Kỳ án nữ doanh nhân bị “bắt cóc”, cưỡng đoạt tài sản

Thứ Tư, 03/04/2019 21:29

|

(CATP) Bị nợ số tiền 4,5 tỷ đồng mãi không trả, bà Lê Thị Thảo được một người đàn ông nói sẽ cho em trai đòi nợ giúp.

Sau đó vụ bắt cóc “con nợ” để đòi tiền xảy ra, các đối tượng này vướng vào tội bắt giữ người trái pháp luật và cưỡng đoạt tài sản. Sau 9 năm qua nhiều phiên xét xử, vụ án vẫn loay hoay với tội trạng của các bên liên quan.

DIỄN BIẾN VỤ “BẮT CÓC” ĐÒI NỢ

Theo hồ sơ vụ án, do quen biết nhau, bà Nguyễn Thị Phương Nam (SN 1971) có vay tiền của bà Lê Thị Thảo (SN 1979) có mối quan hệ vay tiền để làm ăn. Đến năm 2010, bà Nam còn nợ bà Thảo 4,5 tỷ đồng, lãi suất - theo bà Nam khai là từ 9-15% / tháng; còn theo bà Thảo là 3 - 6%/tháng.

Sau nhiều lần đòi tiền bà Nam không được, bà Thảo kể với người bạn là ông C. và ông này gọi điện cho bạn là Trần Văn Hinh đến. Ông Hinh hứa sẽ nhờ em trai mình đòi nợ giúp bà Thảo. Trần Văn Miên (SN 1968, trú tỉnh Phú Thọ) là em trai của ông Hinh, sau đó đã vào TPHCM giúp Lê Thị Thảo. Do không thông thuộc đường, Miên rủ Nguyễn Anh Đức cùng Thảo và Lưu Quang Ngọc Đức (lái xe của Thảo) tìm bà Nam đòi nợ.

Phiên tòa phúc thẩm

Khoảng 13 giờ ngày 10-12-2010, Miên đến nhà bà Nam tại chung cư Hoa Sứ, P7, Q.Phú Nhuận, TP.HCM). Đến nơi biết bà Nam vừa ra khỏi chung cư, Miên đi xe ôm bám theo và gọi điện thoại báo cho Thảo.

Khi thấy anh Lê Hoàng Thanh chở bà Nam đến ngã tư Lê Duẩn - Phạm Ngọc Thạch, có đèn đỏ nên dừng lại, Miên nói người lái xe ôm áp sát mô tô chở bà Nam. Miên yêu cầu bà Nam sang ôtô của Thảo đang đậu phía sau để nói chuyện.

Bà Nam ngồi vào hàng ghế sau xe cùng Thảo và Miên, Nguyễn Anh Đức ngồi ghế trên. Trong xe, Thảo yêu cầu bà Nam trả nợ, nhưng bà Nam chỉ đồng ý trả mỗi tháng 50 triệu, Thảo không đồng ý.

Sau đó, Thảo, Miên và Đức đưa bà Nam đến một nhà nghỉ tại quận 12 thuê phòng nghỉ qua đêm, mục đích yêu cầu bà Nam phải có biện pháp trả tiền. Đến 20 giờ cùng ngày, cả ba tiếp tục đưa bà Nam đến ở tại căn nhà gỗ của ông Hinh tại hồ Trị An (Đồng Nai).

Tại đây, ông Hinh khuyên bà Nam trả tiền cho Thảo. Thảo và bà Nam sau đó thỏa thuận số tiền gốc bà Nam nợ Thảo là 4,5 tỷ đồng và hạ lãi suất xuống 2%/tháng nên bà Nam đồng ý trả tiền cho Thảo.

Miên sau đó gọi điện thoại cho Nguyễn Minh Tân thuê xe đến khu vực hồ Trị An chơi. Tân chở mọi người đi lại và đến các khu nghỉ dưỡng Giang Điền (Đồng Nai), Phương Nam (Bình Dương).

Ngày 14-12-2010, bà Nam gọi điện thoại hỏi vay của ông Trần Văn S. 1,5 tỷ đồng để trả nợ cho Thảo. 13 giờ cùng ngày, bà Nam gọi điện nhờ bạn là anh Đặng Quốc Cường đi lấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) đem đến thế chấp cho ông S. để vay tiền.

Lưu Quang Ngọc Đức đến đưa cho anh Cường tờ giấy biên nhận vay tiền do bà Nam viết sẵn. Cường cầm giấy biên nhận và giấy tờ đất giao cho ông S. lấy 1,5 tỷ đồng và gửi vào tài khoản của Lê Thị Thúy Hằng (em ruột của Thảo). Biết tiền đã được chuyển, Thảo đi rút số tiền trên.

