(CATP) Thời gian qua, Báo Công an TP.HCM đã có nhiều bài phản ánh về bốn cán bộ BQL huyện Hòa Thành bị điều tra, truy tố, xét xử vì đã… linh hoạt giúp công trình của huyện này kịp tiến độ. Mới đây nhất, ngày 28-5, TAND tỉnh Tây Ninh đã mở phiên xét xử và tuyên án từ 2 năm đến 6 năm tù và bắt giam các bị cáo ngay tại tòa, đã gây hoài nghi cho những người liên quan và các chuyên gia về pháp luật.
Nguyên Chánh tòa hình sự TANDTC - ông Đinh Văn Quế có bài viết phân tích những vấn đề pháp lý đối với vụ án này.
Có thể nói, đây là vụ án mà các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Tây Ninh đã “thống nhất” đến không ngờ khi khởi tố, truy tố và xét xử bốn cán bộ của BQL Hòa Thành gồm Cao Sơn Nhân, Nguyễn Thiên Dân, Dương Thị Thu Hòa và Đỗ Tú Toàn không đúng người, đúng tội. Điều gì đã thúc đẩy các cơ quan tiến hành tố tụng cố tình làm như vậy?!
Giả thiết các cán bộ này có tội như TAND tỉnh Tây Ninh xác định thì cũng chỉ là tội phạm về kinh tế, với bản án mà HĐXX áp dụng đối với họ không đến mức phải “bắt giam ngay sau khi tuyên án”.
Các bị cáo Toàn, Nhân, Dân, Hòa sốc khi nghe tòa tuyên án
Việc bắt giam không chỉ gây “sốc” cho các bị cáo mà làm cho những người theo dõi phiên tòa thấy hình như có sự “cố chấp”, sắp đặt từ trước của tòa án với VKS và CA. Trong khi các bị cáo luôn chấp hành đúng quy định của tòa án, không có ý định bỏ trốn, khi cơ quan tiến hành tố tụng triệu tập và ở cả bốn phiên tòa (sơ thẩm, phúc thẩm) các bị cáo luôn có mặt đầy đủ.
Việc bắt người bị kết án để thi hành án phạt tù đã được quy định rất rõ trong Bộ luật tố tụng hình sự. Khoản 2 Điều 329 BLTTHS quy định: “Trường hợp bị cáo không bị tạm giam nhưng bị xử phạt tù thì họ chỉ bị bắt tạm giam để chấp hành hình phạt khi bản án đã có hiệu lực pháp luật. Hội đồng xét xử có thể ra quyết định bắt tạm giam bị cáo ngay tại phiên tòa nếu có căn cứ cho thấy bị cáo có thể trốn hoặc tiếp tục phạm tội”.
Khoản 2 Điều 364 BLTTHS cũng quy định: “Thời hạn ra quyết định thi hành án là 7 ngày kể từ ngày bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày nhận được bản án, quyết định phúc thẩm, quyết định giám đốc thẩm, quyết định tái thẩm”.
Và tại khoản 3 điều luật này cũng quy định: “Trường hợp người bị kết án phạt tù đang tại ngoại thì quyết định thi hành án phạt tù phải ghi rõ trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được quyết định, người đó phải có mặt tại cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện để thi hành án. Trường hợp người bị kết án phạt tù đang tại ngoại mà bỏ trốn thì Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án yêu cầu cơ quan thi hành án hình sự công an cấp tỉnh nơi người bị kết án phạt tù đang tại ngoại ra quyết định truy nã”.
Không biết tòa án cấp sơ thẩm khi quyết định bắt ngay các bị cáo sau khi tuyên án có chứng minh là bốn bị cáo này có thể trốn hoặc tiếp tục phạm tội hay không? Dù xét từ góc độ nào đi nữa thì việc tòa án cấp sơ thẩm quyết định bắt các bị cáo ngay sau khi tuyên án cũng là “không bình thường”. Phải chăng vụ án đã nhiều lần xét xử nhưng thấy khó kết tội các bị cáo nên “cứ bắt cho lành”, để họ ở ngoài không khéo lại gây khó cho cơ quan tiến hành tố tụng!?
