Trong Báo cáo 3336/BC-UBND-BTGPMB gửi lãnh đạo Thành ủy TPHCM và cơ quan chức năng ngày 21/6/2023, Phó chủ tịch UBND Q7 Lê Văn Thành cảm ơn và tiếp thu phản ánh của Chuyên đề Công an TPHCM (CATP) về kiến nghị của các hộ dân trong Dự án (DA) xây mới cầu Rạch Đỉa.
Qua rà soát, có 2/4 hộ được xem xét, điều chỉnh. Đó là hộ cụ Nguyễn Thị Mười, có 31,2m2/232,9m2 đất bị thu hồi được xác định lại là “đất ở” với giá bồi thường (BT) gấp 8,4 lần (từ 8,352 triệu lên 70,64 triệu đồng/m2); còn hộ bà Huỳnh Thị Tý, toàn bộ 91m2 bị thu hồi được điều chỉnh là đất ở.
CHÚT NIỀM VUI TUỔI GIÀ...
Cụ Mười phấn khởi bày tỏ: Gia đình rất biết ơn Chuyên đề CATP đã cử PV đến khu vực DA, lắng nghe người dân trình bày, kiểm tra thực tế sử dụng đất (SDĐ), thu thập tài liệu liên quan, sau đó viết bài phản ánh. Bài báo 2 kỳ đăng ngày 14 và 15/6/2023 chỉ rõ vấn đề gây bức xúc của các hộ dân bị thu hồi đất. Xây cầu Rạch Đỉa mới, rộng, kiên cố, nối liền Q7 và huyện Nhà Bè để giao thông thuận tiện, ai cũng thích nên rất ủng hộ. Tiếc rằng việc áp giá bồi thường, hỗ trợ (BT, HT) đối với một số hộ chênh lệch nhiều lần với những lý do thiếu thuyết phục.
Cụ Mười trình bày sự việc
Ngay sau khi báo đăng, chiều 16/6/2023 Phó chủ tịch UBND Q7, Chủ tịch Hội đồng bồi thường - hỗ trợ - tái định cư (BT-HT-TĐC) Lê Văn Thành đã dẫn đầu đoàn công tác gồm lãnh đạo các phòng ban chức năng và Chủ tịch UBND P.Tân Phong xuống nhà cụ Mười khảo sát thực trạng, xem xét các giấy tờ pháp lý về nhà, đất do gia đình cung cấp liên quan đến phần đất bị thu hồi. Hội đồng BT-HT-TĐC cam kết giải quyết việc BT đúng quy định pháp luật, bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người dân.
Cụ Mười nêu ý kiến: Nhà, đất có trước năm 1975 đến nay. Đất của gia đình là đất thổ tập trung, nhà chính nằm bên trong, phía giáp đường làm sân và hiên. Đây là đặc thù và hiện trạng của những hộ sống lâu năm tại huyện Nhà Bè, Q7. Gia đình yêu cầu BT theo giá đất ở, diện tích ngoài hạn mức thì thu tiền SDĐ vượt hạn mức theo quy định.
Chiều 22/6/2023, Tổ công tác thuộc Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) Q7 đến nhà cụ Mười, thông tin: Theo sổ đăng ký ruộng đất (Tài liệu 299/TTg), diện tích đất giải tỏa của cụ có 31,2m2 đủ điều kiện đền bù “đất ở”.
DÂN RẤT ĐỒNG TÌNH, CẦN SỰ CÔNG MINH
Báo cáo 3336 của Ủy ban nhân dân (UBND) Q7 có 4 điểm đáng lưu ý:
Thứ nhất, giá “đất ở” mặt tiền đường Lê Văn Lương là 10,1 triệu đồng/m2, nhân “hệ số K” 6,995, thành 70,649 triệu đồng/ m2; giá đất nông nghiệp mặt tiền đường Lê Văn Lương là 450 ngàn đồng/m2, nhân “hệ số K” 18,562, thành 8,352 triệu đồng/ m2. Hiện có 41/50 hộ đồng ý phương án BT-HT-TĐC và bàn giao mặt bằng với tổng số hơn 101,49 tỷ đồng (chiếm 92,21%). Có 9/50 hộ chưa đồng ý phương án BT giá đất nông nghiệp, với tổng số 8,402 tỷ đồng (7,634%), yêu cầu được BT theo giá “đất ở”.
Hiện trạng cầu Rạch Đỉa phía quận 7
Thứ hai, ngày 16/6/2023 Chủ tịch Hội đồng BT-HT-TĐC khảo sát thực tế, trao đổi trực tiếp với từng hộ dân, giải thích các quy định pháp luật về thu hồi đất, BT, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, đồng thời đề nghị các hộ tiếp tục cung cấp tài liệu mới để hội đồng rà soát lại. Hai hộ cụ Mười và bà Tý cung cấp thêm tài liệu pháp lý mới. Ngày 20/6/2023, hội đồng đã họp và thông qua kết quả rà soát.
