(CAO) Sau nhiều cuộc thảo luận kéo co qua lại từ cấp bộ trưởng đến cấp thượng đỉnh các chính phủ châu Âu và chủ nợ, về vấn đề nợ công của Hy Lạp, nhưng không đưa đến một kết quả đồng thuận nào và có thể khả thi đối với dân chúng Hy Lạp, thủ tướng Alexis Tsipras quyết định đưa vấn đề ra để giải quyết bằng một cuộc Trưng cầu dân ý vào ngày 05-07-2015.
Vì thế nên Tsipras yêu cầu các chủ nợ cho hoãn trả nợ thêm vài ngày, vì ngày phải trả nợ là ngày 30-06-2015.
Trước đây, vào năm 2011 thủ tướng Giorgos Papandreou đã tuyên bố muốn có sự chấp thuận của dân chúng Hy Lạp bằng một cuộc trưng cầu dân ý. Nhưng dưới sức ép ngăn cản của thủ tướng Đức Angela Merkel và tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, ông Papandreou đã bãi bỏ ý định tổ chức Trưng cầu dân ý rồi từ chức sau đó.
Thủ tướng Tsipras đã triệu tập một phiên họp nội các chính phủ bất thường, sau khi ông đã nhận được một tối hậu thư của các chủ nợ trong tuần này, mà nội dung của bản tối hậu thư này không phù hợp với những giá trị đạo đức của châu Âu.
Tsipras tuyên bố: "Dân tộc Hy Lạp sẽ quyết định, không dưới bất kỳ một áp lực nào."
Lời phát biểu của ông Tsipras nghe rất thống thiết. "Những yêu cầu đó, xâm phạm rõ ràng những nguyên tắc châu Âu và những quyền lợi căn bản về lao động, về bình đẳng và về nhân phẩm con người, đã cho thấy rằng, mục đích của một số đồng minh và một số "cơ quan" không phải là một sự đồng thuận chấp nhận được cho tất cả các bên, mà có thể là một sự nhục mạ cả một dân tộc.
...Như đối với các chính phủ tiền nhiệm, họ yêu cầu chúng tôi sử dụng những biện pháp khắc khổ áp bức một sự bất bình đẳng xã hội, hủy hoại các nguyên tắc của thị trường lao động, giảm lương hưu của người già, tăng thuế TVA lên mọi thực phẩm và có mục đích nhục mạ cả một dân tộc.
Đây là một trách nhiệm lịch sử hiện ra cho chúng tá để quyết định tương lai của đất nước...và trong những ngày sắp tới phải có một quyết định, mà các thế hệ tương lai sẽ bị phụ thuộc vào đó."
Dân chúng Hy Lạp chống lại mọi biện pháp cắt giảm và tăng thuế trên đầu của họ, theo sự đòi hỏi của chủ nợ. Biện pháp tăng thuế gián thâu TVA lên 23% hay 29% chỉ làm cho nền kinh tế Hy Lạp suy sụp mạnh hơn và nhanh hơn. Các biện pháp cắt giảm và tăng thuế khiến cho cả một xã hội hy Lạp từ người già cho đến trẻ em sơ sinh cần bú sữa...đều bị đụng chạm, bị "thắt lưng buộc bụng" đúng nghĩa của nó, tức giảm ăn, giảm tiêu thụ.
Ông Tsipras đã được dân bầu lên từ lời hứa hẹn là sẽ ngưng chặn những biện pháp, những áp lực lên đời sống của dân chúng.
Nhiều bộ trưởng sẽ kêu gọi dân chúng chống lại "Gói biện pháp cải tổ" do chủ nợ đặt ra. Ông Nikos Pappas nói "Chúng tôi sẽ khẩn cầu dân chúng trả lời "Không" đối với một áp lực hăm dọa."
Ông Panos Kammenos diễn tả khẩn thiết hơn: "Dân chúng Hy Lạp sẽ trả lời "Không" đối với sự "Đầu Hàng" của đất nước họ, như họ đã làm vào năm 1940 trước sự đe dọa của nước Đức".
Thủ lĩnh của đảng đối lập Antonis Samaras cho rằng, cuộc Trưng cầu dân ý sẽ trả lời câu hỏi là Hy Lạp có muốn còn là thành viên của khối Liên minh châu Âu hay không ?
Ngay sau lời tuyên bố của Tsipras, dân chúng ào đến các máy rút tiền tự động để rút tiền, nhưng con số tiền để sẵn trong các máy rút tiền chỉ có hạn, nên đã xảy ra những cuộc đánh nhau trước máy rút tiền.