Giải đáp pháp luật:

Giới hạn xét xử của tòa án

Thứ Hai, 31/07/2023 11:53

|

Hỏi: Trong vụ án "chuyến bay giải cứu", vì sao có nhiều bị cáo bị tuyên án nặng hơn nhưng có người khác lại hưởng án nhẹ hơn so với đề nghị của Viện kiểm sát. Trường hợp bị cáo Phạm Trung Kiên đề nghị tử hình được tuyên án chung thân, bị cáo Hoàng Văn Hưng bị tuyên án chung thân trong khi đề nghị tù có thời hạn? (Hoàng Long, TPHCM).

Trả lời:

* Điều 298 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định về Giới hạn của việc xét xử như sau:

1. Tòa án xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố và Tòa án đã quyết định đưa vụ án ra xét xử.

2. Tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố.

3. Trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết; nếu Viện kiểm sát vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó.

Khi quyết định hình phạt, Tòa án phải căn cứ vào các quy định của pháp luật hình sự; cân nhắc tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Trên cơ sở đó quyết định mức hình phạt cụ thể áp dụng cho người phạm tội sao cho công bằng, hợp lý nhằm bảo đảm mục đích của hình phạt vừa trừng trị, vừa giáo dục, cải tạo người phạm tội.

* Trong vụ án "chuyến bay giải cứu", bị cáo Phạm Trung Kiên bị truy tố tội Nhận hối lộ theo khoản 4 Điều 354 BLHS, hình phạt quy định là tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Như vậy, mức án chung thân hay tử hình vẫn nằm trong điều khoản mà VKS truy tố. Lý do bị cáo Kiên được giảm nhẹ hình phạt là bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, khắc phục hơn 42 tỷ đồng trong tổng số 42,6 tỷ đồng nhận hối lộ. Trong đó, việc khắc phục hậu quả 42 tỷ đồng là tình tiết giảm nhẹ "đặc biệt" quy định tại điểm c khoản 3, khoản 4 Điều 40 BLHS: Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà chủ động nộp lại ít nhất ¾ tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân.

Đối với bị cáo Hoàng Văn Hưng bị truy tố tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 4 Điều 174 BLHS có mức án tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. VKS đề nghị mức án 19 - 20 năm tù nhưng Tòa án quyết định tù chung thân cũng nằm trong cùng điều khoản mà VKS truy tố. Bị cáo Hưng bị tuyên án nặng hơn vì hành vi lừa đảo chiếm đoạt số tiền 800.000 USD là đặc biệt nguy hiểm, bị cáo không thành khẩn khai báo, không ăn năn, không khắc phục hậu quả... nên không được hưởng chính sách khoan hồng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang