Kỳ lạ phiên tòa “bốn không”, bị cáo vẫn bị kết án

Thứ Sáu, 25/09/2020 09:50  | Đoàn Tuấn

|

(CATP) Không có bản cung, không có bị cáo và bị hại, không có người liên quan cũng như nhân chứng tại phiên xét xử, nhưng tòa vẫn đưa ra bản án.

Đó là sự việc xảy ra tại TAND huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên đã buộc Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Hà Nội vào cuộc và quyết định hủy toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm đối với bị cáo Trần Thị Thanh Hương (SN 1972, trú xã Dạ Trạch, Khoái Châu, Hưng Yên) về tội “làm nhục người khác”, do có hàng loạt sai sót, vi phạm trong quá trình tố tụng của cấp sơ thẩm.

VÌ SAO TÒA CẤP CAO TRẢ HỒ SƠ?

Theo bản án hình sự sơ thẩm và các tài liệu khác thể hiện, ngày 23-7-2018, anh Phạm Văn Thiết (trú xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, Hưng Yên) thực hiện việc xây tường bao, tiến hành trộn vữa và tập kết vật liệu tại khu đất trống của bà Nguyễn Thị Lan trú cùng xã. Sau đó Trần Thị Thanh Hương, Trần Văn Tưởng đi đến. Tưởng chở các bao tải chứa phân lợn đến trước nhà bà Lan. Hương để phân lợn lên cát và vữa nhằm cản không cho xây dựng.

Sau đó, giữa Hương và bà Lan xảy ra to tiếng dẫn tới xô xát giằng co làm bà Lan bị rách áo. Tiếp đó, Hương kéo bao tải đổ phân vào đất nhà bà Lan thì bà này ngăn lại. Hương dùng tay đổ bao phân, vẩy lên người bà Lan làm phân dính vào quần áo bà Lan. Hương ném phân lợn nhiều lần vào người, quần áo của bà Lan. Cùng ngày, bà Lan có đơn yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố, xử lý theo quy định pháp luật.

Ngày 23-7-2018, Cơ quan CSĐT Công an huyện Khoái Châu tiến hành khám nghiệm hiện trường xác định trên nền đất vườn phía trước nhà bà Lan có nhiều đám chất bẩn màu đen, vón cục và xác động vật bốc mùi hôi thối và qua biên bản xác định đầu, tóc, tay chân, bên trong và ngoài quần áo của bà Lan đều có dính nhiều chất bẩn, bốc mùi hôi thối dạng cục màu đen; hai mắt xung huyết, gò má phải có vết xước.

Đồng thời, ông Nguyễn Văn Thêm (chồng bà Lan) đã nộp cho Cơ quan CSĐT Công an huyện Khoái Châu 1 USB nội dung ghi lại toàn bộ sự việc xảy ra. Ngày 12-12-2019, Cơ quan CSĐT Công an huyện Khoái Châu đề nghị truy tố Trần Thị Thanh Hương về tội “làm nhục người khác” theo quy định tại Điều 155 của Bộ luật Hình sự năm 2015. Đến ngày 30-12-2019, Viện KSND huyện Khoái Châu truy tố Trần Thị Thanh Hương về tội “làm nhục người khác”.

Tại bản án hình sự sơ thẩm, TAND huyện Khoái Châu xử phạt bị cáo Trần Thị Thanh Hương 2 năm cải tạo không giam giữ về tội “làm nhục người khác”. Sau đó bị cáo Hương có đơn kháng cáo. TAND tỉnh Hưng Yên kiến nghị Chánh án TAND Cấp cao tại Hà Nội kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án hình sự sơ thẩm nêu trên do nhận thấy quá trình tiến hành tố tụng còn nhiều vi phạm, không kiên quyết ngay từ đầu mặc dù biết bị cáo không hợp tác.

Chánh án TAND Cấp cao tại Hà Nội kháng nghị bản án hình sự sơ thẩm của TAND huyện Khoái Châu và đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Hà Nội xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy Bản án hình sự sơ thẩm đã tuyên với bị cáo Hương.

Nhận định của TAND Cấp cao tại Hà Nội cho rằng, mặc dù Cơ quan điều tra đã trực tiếp đến nhà để tống đạt các quyết định tố tụng và triệu tập Trần Thị Thanh Hương để thực hiện việc hỏi cung bị can nhưng đều không hợp tác, nhưng Cơ quan điều tra cũng không áp dụng biện pháp áp giải hoặc các biện pháp khác để lấy lời khai của bị can. Từ đó dẫn đến hồ sơ vụ án không có bất cứ tài liệu nào như bản tự khai, trình bày, biên bản hỏi cung thể hiện lời khai của bị can Trần Thị Thanh Hương.

