua vui » đã hiện hữu với sự liên lụy của quân đội Nhật…, và chính phủ Nhật hoàn toàn ý thức về trách nhiệm của mình. »
Ngược lại, chính phủ Hàn Quốc cam kết sẽ cho di dời bức tượng tưởng niêm những nạn nhân nô lệ tình dục đã chết, hiện đang đặt trước đại sứ quán Nhật Bản tại Séoul để làm dịu đi ký ức đau buồn.
Sau khi thỏa thuận trên được ký kết, thủ tướng Nhật Shinzo Abe tuyên bố « Chúng tôi không cho phép vấn đề này sẽ còn được truyền lại cho các thế hệ sau.Kể từ bây giờ, nước Nhật và Hàn Quốc sẽ tiến vào một kỷ nguyên mới. »
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye cũng khẳng định: « Cố gắng của hai chính phủ để đạt đến một thỏa hiệp sẽ đem đến một sự hợp tác chặt chẽ hơn để xây dựng một mối quan hệ tin tưởng của cả hai bên và những giao tiếp mới. » Bà cho rằng, hồ sơ nô lệ tình dục đã là một cản trở lớn nhất trong việc giải tỏa quan hệ song phương giữa hai nước.
Tuy nhiên, một số tiếng nói chỉ trích về thỏa thuận cũng nổi lên. Như có chỉ trích cho rằng đây chỉ là thỏa thuận của hai chính phủ, không phải của hai dân tộc, hai xã hội, vấn đề còn lại là xã hội Hàn Quốc có chấp nhận thỏa thuận này hay không, vì không có sự tham dự của chính những nạn nhân còn sống sót.
Họ cho rằng Nhà Trắng đã gây áp lực lên tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye để giảm thiểu yêu cầu của Hàn Quốc trong vấn đề này đối với Nhật Bản.
Bức tượng tạc hình một thiếu nữ Hàn quốc trẻ tuổi trong trang phục truyền thống để tưởng niệm những phụ nữ Nam Hàn nạn nhân nô lệ tình dục của quân đội Nhật hoàng trong Đại chiến thế giới lần thứ hai, có sự tham dự của những nạn nhân còn sống sót (áo vàng) đang kỷ niệm 1.000 tuần lễ biểu tình trước đại sứ quán Nhật bản tại Seoul, ngày 14-12-2011.- Ảnh: AFP PHOTO/JUNG YEON-JE
Phía Mỹ thì chào đón thỏa thuận đã đạt được, vì nước Mỹ đang cần có một sự liên kết giữa Hàn Quốc và Nhật trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, mà cụ thể là cho đến giờ một hiệp ước về trao đổi thông tin quân sự giữa hai nước này vì thế mà bị cản trở, không được ký kết, nên Mỹ phải đóng vai trò trung gian.
Nhật đã chiếm đóng Hàn Quốc kể từ năm 1910 cho đến năm 1945. Riêng trong giai đoạn Chiến tranh Thế giới thứ hai, quân đội Nhật đã bắt cóc, giam giữ khoảng 200.000 thiếu nữ, đa số còn là vị thành niên làm nô lệ tình dục cho quân lính Nhật.
Những người phụ nữ nô lệ tình dục phải phục vụ cho tất cả mọi người lính Nhật theo các mệnh lệnh bắt buộc của quân đội Nhật hoàng Hiro-Hito: trong trật tự, vệ sinh và kỷ luật. Đa số những người phụ nữ này thuộc Hàn Quốc, nhưng cũng có phụ nữ Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Việt Nam…, những nơi bị quân đội Nhật chiếm đóng trong thời gian Chiến tranh Thế giới thứ hai (1939-1945). Nhà sử học Trung Quốc Su Zhiliang cho rằng con số phụ nữ nạn nhân lên đến 360.000 – 410.000 người, và trong số này có 200.000 phụ nữ Trung Quốc và 142.000 phụ nữ Hàn Quốc.
Một trong những nạn nhân còn sống sót, bà Kim Bok Dong, con của một người nông dân, năm nay 86 tuổi, kể lại rằng bà bị quân đội Nhật bắt từ năm mới có 14 tuổi, bà phải theo quân đội Nhật di chuyển đến tất cả những nơi họ đóng quân. Trong mỗi nơi quân Nhật đóng quân có một « trung tâm giải khuây », nơi mà quân lính Nhật đến « giải khuây » khi được cấp trên cho phép. Mỗi phụ nữ nô lệ tình dục được « nghỉ » hai ngày trong tháng, nhưng họ phải « phục vụ » vô điều kiện bất kể thời gian, không còn biết thời gian là gì, và bao nhiêu lần trong ngày, trong đêm.