Cũng trong ngày 14-12-2010, Thảo và bà Nam đi chợ Trảng Bom (Đồng Nai) mua quần áo và cả nhóm chuyển đến phòng trọ của gia đình anh Tuấn (cán bộ xã) là bạn của ông Hinh. Tại đây bà Nam gọi điện thoại cho bà Lý Kim Ch. đòi nợ 2 tỷ đồng.

Một ngày sau, bà Nam viết giấy nhận tiền đưa cho Lưu Quang Ngọc Đức cầm đến đưa cho anh Lý Đức A. (anh của bà Ch.) để nhận 2 tỷ đồng đưa về cho Thảo. Sau khi nhận 3,5 tỷ, bà Nam hứa sẽ trả nốt 1 tỷ đồng tiền gốc cho Thảo, còn tiền lãi khi về TP.Hồ Chí Minh sẽ trả sau.

Ngày 16-12-2010, Thảo về TPHCM. Khoảng 16 giờ cùng ngày, Miên đưa bà Nam đến khu nghỉ dưỡng Phương Nam (TX. Thuận An - Bình Dương). Miên yêu cầu bà Nam không trả được 1 tỷ cho Thảo như đã hứa thì trả từ 500 triệu đồng đến 700 triệu đồng mới được về.

Ngày 17-12-2010, bà Nam tiếp tục gọi điện thoại cho bà Lý Kim Ch. đòi nợ 1 tỷ đồng, bà Ch. kêu bà Nam đến gặp anh Lý Đức D. để lấy. Bà Nam tiếp tục nhờ anh Cường đến nhận tiền. Anh Cường chuyển 800 triệu đồng vào tài khoản mang tên Trần Văn Miên (khi gặp Nam, Miên giả tên Hải). Chiều cùng ngày, bà Nam được ông Hinh đưa về TPHCM. Ngày 18-12-2010, Trần Văn Miên về Phú Thọ rút số tiền 800 triệu trên để sử dụng.

Hồ sơ vụ việc

TÁM THÁNG SAU MỚI TỐ CÁO

8 tháng sau, bà Nam làm đơn tố cáo Lê Thị Thảo, Trần Văn Miên và một số cá nhân về hành vi bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản. Cơ quan điều tra Công an TP.HCM sau đó đã vào cuộc điều tra.

Đối với ông Trần Văn Hinh, theo cơ quan chức năng, ngoài lời khai của bà Thảo, không có tài liệu nào chứng minh ông Hinh tham gia bắt giữ bà Nam nên Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát sau đó không khởi tố, truy tố đối với ông Hinh.

Từ ngày 3-6-2012 đến 12-9-2013, Trần Văn Miên bị bắt tạm giữ, tạm giam. Sau nhiều phiên xét xử vụ án, án có kháng cáo, hoãn xử, trả hồ sơ, ngày 6-6-2018, TAND TPHCM mở phiên xét xử lần thứ 4, tuyên phạt bị cáo Miên 9 tháng tù giam về tội bắt giữ người trái pháp luật, 10 năm tù về tội cưỡng đoạt tài sản (số tiền 800 triệu đồng của bà Nam).

Lê Thị Thảo và Nguyễn Anh Đức trước đó cũng bị khởi tố về tội danh bắt giữ người trái pháp luật, tuy nhiên sau đó được đình chỉ bị can. Cáo trạng của Viện KSND TP.HCM ngày 12-1-2018, cho rằng: Lê Thị Thảo và Nguyễn Anh Đức được xác định có hành vi tham gia cùng Trần Văn Miên bắt giữ người trái pháp luật, theo khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, đã được cơ quan điều tra đình chỉ theo khoản 1 Điều 25 Bộ luật hình sự (tội danh ít nghiêm trọng, đến thời hạn truy tố, xét xử không còn gây nguy hiểm cho xã hội - PV).

Trong vai trò bị hại, bà Nam sau đó đã cùng luật sư (LS) của mình kháng cáo bản án, cho rằng Thảo có vai trò chủ mưu trong vụ bắt giữ người trái pháp luật, có dấu hiệu bỏ sót người, lọt tội. Ngày 20-3-2019, TAND Cấp cao tại TP.HCM mở phiên phúc thẩm đã tuyên hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra làm rõ.

Vụ án tưởng chừng đơn giản, nhưng kéo dài tới gần 10 năm, qua rất nhiều phiên xét xử, tranh luận mới được giải quyết từng phần một, mất thời gian, gây mệt mỏi với những người trong cuộc.

Bình luận (0)

Lên đầu trang