Vụ án "chém nhầm" ở Cà Mau:

Kiểm sát viên có dấu hiệu sai phạm, tòa từ chối bồi thường

Thứ Ba, 24/03/2020 18:22  | Thu Hiền

|

(CATP) Sáng 20-3-2020, phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án "cố ý gây thương tích" theo đơn kháng cáo kêu oan của các bị cáo Đặng Hữu Thời, Lâm Hải Long, Lê Phước Trung và Nguyễn Hoài Nam bất ngờ tuyên bố hoãn xử, vì vắng mặt người bị hại. Trước đó, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, TAND Tối cao đã chỉ thị tạm dừng mở các phiên tòa đến hết tháng 3-2020, nhưng TAND tỉnh Cà Mau vẫn quyết định đưa vụ án ra xét xử công khai.

Trong một diễn biến mới, cùng ngày 20-3, thẩm phán chủ tọa phiên tòa đã làm việc với những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tố cáo kiểm sát viên (KSV) làm sai lệnh hồ sơ vụ án.

KSV CÓ DẤU HIÊU XÂM PHẠM HOẠT ĐỘNG TƯ PHÁP

Người bị tố cáo là ông Ngô Kiên Đ. - KSV thuộc VKSND TP.Cà Mau. Tại phiên tòa sơ thẩm lần 2 cuối tháng 11- 2019, luật sư bào chữa cho các bị cáo đề nghị thay đổi KSV vì cho rằng, ông Đ. chưa làm đúng vai trò của VKS qui định tại Điều 107 Hiến pháp 2013 và Luật tổ chức VKSND năm 2014.

Theo luật sư, ông Đ. đã cố tình vận dụng sai quy định về giám hộ đối với Lâm Hải Long bị bắt khi chưa đủ 16 tuổi. Khi làm việc với bị cáo này ông Đ. nhiều lần lớn tiếng nạt nộ, dọa nạt buộc phải đối chất theo hướng dẫn. Nghiêm trọng nhất, vụ án có 7 nghi phạm thì 3 người bị oan sai gồm Nguyễn Anh Duy, Hà Gia Nguyên và Lâm Tấn Phong, trong đó Anh Duy từng bị KSV đề nghị mức án 5 - 6 năm tù với tình tiết tăng nặng không thật thà khai báo.

Liên quan đến Lâm Hải Long, một nhân chứng quan trọng là Nguyễn Phương Nam (biệt danh Nam "heo rừng") khai rằng, lúc hơn 12 giờ đêm 14-3-2015 Nam cùng đi ăn bánh mì với Lâm Hải Long, Nguyễn Mạnh Tuấn, Lê Hà Duy, sau đó về nhà Long ngủ với Long và mấy người bạn khác. Đây là lời khai chứng minh bị cáo Lâm Hải Long ngoại phạm và nếu căn cứ theo lời khai này thì Thời, Nam, Trung cũng vô can. Bởi lẽ cáo trạng buộc tội Thời điện thoại kêu Long, Long điện thoại cho Nam, Nam kêu Trung cùng đi đánh nhau.

Vậy Nam "heo rừng" ở đâu, vì sao không ra tòa làm chứng? Nghi vấn này nhiều lần được luật sư đặt ra nhưng hồ sơ vụ án và các phiên tòa đều không lý giải được. Mới đây, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm bà Lê Thanh Nhàn (mẹ Lê Phước Trung), bà Tào Mỹ Hạnh (mẹ Đặng Hữu Thời), bà Nguyễn Kim Huê (mẹ Lâm Hải Long) và bà Thái Mỹ Hạnh (bà ngoại Nguyễn Hoài Nam) đồng loạt gửi đơn tố cáo ông Đ. có hành vi cố tình làm sai lệch hồ sơ vụ án, vi phạm nguyên tắc tố tụng.

Theo đơn tố cáo, những người này đang giữ 2 file ghi âm buổi làm việc giữa KSV Ngô Kiên Đ. với Nguyễn Phương Nam ngày 17-2-2017 tại trụ sở Công an xã Lý Văn Lâm và Công an TP.Cà Mau. Nội dung ghi âm cho thấy KSV có những lời nói kích động, khích bác để Nam "heo rừng" khai sai sự thật. Trong đó có đoạn ông Đ. đe dọa sẽ bắt giam nếu Nam "heo rừng" thừa nhận sự thật ngủ tại nhà Lâm Hải Long vào đêm xảy ra vụ án. Cùng với việc mớm cung, KSV còn dẫn dụ, gợi ý cho Nam "heo rừng" rời khỏi địa phương để bưng bít chứng cứ ngoại phạm đối với Lâm Hải Long và các bị cáo khác (hiện nay chúng tôi có bản sao 2 file ghi âm này).

Nguyễn Anh Duy - người bị oan sai trong vụ án.

THỪA NHẬN OAN SAI NHƯNG TỪ CHỐI BỒI THƯỜNG

Trên các số báo Công an TPHCM ngày 17-12-2019 và 17-3-2020 nói rõ sự tắc trách của các cơ quan tố tụng đã khiến 3 người bị oan sai, trong đó Nguyễn Anh Duy bị tạm giam 27 tháng và tuyên án 5 năm tù tại phiên tòa sơ thẩm lần đầu. Sau khi bản án bị cấp phúc thẩm hủy để điều tra lại, ngày 1-8-2019 VKSND TP.Cà Mau có quyết định số 01/QĐ-VKS đình chỉ vụ án vì không đủ căn cứ kết luận có sự việc phạm tội đối với bị can Nguyễn Anh Duy.

Ngày 21-11-2019, Nguyễn Anh Duy nộp đơn yêu cầu TAND TP.Cà Mau phục hồi danh dự, công khai xin lỗi tại nơi cư trú và bồi thường thiệt hại 964 triệu đồng. Sau 20 ngày thụ lý, TAND TP.Cà Mau ra thông báo số 720/TB-TA trả lại đơn yêu cầu. Lý do cơ quan này từ chối trách nhiệm bồi thường vì Duy được đình chỉ vụ án nhưng VKS tiếp tục truy tố, tòa án vẫn xét xử Đặng Hữu Thời, Lâm Hải Long, Lê Phước Trung và Nguyễn Hoài Nam về tội cố ý gây thương tích. Sau khi xét xử sơ thẩm các bị cáo kháng cáo và đang chờ xét xử phúc thẩm. Do vậy chưa đủ căn cứ xác định Nguyễn Anh Duy có phạm tội hay không.

Thông báo số 720/TB-TA viện dẫn điểm h khoản 2 Điều 43 Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước năm 2017. Tuy nhiên, điều luật này quy định cơ quan không thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường khi yêu cầu đó đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Ở đây, Duy chưa hề được giải quyết bồi thường bằng bản án hay quyết định đã có hiệu lực pháp luật, mặt khác 4 bị cáo Thời, Long, Nam, Trung kháng cáo kêu oan là quan hệ pháp luật của 4 người khác biệt không liên quan đến Nguyễn Anh Duy, cớ gì phải chờ kết quả phúc thẩm của 4 người này.

Luật sư Nguyễn Thanh Lương - nguyên phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bến Tre cho rằng, việc từ chối bồi thường của TAND TP.Cà Mau là sai vì căn cứ khoản 2 Điều 9 và khoản 3 Điều 18 Luật TNBTCNN thì Duy đủ điều kiện bồi thường do có quyết định có hiệu lực của VKS xác định không có sự việc phạm tội. Còn theo Điều 36 thì TAND TP.Cà Mau cấp sơ thẩm là nơi có trách nhiệm giải quyết bồi thường vì đã tuyên bị cáo có tội.

Xem ra vụ án vẫn còn nhiều uẩn khúc cần làm sáng tỏ. Chặng đường phục hồi danh dự cho người bị oan sai cũng còn lắm nhiêu khê, nhất là khi những người tiến hành tố tụng chưa thể hiện sự công tâm và tuân thủ đúng pháp luật.

Bình luận (0)

Lên đầu trang