Đây cũng là vụ án khá đặc biệt, sau khi xét xử sơ thẩm lần thứ nhất, tòa án cấp phúc thẩm thấy chứng cứ chưa đầy đủ đã phải hủy án sơ thẩm để điều tra lại. Lần thứ hai tòa án cấp sơ thẩm lại phải trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung và “nhùng nhằng” đến lần thứ ba thì kết án các bị cáo về tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo khoản 3 Điều 165 BLHS 1999, trong khi đó thì tội phạm này đã bị bãi bỏ vì không còn phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội nữa.
Trở lại Điều 165 BLHS 1999, muốn kết án một người về tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” thì phải hội tụ đủ các dấu hiệu sau: “Phải có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn; phải thực hiện hành vi này do cố ý; phải gây hậu quả nghiêm trọng và đã bị xử lý kỷ luật về hành vi cố ý làm trái... mà còn vi phạm”. Vậy các bị cáo lợi dụng chức vụ, quyền hạn như thế nào để cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế?
Việc bốn người Nhân, Dân, Hòa, Toàn chuyển tiền cho Công ty Phương Hậu đã được chứng minh và lý giải rất rõ tại các phiên tòa. Công ty Phương Hậu là đơn vị cung cấp vật liệu xây dựng cho ông Lâm Tấn Dũng, ông Dũng có bản đề xuất chi thẳng tiền cho Công ty Phương Hậu, vì nếu không mua được vật liệu sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Trên thực tế đúng như vậy.
Tuy việc chuyển tiền có sai đối tượng nhưng là do người được thụ hưởng số tiền này (ông Dũng) yêu cầu. Nếu do việc chuyển sai đối tượng này dẫn đến mất tiền thì các bị cáo mới có lỗi. Hơn nữa trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử, các cơ quan tố tụng đều xác định việc cho tạm ứng tiền là chủ trương của lãnh đạo huyện, các bị cáo làm theo chỉ đạo của cấp trên, sao gọi là cố ý làm trái (?!). Còn về hậu quả, số tiền chuyển sai không bị mất, UBND và BQL huyện Hòa Thành luôn khẳng định không có thiệt hại và không yêu cầu các bị cáo phải bồi thường.
Về lý luận, khoản 1 Điều 165 là cấu thành cơ bản của tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” tức là người phạm tội phải hội tụ đủ các dấu hiệu cấu thành cơ bản thì mới tính đến hậu quả thuộc khoản 2 hay khoản 3 của điều luật.
Giả sử bốn người Nhân, Dân, Hòa, Toàn có “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” thật, thì còn có một dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm là người phạm tội phải bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm. Vậy hành vi tạm ứng tiền sai đối tượng đã bị xử lý kỷ luật chưa? Chẳng thấy ai nói đến cả. Vậy sao gọi là hành vi phạm tội được. Các cơ quan tiến hành tố tụng căn cứ vào số tiền mà các bị cáo chuyển sai đối tượng, sau khi thu hồi tiền thì căn cứ vào khoản tiền lãi phát sinh để quy kết họ phạm tội theo khoản 3 Điều 165 là không đúng về lý luận cấu thành tội phạm này.
Mong rằng, tòa án cấp phúc thẩm cần xem xét thấu đáo, minh oan cho các người: Cao Sơn Nhân, Nguyễn Thiên Dân, Dương Thị Thu Hòa và Đỗ Tú Toàn, lập tức trả tự do cho họ để tránh oan sai kéo dài.
(CATP) Sau 3 ngày nghị án, chiều 28-5, TAND tỉnh Tây Ninh phán quyết bốn cán bộ BQL Hòa Thành gồm Cao Sơn Nhân, Nguyễn Thiên Dân, Dương Thị Thu Hòa, Đỗ Tú Toàn phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo khoản 3 Điều 165 BLHS, bắt giam các bị cáo ngay sau khi tuyên án.
ĐINH VĂN QUẾ, nguyên Chánh tòa án Hình sự TAND Tối cao