(CATP) Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, một số trường hợp sau khi cho người thân, quen mượn tiền để giải quyết công việc, nhưng đến hạn trả đã phải khóc ròng khi không đòi được nợ, thậm chí còn bị... xù!
Giữa năm 2022, ông T.Đ.T (ngụ chung cư Phú Mỹ Thuận, huyện Nhà Bè, TPHCM) cho người quen là ông P.T.P (ở TP.Huế) mượn 500 triệu đồng. Do ông T. vừa bán đất xong nên giao bằng tiền mặt, việc giao dịch không có giấy tờ, văn bản vay mượn, nhưng được nhiều người trong gia đình nạn nhân làm chứng.
Đến nay đã hơn 1 năm trôi qua, ông P. không có ý định trả tiền, khi ông T. liên lạc qua điện thoại thì người này trở mặt, bảo “không quen biết”. Quá bức xúc, nạn nhân T. đã cầu cứu đến pháp luật.
Ông T.Đ.T rất bức xúc vì người mượn tiền không trả
Tương tự, sau Tết vừa qua, anh N.M.H (ngụ TP.Thủ Đức, TPHCM) cho 1 người bạn thời đại học mượn 300 triệu đồng để trả nợ ngân hàng. Tin bạn, anh H. không ghi giấy mượn tiền. Bên mượn hứa trong vòng 2 tháng sẽ trả đủ, nhưng đến nay đã quá hạn vài tháng song lúc liên hệ đòi tiền bạn cũ thì anh H. mới té ngửa khi người này đã khóa sim, dùng số khác. Tìm tới chung cư ở Q7 (nơi người bạn cũ cho biết đang tá túc) hỏi thăm nhưng chẳng ai biết, lúc này nạn nhân đành kêu trời vì sự nhẹ dạ cả tin của mình.
Luật sư Nguyễn Minh Thuận
Luật sư Nguyễn Minh Thuận - Đoàn Luật sư TPHCM - nhận định, người mượn tiền nhưng không trả theo thời hạn đã phạm vào tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” quy định tại điều 175 Bộ luật Hình sự.
Cụ thể, căn cứ khoản 4 điều 175 bộ luật này, người nào chiếm đoạt số tiền lên đến 500 triệu đồng phải đối diện với mức án từ 12 - 20 năm tù. Nạn nhân nên làm đơn tố cáo đến cơ quan cảnh sát điều tra của công an nơi người mượn tiền đăng ký thường trú để cơ quan chức năng xử lý theo quy định pháp luật.