(CAO) Hôm 23/12, Reuters dẫn lời Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump sẽ giành lại quyền kiểm soát của Mỹ đối với kênh đào Panama, cáo buộc Panama tính phí quá cao để sử dụng tuyến đường biển qua Trung Mỹ nối giữa Đại Tây Dương với Thái Bình Dương.
Phát biểu của ông Trump đã bị Tổng thống Panama - Jose Raul Mulino chỉ trích gay gắt.
Phát biểu trước đám đông người ủng hộ ở bang Arizona, ông Trump cũng cho biết ông sẽ không để kênh đào rơi vào "tay người khác", cảnh báo về ảnh hưởng tiềm tàng của Trung Quốc đối với tuyến hàng hải huyết mạch này.
Sau sự kiện, ông Trump đã đăng một hình ảnh trên mạng xã hội Truth Social hình ảnh một lá cờ Mỹ tung bay trên một vùng nước hẹp, với bình luận: "Chào mừng đến với Kênh đào Mỹ!. Đã có ai từng nghe đến Kênh đào Panama chưa?".
Ông Trump phát biểu tại AmericaFest, một sự kiện thường niên do Turning Point-một nhóm bảo thủ đồng minh tổ chức. "Bởi vì chúng ta đang bị lừa đảo ở Kênh đào Panama giống như chúng ta đang bị lừa đảo ở mọi nơi khác" – ông nhấn mạnh.
"Nó đã được trao cho Panama và người dân Panama, nhưng nó có các điều khoản" - Trump nói về kênh đào, vốn từng thuộc sở hữu của Hoa Kỳ nhưng đã được trao lại cho Panama cách đây nhiều thập kỷ.
"Nếu các nguyên tắc, cả về mặt đạo đức và pháp lý, của cử chỉ hào hiệp này không được tuân thủ, thì chúng tôi sẽ yêu cầu Kênh đào Panama phải được trả lại cho chúng tôi, toàn bộ, nhanh chóng và không cần thắc mắc" – ông nói thêm.
Trong một thông điệp được ghi âm do Tổng thống Panama - Mulino công bố vào chiều 22/12, nhà lãnh đạo quốc gia này cho hay nền độc lập của Panama là không thể thương lượng và Trung Quốc không có ảnh hưởng gì đến việc quản lý kênh đào. Ông cũng bảo vệ mức phí đi lại mà Panama tính, nói rằng chúng không được thiết lập "theo ý thích".
Ông Trump gây sốc khi đòi tái kiểm soát kênh đào Panama - Ảnh: Reuters
Trung Quốc không kiểm soát hoặc quản lý kênh đào, nhưng một công ty con của CK Hutchison Holdings có trụ sở tại Hồng Kông đã quản lý hai cảng nằm ở lối vào kênh đào ở 2 phía là biển Caribe và đầu bên kia là Thái Bình Dương trong thời gian dài.
Mỹ chủ yếu xây dựng kênh đào và quản lý lãnh thổ xung quanh lối đi trong nhiều thập kỷ. Nhưng Mỹ và Panama đã ký một cặp hiệp định vào năm 1977 mở đường cho việc kênh đào trở lại quyền kiểm soát hoàn toàn của Panama.
Mỹ đã trao trả quyền kiểm soát lối đi hàng hải này vào năm 1999 sau một thời gian quản lý chung.
"Mỗi mét vuông của Kênh đào Panama và khu vực xung quanh đều thuộc về Panama và sẽ tiếp tục thuộc về (Panama)" - Mulino cho biết trong tuyên bố của mình, được đăng tải trên mạng xã hội X.
Ông Trump sau đó đã trả lời lấp lửng với Mulino rằng: "Chúng ta sẽ xem xét điều đó!"
Kênh đào Panama cho phép tới 14.000 tàu qua lại mỗi năm, chiếm 2,5% tổng thương mại đường biển toàn cầu và rất quan trọng đối với hoạt động nhập khẩu ô tô và hàng hóa thương mại của Mỹ bằng tàu container từ Châu Á, và đối với hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Mỹ, bao gồm cả khí đốt tự nhiên hóa lỏng.
Không rõ ông Trump sẽ tìm cách giành lại quyền kiểm soát kênh đào như thế nào và ông sẽ không có cơ sở pháp lý nào theo luật pháp quốc tế để thực hiện nếu ông quyết định giành lại quyền kiểm soát tuyến hàng hải huyết mạch này.
Kênh đào Panama là tuyến hàng hải huyết mạch trong thương mại quốc tế - Ảnh: Reuters
Trong nhiệm kỳ 2017-2021 của mình, Trump đã bày tỏ sự quan tâm đến việc mua Greenland, một lãnh thổ tự trị của Đan Mạch. Ông đã bị chính quyền Đan Mạch công khai từ chối trước khi bất kỳ cuộc trò chuyện nào có thể diễn ra.
Trump đã lặp lại ý tưởng này vào ngày 22/12 trong một tuyên bố công bố lựa chọn đại sứ của mình tại Đan Mạch - Ken Howery.
"Vì mục đích an ninh quốc gia và tự do trên toàn thế giới, Mỹ cảm thấy rằng quyền sở hữu và kiểm soát Greenland là điều hoàn toàn cần thiết" - ông viết trên mạng xã hội Truth Social.