Mặt khác, hồ sơ vụ án không có biên bản giao, nhận kết luận điều tra cho bị can. Cơ quan điều tra đã không thực hiện đầy đủ về trình tự, thủ tục tố tụng theo quy định của pháp luật. Dù vậy, khi tiếp nhận hồ sơ vụ việc, VKSND huyện Khoái Châu vẫn lặp lại những sai sót tương tự, như không tiến hành lấy lời khai của bị can nhưng vẫn ra cáo trạng truy tố Trần Thị Thanh Hương.

Mặt khác, khi bàn giao bản cáo trạng thì VKSND huyện Khoái Châu cũng không lập biên bản giao, nhận mà chỉ lập biên bản làm việc thể hiện bị can Hương kiên quyết từ chối nhận cáo trạng và có sự chứng kiến của chính quyền địa phương, người làm chứng. Tuy nhiên, trong biên bản làm việc nêu trên không thể hiện đã đọc cáo trạng cho bị can Hương nghe hay chưa. Như vậy, việc giao cáo trạng là không chặt chẽ và không đúng quy định của pháp luật. Lẽ ra, khi nhận hồ sơ vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm cần phải trả lại hồ sơ vụ án, nhưng TAND huyện Khoái Châu vẫn đưa vụ án ra xét xử và xét xử vắng mặt bị cáo là vi phạm về trình tự, thủ tục tố tụng.

Chị Trần Thị Thanh Hương (phải) bị kết án khi cơ quan tố tụng có hàng loạt thiếu sót, vi phạm

NGƯỜI TRONG CUỘC NÓI GÌ?

Trao đổi với phóng viên Báo Công an TPHCM, chị Trần Thị Thanh Hương cho rằng, toàn bộ quá trình diễn ra vụ việc đến khi nhận bản án sơ thẩm, chị đều không có mặt. Khi được hỏi vì sao các cơ quan chức năng địa phương đã nhiều lần triệu tập mà vẫn không hợp tác làm việc, chị Hương cho rằng, bản thân “không có tội”.

Theo chị Hương, TAND huyện Khoái Châu làm việc cẩu thả, đưa giấy triệu tập xét xử vụ án thời gian diễn ra vào ban đêm nên chị không đi. Cụ thể, giấy triệu tập ngày 4-2- 2020 của TAND huyện này đưa ra không có số văn bản. Chỉ vài ngày sau, tức 7-2-2020, TAND huyện Khoái Châu tiếp tục có giấy triệu tập do thẩm phán Bùi Văn Tân ký, nhưng lại đóng dấu tên thẩm phán Đào Duy Trĩnh. Ngoài ra, giấy triệu tập này còn không ghi thời gian cụ thể chỉ ghi “Đ 00 ngày 21-2-2020 đến tham gia phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự”, khiến chị Hương hiểu là tòa mời đến xét xử vào ban đêm nên đã quyết định không đến.

Giấy triệu tập của TAND huyện Khoái Châu, người ký triệu tập là thẩm phán Bùi Văn Tân, nhưng lại đóng chữ đỏ là thẩm phán Đào Duy Trĩnh. Ngoài ra, giấy triệu tập không có giờ cụ thể.

Lý giải về vấn đề này, ông Phạm Thế Phương - Chánh án TAND huyện Khoái Châu cho Báo Công an TPHCM biết, do lỗi ở thư ký đóng dấu nhầm. “Cái này anh em đã kiểm điểm, còn hình thức kiểm điểm như thế nào thì chờ tỉnh xem xét”, ông Phương nói.

Theo ông Phương, các cơ quan đã triệu tập Trần Thị Thanh Hương nhiều lần, không phải các đơn vị người ta vẽ ra hồ sơ này, nhưng Hương không hợp tác.

“Đến khi xét xử, tòa có giấy triệu tập, Hương cũng không hợp tác, phải lần thứ 3 mới xét xử được. Chúng tôi cũng có sai sót đã không kiên quyết thực hiện các biện pháp áp giải nhưng lại không thực hiện. Lỗi này là do linh động thôi, cứ nghĩ rằng cái tội này nó nhẹ ở mức cải tạo không giam giữ. Không nhất thiết phải căn cứ vào lời khai của họ, còn có các chứng cứ khác, tội của chị ấy rất rõ thông qua camera đã thể hiện hết. Phiên tòa không có chị Hương, bà Lan (bị hại), những người liên quan và nhân chứng, nhưng trong hồ sơ đều có thể hiện hết”, ông Phương nói.

Bình luận (0)

Lên đầu trang