Bà Gong Jeong Yup, năm nay đã 92 tuổi, kể lại rằng bà chỉ đoán được những ngày chủ nhật vì trong những ngày ấy quân lính đến « thư giãn, giải khuây » nườm nượp. Có lần, trong ngày, tôi đã phải chịu đựng 27 người lính, không đứng dậy nổi nữa. Chế độ nô lệ tình dục đã được quân đội Nhật hoàng đặt ra vào năm 1937, ngay sau ngày xảy ra cuộc thảm sát tại Nam Kinh, trong mục đích bắt buộc dân chúng các nước bị chiếm đóng phải « tôn trọng » quân đội Nhật hoàng, mà họ muốn biến những cuộc hãm hiếp tập thể trở thành những « dịch vụ » bắt buộc theo lệnh và kỷ luật của họ.
Bà Kim Bok Dong hoàn toàn bị phong tỏa tin tức, nên không biết là chiến tranh thứ hai đã chấm dứt năm 1945. Bà kể, một hôm, bà thấy quân lính Nhật sửa soạn hành trang, rồi đột nhiên quân đội Mỹ vào doanh trại. Bà được trở về quê hương vào năm 22 tuổi, sau 8 năm trời bị bắt giữ làm nô lệ tình dục, với một số phận đau thương.
Thảm cảnh nô lệ tình dục đã khiến cho bà, như những người phụ nữ đồng cảnh, không thể có con được nữa và phải sống cô đơn suốt đời trong xã hội còn nặng về đạo lý truyền thống sau chiến tranh.
Sự kiện nô lệ tình dục đã luôn luôn hiện hữu một cách căng thẳng ngầm trong quan hệ giữa Séoul và Tokyo. Tokyo luôn luôn từ chối trách nhiệm, cho rằng đó là hậu quả của thời đại thực dân đế quốc và đã được giải quyết trong một thỏa thuận song phương vào năm 1965, và giữ chủ đề này một cách « bí mật » không thông tin đại chúng cho dân theo dõi. Nhất là thế lực cánh hữu tại Nhật lo ngại gây ảnh hưởng xấu cho quá khứ của Nhật hoàng, đã tìm cách ngăn chặn một cuộc triển lãm về chủ đề nô lệ tình dục tổ chức bởi Nikon tại Tokyo.
Phụ nữ bị bắt làm nô lệ tình dục trong các trại lính Nhật- Ảnh: 24 heures – Capture d’écran
Chính phủ Nhật Bản đã nhiều lần yêu cầu và kiểm soát hủy bỏ những đoạn viết về chủ đề nô lệ tình dục của quân đội Nhật. Gần đây, Tokyo cũng yêu cầu một nhà xuất bản sách giáo khoa tại Mỹ xóa bỏ những đoạn trong sách sử của Mỹ có tên « Traditions & Encounters : A Global Perspective on the past », xuất bản bởi McGraw-Hill, trong đó có đoạn viết về chế độ nô lệ tình dục của quân đội Nhật hoàng.
Bộ ngoại giao Nhật Bản cho rằng đây là một sự nhầm lẫn và một phong cách diễn tả xung khắc về quan điểm của Nhật trên câu hỏi về những người « phụ nữ trợ lý » (femme de réconfort), không phải là nô lệ tình dục (esclaves sexuelles).
Họ cho rằng đó là những phụ nữ mãi dâm chuyên nghiệp, không phải là những người phụ nữ bình thường bị bắt buộc cung phụng thỏa mãn sinh lý cho quân đội Nhật. Điều mà nhà xuất bản McGraw-Hill từ chối vì đó là những sự thật lịch sử.
Các nhà ngoại giao và các tổ chức quốc tế gây sức ép vì họ lo ngại rằng hồ sơ nô lệ tình dục sẽ bị chìm vào quên lãng theo thời gian và nhất là khi những nhân chứng còn sống sót sẽ chết dần. Trong số hơn 200.000 người phụ nữ nô lệ tình dục cho quân đội Nhật hoàng trong khoảng thời gian từ năm 1937 cho đến năm 1945 ,hiện nay chỉ còn có 46 người còn sống tại Hàn Quốc.
Phụ nữ Hàn quốc biểu tình đòi khôi phục lại danh dự và nhân phẩm cho nạn nhân, cho tổ quốc của họ liên tục từ năm 1992 cho đến nay. Hàng tuần đều có biểu tình ôn hòa của phụ nữ trước đại sứ quán Nhật bản tại Seoul- Ảnh: Le Figaro
Những nạn nhân như bà Kim Bok Dong, dù đã 86 tuổi, vẫn dai dẳng và kiên trì chiến đấu cho danh dự của bản thân và danh dự của tổ quốc, thường xuyên tham gia những cuộc biểu tình trước đại sứ quán Nhật bản tại Séoul. Họ, khoảng hơn 100 người cương quyết tranh đấu cho lẽ phải và nhân đạo, kiên trì hàng tuần, cứ mỗi thứ tư, đến trước đại sứ quán Nhật bản biểu tình, như thế kể từ năm 1992 đến nay.