(CAO) Hôm nay 25-12, tờ Telegraph đưa đậm nét tin chính phủ Trung Quốc đang tìm cách mở rộng vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) vào sâu trong vùng nước trên Hoàng Hải thuộc khu vực chồng lấn với Hàn Quốc.
Đây là động thái mới nhất của Trung Quốc nằm trong chiến lược đòi hỏi “chủ quyền” trên các vùng biển từ Hoàng Hải đến Biển Đông. Hàn Quốc và Trung Quốc đang bước vào phiên đàm phán đầu tiên về phân định ranh giới ở vùng chồng lấn trên Hoàng Hải với Hàn Quốc bắt đầu từ ngày 22-12.
Theo luật quốc tế, vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) có chiều rộng 200 hải lý tính từ bờ biển của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, khu vực tranh chấp giữa Hàn- Trung lại nằm chồng lấn trên cả hai vùng EEZ của hai nước.
Trong phiên đàm phán lần đầu tiên sau 7 năm về tranh chấp ở vùng biển này, Hàn Quốc đề xuất lấy đường phân chia nằm giữa khu vực chồng lấn EEZ giữa hai nước.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã bác đề nghị này mà đòi đẩy đường phân chia vào sâu về phía bờ Hàn Quốc, gom luôn cả khu vực mà Seoul trước đó đã xây một trạm nghiên cứu hàng hải.
Vị trí Hoàng Hải (Yellow Sea) giữa hai nước Trung Quốc và Hàn Quốc.
Tờ Telegraph (Anh) dẫn lập luận của phái đoàn đàm phán Trung Quốc cho rằng sở dĩ Bắc Kinh phải đòi diện tích lớn hơn trên Hoàng Hải vì Trung Quốc là nước “có diện tích lớn hơn, đông dân hơn vì thế xứng đáng được kiểm soát một diện tích biển lớn hơn trên Hoàng Hải”.
Các nhà ngoại giao trong phái đoàn Hàn Quốc gọi đòi hỏi này là “không thể chấp nhận”.
Hồi năm 2008, Trung- Hàn từng có cuộc gặp về vấn đề ranh giới hàng hải nhưng việc thiếu một giải pháp thống nhất giải quyết tranh chấp làm dấy lên lo ngại sẽ xảy ra những vụ đụng độ giữa các đội tàu của hai nước.
Những năm gần đây Hàn Quốc ghi nhận sự gia tăng của số lượng các tàu Trung Quốc đánh bắt trái phép trong vùng biển của mình.
Năm 2014, tàu tuần duyên Hàn Quốc đã bắn chết thuyền trưởng một tàu đánh cá Trung Quốc khi đánh bắt lấn vào vùng biển của Hàn Quốc trên Hoàng Hải.
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye (trái) và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một lần gặp mặt. - Ảnh: AFP
Không chỉ đang tìm cách đòi phần lớn chủ quyền trên Hoàng Hải, Trung Quốc thời gian qua đã bị cộng đồng quốc tế kịch liệt chỉ trích khi lập ra “đường lưỡi bò” phi pháp đòi chiếm 80% diện tích Biển Đông.
Từ Hoàng Hải đến Biển Đông, Bắc Kinh đang vịn vào lập luận mình là “nước lớn” để đơn phương áp đặt yêu sách “chủ quyền” với các nước láng giềng dù các quan chức của nước này luôn rêu rao trên các diễn đàn quốc tế rằng Trung Quốc sẽ trỗi dậy trong “hòa bình”.