Phiên tòa ngăn chặn chủ nghĩa bá quyền

Thứ Năm, 03/12/2015 09:11  | Anh Duy

|

(CATP) Phiên điều trần của Philippines trước Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague nhằm phản bác yêu sách “chủ quyền” tự xưng của Trung Quốc trên Biển Đông, đã kết thúc vào ngày 30-11-2015.

Manila tự tin các bằng chứng và lập luận của mình đưa ra sẽ thắng Bắc Kinh, khi sử dụng công cụ văn minh để giải quyết tranh chấp là luật pháp quốc tế. Thái độ này thể hiện rõ qua phát biểu của Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario sau phiên điều trần: “Chúng tôi tự tin phó thác số phận của chúng tôi, của khu vực và thật sự là số phận của cả Công ước Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS) cho tòa”.

Ông Rosario muốn nhấn mạnh yêu sách ngụy tạo “chủ quyền” của Trung Quốc bằng “đường 9 đoạn” ôm lấy 80% Biển Đông không chỉ ảnh hưởng đến Philippines, mà còn tác động đến chủ quyền của Việt Nam, Brunei, Malaysia và rộng ra là toàn tuyến hàng hải quốc tế nhộn nhịp đi qua Biển Đông.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam - Lê Hải Bình trong cuộc họp báo hôm 26-11, khi được hỏi về phản ứng đối với phiên điều trần của Philippines tại Tòa PCA - đã thể hiện sự đồng thuận: “Là quốc gia trực tiếp liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông, lập trường nhất quán của Việt Nam là luôn theo đuổi và ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982”. 

Người dân Philippines phản đối yêu sách đòi chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông (Philippines gọi là Biển Tây vì Biển Đông nằm ở phía tây nước này) - Ảnh: AP

Tờ Philstar dẫn lời luật sư Andrew Loewenstein của đoàn Philippines tự tin khẳng định tại tòa: “Tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh tại Biển Đông là vô vọng và không thể bảo vệ khi chiếu theo luật pháp quốc tế”. Theo đó, lập luận chính của Manila là các bãi đá ngầm như Vành Khăn, bãi Cỏ Mây, đá Ken Nan, đá Subi, đá Gaven thuộc quần đảo Trường Sa (Việt Nam) mà một số trong đó bị Trung Quốc cưỡng chiếm, tuyên bố chủ quyền phi pháp đều nằm dưới mực nước triều do UNCLOS quy định. Vì thế không thể lấy các bãi đá này để thiết lập chủ quyền với vùng nước xung quanh như cách Bắc Kinh trước nay vẫn vin vào.  

Ngoài ra các hoạt động bồi lấp, xây đảo nhân tạo ở Trường Sa của Trung Quốc thời gian qua đã ảnh hưởng đến môi trường trên Biển Đông.

Tại tòa, Philippines cũng trưng ra bản đồ cổ từ năm 1784, chứng minh bãi cạn Scarborough nằm trên Biển Đông đã thuộc về nước này từ lâu trước khi Bắc Kinh cử đội tàu đến cưỡng chiếm.

Sau phiên điều trần kéo dài 1 tuần (từ 24 đến 30-11), Tòa PCA đã ra thông cáo nhắc lại những bằng chứng và lập luận của Philippines tại phiên điều trần, đồng thời cho biết sẽ ra phán quyết phân xử cuối cùng vào giữa năm 2016. 

Đoàn Philippines tại tòa PCA. - Ảnh: Official Gazette

Trái với cách hành xử văn minh của Philippines, từ Bắc Kinh - phát ngôn viên Hồng Lỗi của Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên giọng cao ngạo: “Việc đơn phương khởi xướng và thái độ ngang bướng của Philippines khi đưa tranh chấp Biển Đông ra Tòa PCA là một sự khiêu khích chính trị dưới tấm áo choàng luật pháp”.

Thái độ bá quyền, coi thường luật pháp quốc tế ấy còn thể hiện qua động thái mới nhất của Bắc Kinh khi đưa trạm phát điện khổng lồ ra Biển Đông để cung cấp năng lượng cho hệ thống radar quân sự Trung Quốc dựng lên tại đây, dù trước đó nước này khăng khăng rằng không có ý định quân sự hóa Biển Đông.

Cách thức “nói một đường làm một nẻo” khinh thường luật pháp quốc tế, đang cô lập Trung Quốc giữa thế giới văn minh.

Bình luận (0)

Lên đầu trang