Thứ ba, qua kiểm tra, rà soát đối với 4 trường hợp Chuyên đề CATP phản ánh, kết quả như sau: Đối với hộ cụ Mười: Từ tài liệu do cụ cung cấp, Hội đồng BT-HT-TĐC đã họp ngày 20/6/2023, thống nhất phần diện tích 31,2m2 là “đất ở”. UBND Q7 đang điều chỉnh quyết định BT, thông tin kết quả đến hộ cụ Mười trong tháng 6/2023.
Với hộ bà Tý: Ngày 20/6/2023, ông Huỳnh Văn Phụng - con bà Tý - cung cấp bản chính giấy chứng nhận (GCN) quyền SDĐ do UBND huyện Nhà Bè cấp ngày 29/01/1995 cho mẹ bà Tý. Hội đồng thống nhất toàn bộ phần diện tích 91m2 bị thu hồi là “đất ở”. UBND Q7 đang điều chỉnh lại quyết định BT.
Với hộ ông Đoàn Văn Phương (bị thu hồi 38,8m2) và Đoàn Văn Mười Ba (bị thu hồi 142,3m2, trong đó có 41,2m2 là đất giao thông), hội đồng thống nhất cả hai phần diện tích này không đủ điều kiện cấp GCN đất ở nhưng đủ điều kiện cấp GCN đất nông nghiệp. UBND Q7 sẽ đối thoại với ông Phương và ông Mười Ba, giải thích các quy định pháp luật, vận động 2 gia đình chấp hành chủ trương bàn giao mặt bằng trong tháng 6/2023.
Riêng với hộ ông Phương, việc xác định loại đất chưa đúng, áp giá sai, phải thực hiện điều chỉnh phương án BT, HT 2 lần là sai sót của UBND P.Tân Phong, Phòng Tài nguyên - Môi trường và Ban BTGPMB. Các đơn vị phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, trực tiếp xin lỗi hộ này.
Thứ tư, về phương hướng thực hiện: Căn cứ tài liệu pháp lý mới được cung cấp, Hội đồng BT-HT-TĐC khẩn trương tổng rà soát lần cuối hồ sơ của 4 hộ nêu trên cùng 5 hộ chưa ký phương án BT-HT-TĐC và chưa đồng ý bàn giao mặt bằng. Quận sẽ tổ chức đối thoại trực tiếp với từng hộ, tiếp tục giải thích rõ các quy định pháp luật được áp dụng cho từng nội dung cụ thể còn vướng mắc, chưa rõ; công khai các hồ sơ BT, HT của các hộ liền kề để 9 hộ đồng thuận, bàn giao mặt bằng.
Trao đổi với PV Chuyên đề CATP ngày 28/6/2023, đại diện gia đình cụ Mười bày tỏ: Với sự rà soát lại, phần đất bị thu hồi 232,9m2 mặt tiền đường Lê Văn Lương được Hội đồng BT-HT-TĐC chia thành “4 khúc”. Trong đó, khúc 1 với 31,2m2 được điều chỉnh thành “đất ở”, giá BT 70,64 triệu đồng/m2; khúc 2 với 61,8m2 (đất trống) và khúc 3 với 93,7m2 (có nhà) được BT, HT “đồng giá” 8,352 triệu đồng/ m2; khúc 4 với 46,2m2 là “đất rạch” giá chỉ 450 ngàn đồng/m2.
Thực tế, cả ba khúc 1, 2, 3 đều thuộc thửa 238, được các cơ quan từ phường đến quận rồi thành phố (Văn bản 3577/ VPĐK-LT ngày 04/5/2023 của Văn phòng Đăng ký đất đai TPHCM) xác định là “đất thổ tập trung”. Hơn nữa, trên phần đất này có căn nhà xây trước thời điểm 30/8/1999 thể hiện rõ trong tờ đăng ký nhà đất đã được UBND P.Tân Phong xác nhận.
Con trai cụ Mười bày tỏ: “Khu đất sử dụng để ở suốt hơn nửa thế kỷ nhưng được xác định là “đất nông nghiệp trồng cây lâu năm” thì quá “thảm”, áp giá BT càng “thương” hơn! Tôi được biết DA đường Vành đai 3 đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương, “đất ở” nằm trên mặt tiền xa lộ Hà Nội bị giải tỏa được BT 41,99 triệu đồng/m2, đất nông nghiệp 20,99 triệu đồng/m2, chênh lệch chỉ 2 lần. Trong khi đó, DA cầu Rạch Đỉa chênh đến 8,4 lần, quá thiệt thòi cho gia đình tôi cùng một số hộ được duyệt là “đất nông nghiệp”! Tôi thỉnh cầu lãnh đạo UBND Q7 soát xét tận tường, công minh, thấu tình đạt lý, để gia đình gỡ được “nút thắt” trong lòng, ổn định cuộc sống...”.
Chuyên đề CATP trân trọng ghi nhận, hoan nghênh tinh thần tiếp thu ý kiến của lãnh đạo UBND Q7 và luôn đồng hành cùng UBND Q7 trong tuyên truyền, vận động các hộ đồng thuận với chủ trương, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư để triển khai DA đúng tiến độ.