Theo Vox, Châu Âu là tập hợp gồm những nước từng chiến đấu chống lại nhau, ví dụ như trong Thế chiến thứ hai. Vì vậy thời hậu chiến. các nước cảm thấy cần phải hợp nhất lại để tránh lịch sử tái diễn, bắt đầu từ ngành công nghiệp than, thép rồi sau đó mở rộng đến các lĩnh vực thương mại khác.
Thông thường, các nước thường đặt ra những quy định để quản lý mọi thứ nhập khẩu vào nuốc mình. Ví dụ bạn muốn chế tạo ô tô ở Pháp rồi bán sang Anh, bạn phải trả thuế nhập khẩu cho điều đó.
Còn nếu bạn là người Pháp và muốn sang Anh sinh sống và làm việc, bạn sẽ phải trải qua những thủ tục nhập cư kéo dài để sang Anh làm việc hợp pháp.
Tây Âu có hàng chục quốc gia. Mỗi quốc gia lại có các quy tắc thương mại, nhập cư, kinh tế riêng của mình. Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu từ một câu hỏi chung: Điều gì sẽ xảy ra nếu các nước có chung một nguyên tắc?
Và đó là những gì Châu Âu đã làm.
Hầu hết các quốc gia Tây Âu đã tham gia nhóm để hợp nhất các quy định kinh tế của họ vào năm 1933. Họ làm điều này bằng cách cho phép người, hàng hóa, dịch vụ và vốn di chuyển tự do giữa các nước thành viên.
EU đã giúp tạo ra một thời kỳ thịnh vượng lâu dài về kinh tế và giữ hòa bình, ổn định cho khu vực.
Đổ vỡ
Dù có nhiều thuận lợi nhưng nếu xảy ra sự cố thì ảnh hưởng sẽ lan ra các nước thành viên còn lại. Đơn cử là cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Ngân hàng Trung ương Châu Âu đã thất bại trong việc ứng phó hiệu quả với cuộc suy thoái này. Tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên và số tiền thu thuế giảm. Các ngân hàng cần cứu trợ và nợ xấu tại một số nước EU tăng vọt.
Thấy EU lâm khủng hoảng, một số nước giàu có như Anh nghi ngờ tính hiệu quả của liên minh này và lo ngại mình phải đứng ra gồng gánh trách nhiệm phải giải cứu các nước kém giàu hơn đang lâm suy thoái.
Và nhiều người Anh cũng không thích nhiều người nước ngoài tràn sang nước này ngày càng nhiều. EU khiến công dân giữa các quốc gia trong nội khối di chuyển sang nước khác sinh sống dễ dàng hơn. Điều này khiến dân Anh có nguồn gốc nước ngoài tăng vọt sau khi London gia nhập EU.
Có hai nguyên nhân dẫn đến xu hướng này:
1/ EU đã mở rộng quy mô tiếp nhận các nước thành viên có nền kinh tế nghèo hơn. Nhiều người trong số các nước nghèo này chọn Anh làm điểm đến để sinh sống, làm việc.
2/ Cuộc khủng hoảng kinh tế 2008 khiến nhiều nước thành viên của EU lâm cảnh khó khăn. Người dân của nước họ mất việc làm đã di chuyển sang các nước thịnh vượng hơn như Anh và Đức để tìm việc làm.
Căng thẳng về vấn đề nhập cư đã gia tăng trong thời gian gần đây ở Anh. Trước đây không ai nghĩ vấn đề này sẽ trở nên căng thẳng.
Nay “gió đã đổi chiều”. Trong một cuộc khảo sát vào năm ngoái, 45% dân Anh tin rằng vấn đề di dân, chủng tộc là một vấn đề nghiêm trọng mà đất nước đang đối mặt. 70% dân Anh tin lượng người nhập cư đến nước này cần được giảm xuống.
Người Anh ngán ngẩm đã chọn cách rời khỏi EU (trưng cầu Brexit) trong tuần này.
Sau cuộc chia ly Brexit, một tương lai hỗn loạn đang chờ đợi nước Anh.
Anh cần ít nhất 2 năm để hoàn tất thủ tục rời khỏi EU. Trong khoảng thời gian này, quyền lợi của một thành viên EU ( thị trường tự do nội khối, tự do di chuyển, tuyển dụng lao động) vẫn được áp dụng.
Nhà kinh tế Jacob Funk Kirkegaard nhận định việc rời khỏi EU sẽ để lại nhiều tác động. Vì dụ như việc bán xe hơi. Hiện tại, các hãng xe Anh có thể yên tâm rằng họ có thể bán xe ở bất kỳ quốc gia EU nào, bởi vì các nước đều có cùng một tiêu chuẩn. Nhưng sau khi Anh rời EU, nếu hai bên không thống nhất được thỏa thuận, thủ tục cho các doanh nghiệp Anh bán xe cho các nước EU có thể phức tạp hơn nhiều.
Mà không chỉ có ô tô, dược phẩm, thực phẩm, công nghệ hay bất cứ sản phẩm nào cũng đều khó khăn cho các doanh nghiệp Anh khi nhập khẩu, phân phối sản phẩm của mình sang các nước EU.
Rồi cả ảnh hưởng đối với 1,2 triệu người Anh đang sinh sống, làm việc ở các nước EU khi họ không còn hưởng quy chế di chuyển tự do trong nội khối nữa. Từ nay, muốn di chuyển họ phải trải qua hàng loạt thủ tục nhập cảnh rườm rà.
Có một kịch bản rằng Anh sẽ cố giữ thỏa thuận kinh tế với EU, cho phép họ giữ các đặc quyền kinh tế, giống như Na Uy (Na Uy không phải là thành viên EU, nhưng nước này đã đồng ý tuân theo một số quy định của EU để đổi lấy quyền thâm nhập thuận lợi thị trường chung châu Âu).
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng EU nhiều khả năng sẽ không tha thứ cho việc Anh chọn rời EU. Còn nếu EU chấp nhận để Anh giống Na Uy thì cuộc trưng cầu Brexit vừa qua xem ra vô nghĩa vì sau chót Anh cũng phải chịu áp dụng các quy định chung của EU.
Những tác động lớn hơn
EU làm giao dịch thương mại giữa các nước thành viên với Mỹ trở nên dễ dàng khi thay vì doanh nghiệp Mỹ phải làm việc riêng với từng nước, họ chỉ phải làm việc với một đầu mối chung là EU. Điều này tương tự cho các thị trường lớn khác của EU như Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc.
Nay rời khỏi EU, Anh còn không được tham gia những cuộc đàm phán chung giữa EU với Mỹ (cũng như các đối tác kinh tế khác) nữa.
Sự ra đi của Anh mở ra một chương buồn của Châu Âu khi các nước khác như Pháp, Tây Ban Nha cũng đang xuất hiện các luồng dư luận đòi rời khỏi EU khi họ cho rằng EU đang thất bại trong xử lý hàng loạt vấn đề từ khủng hoảng kinh tế đến vấn đề di cư.