Có được lắp camera hướng sang nhà hàng xóm không?

Thứ Hai, 26/12/2022 16:01

|

Hỏi: Ông C. lắp 3 camera hướng thẳng vào phòng ngủ và phòng khách của gia đình tôi khiến cuộc sống, sinh hoạt của chúng tôi bị đảo lộn, căng thẳng vì luôn bị theo dõi, rình mò. UBND phường hai lần mời làm việc nhưng ông C. vắng mặt, cho rằng gắn camera để bảo vệ. Xin hỏi việc gắn camera làm ảnh hưởng đến lối xóm có vi phạm pháp luật không, ông C. tự ý sử dụng hình ảnh của gia đình tôi thì có bị xử lý không? (Phạm Thị Ngọc D., ngu quận 4).

Trả lời: Theo Điều 21 Hiến pháp 2013, mọi người đều có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.

Điều 38 Bộ Luật Dân sự 2015 cũng quy định: Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Như vậy, việc hàng xóm lắp camera hướng vào nhà bạn có thể xem là hành vi xâm phạm quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân người khác. Nếu thấy đời sống riêng tư bị xâm phạm, chính quyền địa phương đã mời làm việc mà người hàng xóm không chịu thay đổi hướng camera, bạn có thể khởi kiện ra tòa án buộc chấm dứt hành vi và yêu cầu bồi thường (nếu có thiệt hại). Để khởi kiện, bạn cần chứng minh được thiệt hại, bị xâm phạm đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền và lợi ích hợp pháp khác.

* Hành vi tự ý sử dụng thông tin, hình ảnh của người khác đưa lên mạng xã hội có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP như sau:

- Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

- Phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc bí mật đời tư của cá nhân mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Đồng thời, người có hành vi vi phạm phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm.

* Hành vi lắp camera chĩa sang nhà hàng xóm rồi sử dụng, phát tán hình ảnh lên mạng xã hội, xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về "Tội làm nhục người khác" theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015.

Tùy theo tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi mà người có hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác sẽ bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu đến 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, phạt tù từ 3 tháng đến 5 năm.

Bình luận (0)

Lên đầu trang